Thứ bảy, 26/12/2020, 18h01

Công tác phân luồng hướng nghiệp tại TP.HCM: Nhận thức xã hội nhiều chuyển biến tích cực

Sáng 26-12, Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục TP.HCM phối hợp với Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam đã tổ chức Hội thảo Khoa học quốc gia Giáo dục hướng nghiệp, khởi nghiệp cho học sinh phổ thông trong bối cảnh hiện nay. Hội thảo có sự tham dự của trên 120 cán bộ quản lý, nhà nghiên cứu, giáo viên đến từ 34 tỉnh thành trên cả nước.


TS. Nguyễn Đặng An Long chia sẻ tại Hội thảo

Hội thảo một lần nữa giúp các nhà quản lý giáo dục, các chuyên gia giáo dục nhìn nhận lại thực trạng công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh phổ thông hiện nay, qua đó cải thiện và đưa ra những phương pháp đúng đắn, phù hợp nhất trong việc định hướng hướng nghiệp, khởi nghiệp cho học sinh tại đơn vị mình, hướng tới thực hiện có hiệu quả Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”.

Phát biểu khai mạc h ội thảo, PGS.TS Hà Thanh Việt - Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục TP.HCM khẳng định, công tác giáo dục hướng nghiệp, khởi nghiệp cho học sinh phổ thông trong bối cảnh hiện này là nhiệm vụ rất quan trọng và cấp bách. Tuy nhiên, thực tế triển khai tại các đơn vị lại cho thấy công tác giáo dục này chưa thật sự hiệu quả. “Để hiệu quả hơn thì hoạt động này cần phải được đổi mới từ cấp quản lý đến nhà trường, huy động được nhiều nguồn lực trong xã hội cùng tham gia…”.

Nhìn nhận giáo dục hướng nghiệp, khởi nghiệp là nội dung quan trọng trong Chương trình GDPT 2018, đồng thời, nội dung này cũng đã được Thủ tướng Chính phủ làm rõ và phê duyệt trong Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”, song TS. Vũ Đình Bảy (Trưởng Khoa Tâm lý giáo dục, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn Giáo dục, Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục TP.HCM) chỉ ra rằng, mặc dù các công văn, chủ trương đã rất chi tiết, cụ thể nhưng công tác này ở các trường phổ thông còn tồn tại nhiều bất cập, tình trạng học sinh chọn ngành không phù hợp ở mức cao, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp không kiếm được việc làm nhiều, tình trạng thừa thầy, thiếu thợ vẫn còn hiện hữu…


Đông đảo các chuyên gia tham gia trong Hội thảo

Tại TP.HCM, nhận thức được tầm quan trọng của công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh phổ thông đến việc chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho TP, thời gian qua công tác này đã được ngành GD-ĐT TP thực hiện rất hiệu quả, đi sâu, đi sát, ngày càng giúp thay đổi nhận thức của xã hội. Mỗi năm, Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp với các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp trên địa bàn TP tổ chức Ngày hội “Thanh niên với nghề nghiệp”, thu hút hơn 40.000 thanh niên, học sinh THCS, THPT tham gia. Đặc biệt, xuyên suốt nhiều năm, Sở đã phối hợp với Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức các chương trình thường niên giúp hướng nghiệp, phân luồng cho riêng từng đối tượng học sinh tại TP.HCM như: chương trình Tư vấn hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” và Tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề sáng tương lai” cho đối tượng học sinh THPT; chương trình Phân luồng, hướng nghiệp học sinh sau THCS, thông tin về nghề nghiệp, thị trường lao động, kết nối các trường phổ thông ngoài công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các doanh nghiệp trên địa bàn để định hướng phân luồng học sinh cho đối tượng học sinh THCS.

Cạnh đó, Hệ thống giáo dục nghề nghiệp, mạng lưới các trường chuyên nghiệp công lập và ngoài công lập của TP thời gian qua có những bước phát triển, quy mô đào tạo không ngừng mở rộng, cơ sở vật chất được bổ sung, xây dựng; đội ngũ quản lý, giáo viên ngày càng được nâng cao về trình độ, nghiệp vụ, chuyên môn…, góp phần tích cực cho công tác phân luồng học sinh phổ thông vào các trường trung cấp chuyên nghiệp. 

Từ những nỗ lực đó, TS. Nguyễn Đặng An Long (Chánh Văn phòng Đảng uỷ, Sở GD-ĐT TP.HCM) cho biết, kết quả phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS vào các trường trung cấp chuyên nghiệp tại TP tăng lên từng năm: Năm học 2014 - 2015 trên 4.000 học sinh; năm 2015 - 2016 trên 5.200 học sinh; năm 2016 - 2017 gần 5.900 học sinh; năm 2017 - 2018 trên 6.200 học sinh; năm 2018 - 2019 trên 6.400 học sinh… Hiện 100% trường THCS trên địa bàn TP có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương, có giáo viên tư vấn hướng nghiệp. “Công tác hướng nghiệp cho học sinh sau tốt nghiệp THCS trên địa bàn TPHCM nói riêng và cả nước nói chung hiện được định hướng vào 4 con đường chính là: Học tiếp lên THPT công lập hoặc ngoài công lập; Học trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề; Vừa làm vừa học tiếp THPT theo chương trình GDTX; trực tiếp tham gia lao động sản xuất và du học. Thực tế cho thấy, mặc dù tổng chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường THPT công lập hàng năm đều tăng nhưng không thể đáp ứng yêu cầu thực tế khi số học sinh trên địa bàn tăng nhanh theo tốc độ tăng dân số cơ học. Nhìn chung, công tác phân luồng tại TPHCM những năm qua giúp nhận thức của xã hội có nhiều chuyển biến tích cực”, TS. An Long thông tin.

Trong khi đó, nhìn từ thực tế địa phương, đơn vị mình, ThS. Hàng Quốc Tuấn (Trường THPT Phong Phú, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) lại chỉ ra rằng, học sinh THCS, THPT còn “đói” thông tin về hướng đi và định hướng nghề nghiệp khi các tài liệu giáo dục hướng nghiệp chỉ phần lớn đề cập đến các ngành nghề phổ biến. Còn hiện tượng học sinh chọn ngành học, trường học theo “danh, mác” của trường mà không quan tâm đến mình có đủ năng lực không, mình có yêu thích không, học ngành đó cơ hội việc làm ra sao… “Để thực hiện thành công và hiệu quả phân luồng hướng nghiệp cho học sinh sau THCS, THPT làm một việc rất khó, đòi hỏi sự nỗ lực của không chỉ ngành GD-ĐT, nganh LĐ-TB&XH mà của tất cả các ngành, các cấp, của địa phương, toàn xã hội. Trước hết là thay đổi nhận thức của của cộng đồng xã hội, cha mẹ học sinh và chính bản thân học sinh…”, ThS. Tuấn nhìn nhận.

Bài, ảnh: Yến Hoa