Thứ năm, 13/6/2013, 22h06

Đạo diễn “vàng” của phim Việt

Đạo diễn Trần Mỹ Hà (phải) cùng họa sĩ Phan Vũ (ảnh nhân vật cung cấp)
Nếu hỏi NSƯT - đạo diễn Trần Mỹ Hà có bao nhiêu giải thưởng điện ảnh thì ông không thể nào nhớ nổi. Chỉ biết rằng có tới 2/3 tác phẩm của ông từng đoạt giải thưởng lớn nhất của điện ảnh Việt Nam như Bông sen vàng, Bông sen bạc, Cánh diều vàng, Liên hoan phim truyền hình toàn quốc
Phần lớn phim của ông đều đi sâu vào những vấn đề dữ dội, mô tả nhân vật có cá tính khiến khán giả phải trăn trở khi xem.
Thi đâu, thắng đó
NSƯT - đạo diễn Trần Mỹ Hà là một đạo diễn có tài, điều đó ai cũng phải công nhận, những bộ phim của ông đều thu hút sự chú ý của khán giả, đoạt được rất nhiều giải thưởng danh giá. Nhiều đồng nghiệp của ông thường bảo: “Phim của “ông Hà” là bách phát bách trúng, thi đâu thắng đó”. Trần Mỹ Hà sinh ra và lớn lên tại Đà Lạt. Tốt nghiệp lớp quay phim của Trường Điện ảnh Việt Nam khóa VII (chung với nữ đạo diễn Việt Linh, Minh Trí) năm 1972. Sau khi tốt nghiệp, ông đi khắp nơi để làm phim tài liệu về những đề tài mình yêu thích. Năm 1979, ông về công tác tại Đài Truyền hình TP.HCM và đã đạo diễn khoảng 30 tập phim tài liệu, trong đó có nhiều phim đoạt giải thưởng cao như Thời gian vĩnh cửu (giải Cánh diều vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam), Ma túy S.O.S (giải vàng Liên hoan phim truyền hình toàn quốc), Hạt lúa và nước mặn (giải bạc Liên hoan phim Việt Nam). Năm 1995, khi Đài Truyền hình TP.HCM thành lập Hãng phim TFS, ông là một trong những đạo diễn đầu tiên được tin tưởng giao cho làm bộ phim truyện đầu tay của hãng mang tên Giữa dòng, bộ phim đã vinh dự nhận giải Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam. Thành tích của ông ngày càng dày thêm với những bộ phim như Hải Nguyệt (phim nhựa - giải A Hội Điện ảnh Việt Nam), Giữa dòng (Bông sen vàng, giải đạo diễn, diễn viên nữ, quay phim, kỹ thuật xuất sắc nhất Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 10), Chuyện ngã bảy (huy chương vàng Liên hoan phim truyền hình toàn quốc), Blouse trắng (Cánh diều bạc - Hội Điện ảnh Việt Nam), đến các phim dành cho giới trẻ được đón nhận nồng nhiệt như Hàn Mặc Tử, Thám tử tư, Đời… Ông cho biết: “Trước đây, tôi thường làm những bộ phim dành cho người lớn hoặc phim truyền thống. Nhưng khi “vào cuộc” với các bộ phim dành cho giới trẻ, tôi thấy tâm hồn mình như trẻ lại. Cuộc sống đang cuồn cuộn với bao nhiêu vấn đề dành cho giới trẻ vậy thì tại sao mình lại không sống cùng với họ. Tôi muốn khán giả có một cái nhìn mới về những con người trẻ năng động, nhiệt tình nhưng họ cũng đầy tham vọng lẫn mưu mô. Con người trẻ mà, phải có người vầy người khác mới phản ánh được bộ mặt của xã hội @ ngày nay”.
Người thích “làm khổ” diễn viên
Từ khi bước chân vào điện ảnh, Trần Mỹ Hà không chỉ chấp nhận làm khổ bản thân mình mà còn nổi tiếng là người hay “làm khổ” và “đày đọa” các diễn viên đóng trong phim của mình. Nếu đã từng xem Giữa dòngChuyện ngã bảy sẽ thấy rằng sức chịu đựng của Ngọc Hiệp rất tuyệt vời. Cô chấp nhận tất cả những yêu cầu cho nhân vật mà Trần Mỹ Hà đề ra, cũng như xung phong đóng những pha mạo hiểm mà không cần người thế thân. Nhiều lúc Ngọc Hiệp đùa với ông: “Có cái nào cực khổ hơn anh cho em làm luôn”. Còn diễn viên Hồng Ánh vào vai Hải Nguyệt - con gái ông chủ hãng nước mắm Hải Hương (phim Hải Nguyệt) cũng đã từng khóc hết nước mắt vì “bị” đạo diễn cho trầm mình dưới biển, đi chân đất trên cát nóng nhiều ngày liền. Đóng xong phim này, Hồng Ánh sút mất mấy ký lô. Trong Thám tử tư, diễn xuất của Tuyết Thu cũng rất xuất sắc, có những cảnh quay cần thay đổi sắc mặt và tâm trạng của một người vợ ghen lồng lộn  trong lòng nhưng bề ngoài tỉnh rụi, chị đã phải quay lại trên 10 lần. Tuy nhiên, Tuyết Thu đã từng làm việc với ông nên rất hiểu và không than lấy một câu nào.
60 tuổi đời với hơn 30 năm gắn bó cùng điện ảnh, ông có rất nhiều kỉ niệm vui. Đó là khi bộ phim Hàn Mặc Tử phát sóng được các giáo viên, học sinh trong cả nước gửi thư về khen và cảm ơn ông đã cho họ hình dung ra được dung mạo một Hàn Mặc Tử bằng xương bằng thịt mà bấy lâu nay họ chỉ biết qua sách vở. Thậm chí một số học sinh còn mở ra một website để trao đổi những thông tin về bộ phim này. Điều này khiến ông cảm thấy rất hạnh phúc.
Thanh Tâm
Mới đây nhất, bộ phim truyền hình Đời dài 22 tập nói về xã hội - đời sống - con người Đà Lạt do ông thực hiện được khán giả hết lời khen ngợi khiến ông ấp ủ một bộ phim khác cho quê nhà. “Phải làm một bộ phim tài liệu về Đà Lạt, chuyện thật, người thật, lịch sử thật, cuộc đời thật mới có thể nói hết sự tuyệt vời, kỳ vĩ của thành phố cao nguyên kỳ lạ này!” - ông cho biết như thế!