Thứ bảy, 23/10/2021, 17h33

Khai mạc “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 14

Các chuyên gia nhận định, hiện nay các ngành học đều có sự giao thoa đa dạng, học một ngành có thể làm được nhiều nghề. Điều quan trọng là người học cần tìm được ngành học phù hợp với năng lực, khả năng bản thân.

Sáng 23-10, Tạp chí Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức Khai mạc chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 14 năm học 2021-2022. Chương trình được tổ chức trực tuyến, với sự đồng hành của ĐH Quốc gia TP.HCM, Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam (Bộ GD-ĐT), Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH), ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM (UEF)..., cùng gần 2.000 học sinh Trường THPT Trần Văn Giàu (Q.Bình Thạnh).

Bí quyết để chọn được ngành học phù hợp

Theo TS. Nguyễn Đức Nghĩa (Nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM), hệ thống các trường ĐH tại Việt Nam hiện đang đào tạo khoảng 367 ngành. Trong khi đó, danh mục nghề nghiệp trong xã hội là rất lớn, do sự giao thoa đa dạng giữa các ngành nghề đào tạo, mỗi ngành có thể làm được rất nhiều nghề.

“Muốn biết được nghề đó, vị trí việc làm đó cần học ngành gì, các em có thể theo dõi trên các thông tin tuyển dụng. Khi đăng ký chọn ngành ở trường ĐH các em cần phải về khối thi, điểm chuẩn của từng trường... để tăng mức độ trúng tuyển. Cùng một ngành đào tạo nhưng điểm chuẩn mỗi trường sẽ có mức dao động khác nhau...”.

Nhiều năm làm công tác hướng nghiệp, TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng Ban công tác sinh viên, ĐH Quốc gia TP.HCM) chỉ rõ, bí quyết chọn ngành nghề chỉ dựa vào đam mê chưa đủ mà còn là động cơ việc làm trong tương lai, yêu cầu nghề nghiệp của mình. Bên cạnh đó, còn phải chọn được phương thức thi phù hợp với cách thức học tập của bản thân ở trường phổ thông.

Trong khi đó, ThS. Phạm Doãn Nguyên (Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh, UEF) lưu ý người học cần tìm hiểu về môi trường học tập phù hợp trước khi đăng ký lựa chọn ngành học. Trong cùng một ngành đào tạo song mỗi trường ĐH lại có một thế mạnh đào tạo khác nhau. “Nhìn nhận ra thế mạnh đào tạo, soi chiếu với hướng đi nghề nghiệp của bản thân, năng lực bản thân, khả năng tài chính gia đình sẽ giúp các em chọn được môi trường học tập phù hợp, hiệu quả”, ThS. Nguyên nói.

Các ngành nghề kỹ năng thấp sẽ bị thay thế

Ông Trấn Anh Tuấn (Chuyên gia dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM) khẳng định, trong thời kỳ nền kinh tế tri thức, các ngành nghề sử dụng lao động kỹ năng thấp sẽ mất lợi thế cạnh tranh, không tồn tại và thay thế bằng nhiều ngành nghề mới.

Ông Tuấn dự báo, thời gian tới có 12 nhóm ngành nghề cần nhu cầu lao động cao, bao gồm: Nhóm ngành về khoa học máy tính, CNTT, kỹ thuật phần mềm, trí tuệ nhân tạo, an toàn thông tin, hệ thống thông tin...; Cơ khí, như cơ điện tử, kỹ thuật ô tô, tự điện hoá, điện điện tử, quản ý công nghiệp...; Nhóm ngành kiến trúc; Công trình kỹ thuật xây dựng; Công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học; Công nghệ nông lâm; Kinh tế thương mại, quản trị kinh doanh; Tài chính, kế toán, kiểm toán, ngân hàng; Du lịch; Khoa học xã hội; Sư phạm; Y dược.

Riêng tại TP.HCM, sẽ phát triển 8 nhóm ngành trọng điểm theo xu hướng của 8 nhóm ngành nhân lực quốc tế như: CNTT; kỹ thuật cơ khí; tự động hoá; trí tuệ nhân tạo; quản trị doanh nghiệp; tài chính ngân hàng; kinh tế nhân lực; quản lý.

“Các nhóm ngành sẽ kết hơp với CNTT và công nghệ tạo ra nhiều ngành nghề mới theo xu hướng phát triển công nghệ cao. Vấn đề đặt ra là các em phải trang bị cho mình một nghề nghiệp, kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, thái độ nghề nghiệp tích cực”, ông Tuấn nhìn nhận.

Chia sẻ sâu hơn về cách thức chọn ngành phù hợp, TS. Lê Thị Thanh Mai chỉ rõ trước hết người học cần định vị bản thân. Nếu xưa kia hành trình nghề nghiệp thường bắt đầu bằng việc “em thích cái này, em ước mơ cái kia” thì bây giờ hãy ghi ra giấy điều mình thực sự đam mê là gì, thứ mình làm tốt nhất là gì, kết hợp thêm với động cơ nghề nghiệp, động cơ kinh tế. “Thực sự đam mê chứ không phải thấy bạn bè thích mình cũng ghi theo bạn bè. Giữa những điều này có sự giao thoa, vấn đề quan trọng là mình phải định vị được bản thân”.

Ngoài ra, để chọn được ngành học phù hợp, người học cần trả lời câu hỏi sau này thích làm việc với nhóm nào trong 4 nhóm con người, vật thể, ý tưởng và dữ liệu. Tránh tình trạng thích tiếp xúc với con người nhưng lại chọn ngành kế toán, kiểm toán chỉ tiếp xúc với dữ liệu.

Theo TS. Mai, nếu đi theo hướng nghề, học sinh chỉ cần tốt nghiệp THPT, sử dụng điểm học bạ; Còn theo các trường mà Bộ GD-ĐT quản lý thì có nhiều hướng tuyển sinh, với 23 lĩnh vực giáo dục, 95 nhóm ngành, gần 400 ngành đào tạo...

“Có 5 nhóm ngành hàng năm rất khó tuyển sinh, như: nông lâm nghiệp và thuỷ sản, KHTN, môi trường, dịch vụ xã hội, khoa học sự sống. Khó tuyển sinh không phải do ra trường không có việc làm, các em hãy nhìn theo hướng tích cực là các ngành này ít tính cạnh tranh...”.

Chia sẻ thêm, TS. Mai cho hay, người học cần xác định thêm tính cách của bản thân, sức học của mình để lựa chọn phương thức tuyển sinh phù hợp, với 3 phương thức cơ bản: kết quả thi tốt ngiệp THPT, thi đánh giá năng lực, sử dụng điểm học bạ...

“Đừng bao giờ nghĩ rằng sử dụng điểm học bạ không oai bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Tất cả các phương thức xét tuyển đều có giá trị như nhau. Tuỳ vào sức học để tranh thủ nhiều phương thức để tăng khả năng trúng tuyển”, TS. Mai nói.

Yến Hoa