Thứ bảy, 10/9/2011, 10h09

Lời cảnh báo từ thị trường Hàn Quốc: Lao động Việt Nam đang bị “mất điểm”

Theo thống kê của Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc, trong tổng số trên 60.000 lao động Việt Nam hiện đang làm việc tại Hàn Quốc, có 8.780 người đang cư trú bất hợp pháp, đứng đầu về số lượng người cư trú bất hợp pháp so với các quốc gia khác.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng bị Hàn Quốc xếp vào nhóm các nước dẫn đầu có người lao động đòi hỏi chuyển chỗ làm việc với những lý do không chính đáng.

Lao động VN sang Hàn Quốc theo Chương trình EPS chủ yếu làm việc trong ngành sản xuất chế tạo (79%).

“Mất điểm” trầm trọng

Theo số liệu mới nhất do Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH Việt Nam) cung cấp, thời gian gần đây, số lượng người lao động nước ngoài, đặc biệt là lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc đang ngày càng gia tăng làm ảnh hưởng đến hình ảnh của lao động Việt Nam nói chung và quan hệ hợp tác lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Theo thống kê của Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc, trong tổng số trên 60.000 lao động Việt Nam hiện đang làm việc tại Hàn Quốc, có 8.780 người đang cư trú bất hợp pháp, đứng đầu về số lượng người cư trú bất hợp pháp so với các quốc gia phái cử. Nghiêm trọng hơn, theo đánh giá của một quan chức Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH VN), tình trạng người lao động bỏ trốn ngay sau khi nhập cảnh vào Hàn Quốc cũng tăng lên đáng kể trong thời gian gần đây.

Chính phủ Hàn Quốc lo ngại số lượng này tiếp tục gia tăng khi số lượng lao động kết thúc hợp đồng trong năm nay là rất lớn. Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc đã cân nhắc đến biện pháp hạn chế việc tổ chức kỳ kiểm tra tiếng Hàn hoặc cắt giảm chỉ tiêu tiếp nhận lao động Việt Nam. Nếu tình trạng trên trở nên nghiêm trọng hơn thì phía Hàn Quốc có thể áp dụng biện pháp dừng thực hiện thỏa thuận phái cử lao động Việt Nam sang Hàn Quốc.

Không những vậy, Việt Nam cũng bị Hàn Quốc xếp vào nhóm các nước dẫn đầu có lao động yêu cầu đòi chuyển chỗ làm với những lý do không chính đáng (tỉ lệ 32%). Phân tích của vị quan chức Cục Quản lý lao động ngoài nước này cho thấy, gần đây, số lượng chủ sử dụng lao động tại Hàn Quốc nói chung, đặc biệt là chủ sử dụng lao động trong ngành nông nghiệp và ngư nghiệp không hài lòng với lao động Việt Nam tăng lên, đã ảnh hưởng đến việc lựa chọn lao động VN qua mạng Internet.

Lời cảnh báo cần thiết

Hiện nay, cảnh sát tư pháp Hàn Quốc thường xuyên tổ chức các đợt truy quét lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp. Nhờ việc tăng cường truy quét, số lượng lao động nước ngoài tại Hàn Quốc đã giảm mạnh. Hiện nay, số lao động có nguồn gốc là tu nghiệp sinh cư trú bất hợp pháp từ các năm trước đây đã giảm xuống chỉ còn gần 200 người Việt Nam tại thời điểm hiện nay. Cảnh sát Hàn Quốc đang điều tra các tổ chức tội phạm người nước ngoài, trong đó có các đường dây liên quan đến việc tổ chức cho người lao động bỏ trốn cư trú bất hợp pháp.

Các chủ sử dụng lao động sử dụng lao động bất hợp pháp sẽ bị phạt tiền tối đa là 40 triệu won, có thể bị cấm hoạt động. Người lao động cư trú bất hợp pháp sẽ bị xử phạt tối đa 40 triệu won hoặc bị phạt tù tối đa là 12 tháng. Người lao động đã từng cư trú bất hợp pháp cũng bị cấm nhập cảnh vào Hàn Quốc.

Đây chính là những lời cảnh báo cần thiết cho lao động VN khi muốn đặt chân vào thị trường đầy tiềm năng như Hàn Quốc.
Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (EPS) được thực hiện từ năm 2004 theo thỏa thuận giữa Bộ LĐTBXH Việt Nam và Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc. Từ đó đến nay, chương trình đã đưa được 62.971 người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc. Người lao động làm việc theo chương trình này đại bộ phận là lao động phổ thông, làm việc chủ yếu trong ngành sản xuất chế tạo (79%), số còn lại làm việc trong các ngành nông nghiệp (10%); xây dựng (8,8%), ngư nghiệp và dịch vụ (2,2%). Lao động VN tại Hàn Quốc đều có việc làm và thu nhập ổn định. Mức thu nhập trung bình khoảng trên 1.000USD/người/tháng.

Hải Phong

Theo Lao Động