Thứ ba, 18/2/2020, 21h43

Nằm than, nhiều sản phụ bị bỏng nặng

TS.BS Ngô Đc Hip đang thăm khám cho ngưi bnhẢnh: Đ.Khoa

Ngày 18-2, TS.BS Ngô Đức Hiệp - Trưởng khoa Phỏng - Tạo hình, BV Chợ Rẫy - cho biết, mới đây các BS đã tiếp nhận 5 bệnh nhân đều là những phụ nữ sau sinh gặp tai nạn nghiêm trọng do nằm than.

Đơn cử như bệnh nhân P.T.G (SN 1988, ngụ Phú Hải, TP.Phan Thiết, Bình Thuận). Ngày 13-2, bệnh nhân G. được chuyển từ BV Đa khoa Bình Thuận đến BV Chợ Rẫy trong tình trạng ngất xỉu do mền rớt vào thùng than gây cháy, phỏng 5% độ 3 ở tay trái, vai trái, tay phải cũng bị phỏng nhẹ. Thời điểm nhập viện bệnh nhân hậu sản ở ngày thứ 5. Theo BS Hiệp, trước tình trạng phỏng nghiêm trọng, sắp tới bệnh nhân phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật…

Trước đó, ngày 8-1, sản phụ T.T.T.V.C (SN 1989, ngụ Kim Lương, Kiên Giang) cũng được chuyển đến BV Chợ Rẫy để điều trị phỏng do nằm than sau sinh. Cụ thể, ngày 7-1 (sau sinh 5 ngày), chị C. được người nhà phát hiện bị phỏng và nằm hôn mê ở trong phòng, bên cạnh là thùng than đang bốc cháy. Bệnh nhân được nhanh chóng đưa đến BV Kiên Giang. Các BS thực hiện đặt nội khí quản cho bệnh nhân rồi chuyển viện đến BV Chợ Rẫy. Tại đây, BS Hiệp cho biết, bệnh nhân được xác định bị ngộ độc khí CO, phỏng lửa 5% độ 3 ở 2 mông, chân trái, bàn tay trái và đùi trái. Tại Khoa Phỏng - Tạo hình, BV Chợ Rẫy bệnh nhân được điều trị tích cực, may mắn các tổn thương dần phục hồi, được xuất viện vào ngày 7-2.

Mới đây một sản phụ khác ngụ ở huyện Bình Chánh, TP.HCM sau khi sinh con lần thứ 2 cũng nằm than và bị ngộ độc khí CO dẫn đến hôn mê, bàn tay trái bị vùi trong chậu than. Không may mắn như chị C., bệnh nhân này buộc phải tháo khớp 5 ngón tay. BS Hiệp chia sẻ, đối với những trường hợp trên, nạn nhân không chỉ đau đớn trong giai đoạn hiện nay mà còn để lại nhiều di chứng nặng nề về sau. Chẳng hạn như đối với bệnh nhân ở Bình Chánh bị đoạn chi, bệnh nhân G. bị sẹo co rút ảnh hưởng đến vận động, chất lượng cuộc sống.

BS Hiệp khuyến cáo: “Trước đây người dân có quan niệm phụ nữ sau sinh cần phải nằm than để giữ ấm và điều dưỡng lại sức khỏe, tuy nhiên đến nay phương pháp đó không còn phù hợp. Nguyên nhân, phụ nữ sau sinh vốn bị mất máu nhiều, cơ thể suy yếu, trong khi đó việc đốt than có thể sinh ra khí độc CO - khí không màu, không mùi, không vị. Quá trình nằm than, sản phụ hít phải khí độc CO sẽ bị hôn mê, có thể bị té vào than gây bỏng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, đối với trẻ nhỏ có làn da rất mỏng, với nhiệt độ cao dễ bị tổn thương, đặc biệt là tổn thương phổi. Do đó, để giữ ấm cho sản phụ và em bé, gia đình sản phụ có thể sử dụng các phương pháp khác như mặc nhiều quần áo ấm, hoặc sử dụng lò sưởi”.

Đăng Khoa