Thứ ba, 22/11/2016, 13h26

Người lưu giữ nét xuân cho giai nhân

Tên tuổi nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu gắn liền với những bức chân dung nghệ sĩ danh tiếng một thời của Sài Gòn ngày trước. Lặng lẽ làm việc, chỉn chu trong từng khâu của nghệ thuật nhiếp ảnh, ông được nhiều người biết đến với niềm trân trọng.

Nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu trong một buổi giao lưu tại đường sách Nguyễn Văn Bình

“Bén duyên” cùng nhiếp ảnh ở tuổi lên 10

Nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu tập tành làm quen với nghề ảnh khi mới 10 tuổi. Năm 1948, chiến tranh mở rộng, ông vào Sài Gòn sinh sống và vẫn giữ ý định quyết tâm theo học nghề ảnh vì đam mê và cũng là để lập nghiệp. Tiệm ảnh Văn Vấn trên đường Duranton (nay là Bùi Thị Xuân - Q.1) là nơi ông cất giữ những năm tháng học nghề bình lặng. Vợ ông Vấn cũng là dì ruột của ông. Trong suốt 10 năm ở đó, ông cần mẫn học tất cả các khâu từ đơn giản nhất như vỗ ảnh, thay nước ảnh, phơi ảnh, vào bao, xách nước… theo kiểu nhìn thợ làm ra sao rồi bắt chước theo. “Những ngày đầu mới vào Sài Gòn, tôi học vỗ ảnh, thay nước ảnh, phơi ảnh, vào bao, xách nước… Dẫu vất vả, phải làm đủ mọi việc nhưng tôi không ngại gì cả. Trông thợ làm mà học, từ A đến Z. Chẳng học lý thuyết gì đâu. Làm hết, từ chụp ảnh, tráng phim, rửa ảnh, chấm sửa…”, nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu kể lại.

Khó khăn rồi cũng đi qua bởi sự kiên trì, nỗ lực của ông. Năm 1958, chàng thợ nhiếp ảnh mới vào nghề ấy lần đầu tiên có cơ hội được tiếp xúc, chụp ảnh cho hai minh tinh thời bấy giờ là nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng và Kiều Chinh. Khi đó, hai nghệ sĩ này đang làm cho hãng phim Việt Thanh, họ được hãng phim đưa đến gặp ông Đinh Tiến Mậu để chụp ảnh. Con đường sự nghiệp của ông cũng khởi sắc từ đó. Nhiều hãng phim, hãng đĩa chọn hiệu của ông như “trao mặt gửi vàng” cho những hình ảnh quảng cáo. Ngoài làm chính cho Việt Thanh, nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu còn nhận lời chụp cho nhiều hãng phim, hãng đĩa khác để họ dùng ảnh làm bìa băng đĩa hay áp phích quảng cáo. Báo chí Sài Gòn thời bấy giờ có không ít tờ báo lấy ảnh của ông để đăng hay làm bìa. Niềm vui của người thợ nhiếp ảnh như ông là mỗi sáng chợt nhìn thấy hình ảnh do chính tay mình chụp được đăng trên các tờ: Phụ nữ ngày nay, Phụ nữ diễn đàn, Kịch ảnh, Điện ảnh… Tiếng lành đồn xa, nhiều đoàn cải lương (đây là thời kỳ vàng son của nghệ thuật cải lương - PV) cũng tìm đến ông. Giai đoạn này, nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu hợp tác với đoàn Thanh Minh Thanh Nga nhiều nhất. Tiệm ảnh Viễn Kính do chính ông làm chủ ở số 277 Phan Đình Phùng (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu) mở từ năm 1963. Những lúc cao điểm, tiệm ảnh rửa khoảng mấy ngàn tấm ảnh chân dung nghệ sĩ.

Tận tâm, hết mình vì công việc

Nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu ký tặng người hâm mộ

Hơn 80 tuổi, nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu vẫn còn nhanh nhẹn, minh mẫn. Trong buổi giao lưu triển lãm ảnh nghệ sĩ Sài Gòn xưa dưới góc nhìn của ông diễn ra tại đường sách Nguyễn Văn Bình, nhiều người không khỏi ngạc nhiên, thích thú với những chia sẻ chân tình của nhiếp ảnh gia lừng lẫy một thời. 

Dẫu xa quê đã lâu nhưng trong câu chuyện của mình, ông luôn nhắc đến làng Lai Xá (trước thuộc Hà Đông, nay thuộc xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) với nhiều ân tình. Làng Lai Xá là làng “trùm” về nghề ảnh ở Sài Gòn. Không tính các hiệu ảnh của ông Khánh Kỳ ban đầu, đã có khoảng 32 hiệu ảnh của người Lai Xá mở tại Sài Gòn từ thập niên 1930-1940. Hiện nay, vẫn còn 9 hiệu ảnh hoạt động.

Sau 10 năm mở tiệm riêng, đến 1973, ông Đinh Tiến Mậu mua luôn căn nhà mà trước đây ông thuê để mở tiệm. Giai đoạn này là thời làm ăn phát đạt nhất của ông. Năm 2004, sự cạnh tranh của nhiều tiệm ảnh kỹ thuật số, tiệm ảnh của ông đóng cửa. Kể về những kỷ niệm xưa, mắt ông luôn lấp lánh niềm vui. “Chừng ấy năm, tôi có cơ hội để rẽ sang những con đường khác nhưng càng làm, tôi càng thấy mê nghề nhiếp ảnh. Tôi bình thản, nhẹ nhàng sống với nghề, vừa để kiếm cơm, vừa sống vì nghệ thuật. Mình tôn trọng, hết lòng với khách hàng, khách hàng mới đặt niềm tin vào mình”, nhiếp ảnh gia lừng lẫy một thời Đinh Tiến Mậu bộc bạch.

Những bức chân dung của nhiều gương mặt quen thuộc trên sàn diễn một thời như: Thanh Nga, Thẩm Thúy Hằng, Bạch Yến, Bạch Lê, Thanh Lan, Hà Thanh, Ngọc Giàu, Bạch Tuyết, Thái Thanh, Thanh Thanh Hoa… dưới góc ảnh ông Đinh Tiến Mậu đều có vẻ đẹp tự nhiên, chân thật, không hề qua chỉnh sửa photoshop. “Thời bấy giờ làm gì có ảnh kỹ thuật số nên ai cũng chụp máy phim rồi rửa ảnh. Nếu da mặt nghệ sĩ nào không mịn màng thì tôi dùng cách thủ công là chấm màu bằng tay lên ảnh cho mịn. Chỉ đơn giản vậy thôi”, ông chia sẻ.

Nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu với những bức chân dung nữ nghệ sĩ Sài Gòn trước 1975 do chính ông chụp

So với nhiều tiệm ảnh thời bấy giờ, tiệm ảnh Viễn Kính của ông nhiều khi hút khách hơn khi ông nghĩ ra một trò mà tiệm khác không có là chụp ảnh một người thành hai hoặc ba, bốn người bằng cách chụp nhiều lần rồi ghép ảnh thủ công. Tất cả đều được ông làm một cách khéo léo, chính xác từ ánh sáng đến khoảng cách, bố cục… để không thấy chỗ hở bị ghép.

Tận tậm, tận tụy vì nghề, nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu chiếm được cảm tình của nhiều khách hàng, đặc biệt là các nghệ sĩ nổi tiếng thời bấy giờ. Bà bầu Thơ của đoàn Thanh Minh thương ông như con cháu trong nhà. Với NSƯT Thanh Nga, ông có mối quan hệ thân thiết. Ông cũng chính là người chụp ảnh cưới cho nữ nghệ sĩ một thời vang bóng này. Hằng ngày, ông tiếp xúc với nhiều người đẹp nhưng vợ ông chưa bao giờ ghen tuông bóng gió. Họ tôn trọng, cùng hỗ trợ nhau trong công việc. Hạnh phúc vì lẽ đó mà bền chặt đến hôm nay.

Những ngày tháng hoàng kim của máy ảnh phim đã qua. Nhiều hình ảnh chụp nghệ sĩ của nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu đang trôi nổi trên mạng mà chưa hề có sự xin phép hay trả tác quyền cho ông. Nhắc chuyện này, ông chỉ mỉm cười hiền hậu: “Tôi không có suy nghĩ sẽ kiện tụng bao giờ. Tôi cứ nghĩ rằng họ đang phổ biến tác phẩm của mình đến xã hội vậy, để thế hệ sau biết đến những ngôi sao tài sắc một thời của Sài Gòn xưa. Vậy là vui rồi”.

Yên Hà