Thứ năm, 16/9/2021, 14h42

Nhiều chính sách chăm lo cho giáo viên tham gia phòng chống dịch

Nếu trong quá trình tham gia phòng chống dịch, giáo viên trở thành F0 thì sẽ được hưởng chế độ riêng đặc thù của ngành, khi cách ly điều trị bệnh vẫn được tính để thực hiện chế độ đầy đủ.


Giáo viên TP.HCM tích cực tham gia phòng chống dịch COVID-19 như đi chợ giúp dân, phát túi thuốc an sinh...

Công đoàn Ngành Giáo dục TP cũng đã đề xuất Liên đoàn Lao động TP.HCM, giáo viên được hưởng hỗ trợ từ những gói an sinh của thành phố, trước mắt là giáo viên mầm non ở các quận, huyện và TP.Thủ Đức.

Thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM cho thấy, hiện toàn thành phố có 14.312 cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành đang tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Nhằm kịp thời ghi nhận, động viên những nỗ lực cống hiến của giáo viên trong công tác phòng, chống dịch của thành phố, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, ngành đã có nhiều chính sách chăm lo cho đội ngũ giáo viên này.

Theo đó, hơn 14.000 giáo viên trực tiếp tham gia phòng chống dịch sẽ được các trường ghi nhận, thực hiện đầy đủ chế độ theo Nghị quyết 03 cho giáo viên.

Nếu trong quá trình tham gia phòng chống dịch, giáo viên trở thành F0 thì sẽ được hưởng chế độ riêng đặc thù của ngành, khi cách ly điều trị bệnh vẫn được tính để thực hiện các chế độ đầy đủ.

Cạnh đó, ngành giáo dục cũng thực hiện chính sách thường niên của ngành như nâng ngạch, chuyển ngạch kịp thời cho giáo viên, đảm bảo chế độ chính sách cho thầy cô giáo.

Bà Nguyễn Thị Gái - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục TP.HCM cho biết, thời gian qua, Công đoàn ngành đã có nhiều chính sách chăm lo kịp thời cho giáo viên khó khăn, giáo viên là F0.

Từ đầu năm 2021 đến nay, Công đoàn ngành đã phối hợp với Unicef hỗ trợ cho 1005 trường hợp giáo viên khó khăn vay với số tiền trên 48 tỷ đồng. Mới đây, Công đoàn ngành đã đề xuất với Liên đoàn Lao động TP.HCM có ý kiến với Unicef về việc thời gian này giáo viên được tạm hoãn đóng tiền gốc, chỉ đóng tiền lãi rất nhỏ, sau khi bớt khó khăn thì sẽ thực hiện đóng như bình thường.

Đồng thời, đề xuất Liên đoàn Lao động TP cho giáo viên được hưởng hỗ trợ từ những gói an sinh của thành phố, trước mắt là giáo viên mầm non ở các quận, huyện và TP. Thủ Đức.

Trường hợp giáo viên là F0, giáo viên khó khăn được Công đoàn ngành cập nhật thường xuyên, hàng ngày. Tính đến nay, đã có 300 giáo viên thuộc diện F0, F1 được Công đoàn ngành chăm lo với tổng kinh phí là gần 745 triệu đồng. Ngoài ra, với 1.046 người lao động bị mất việc hoặc tạm chấm dứt hợp đồng lao động thì có 476 người đã được đề nghị hỗ trợ theo NQ 68/NQ-CP của Chính phủ, 765 người được các công đoàn cơ sở chủ động chăm lo với tổng kinh phí là hơn 818 trỉệu đồng.

Thống kê đến ngày 11-9, tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động bị mất việc làm trong toàn ngành là 12.341 người. Trong đó, ảnh hưởng nhất là bậc mầm non với 10.129 người (chiếm 82,08%) bị huỷ hoặc hoãn hợp đồng lao động. Các ngành, các tổ chức đoàn thể, chính trị tại địa phương đã hỗ trợ cho 13.312 giáo viên, nhân viên, người lao động ngành giáo dục gặp khó khăn do dịch bệnh kéo dài với tổng số tiền trên 24 tỷ đồng.

Hiện tại, TP.HCM đã bắt đầu năm học 2021-2022 bằng hình thức trực tuyến, từ ngày 1-9 ở bậc trung học và từ ngày 8-9 với bậc tiểu học. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP cho biết, với giáo viên thuộc diện F0, Sở đã yêu cầu nhà trường không phân công giáo viên giảng dạy trong đợt này. Từng nhà trường sẽ có kế hoạch phân công giáo viên, nhà trường cùng nhau chia sẻ, gồng gánh, thậm chí hiệu trưởng, hiệu phó cũng trực tiếp tham gia đứng lớp trực tuyến vào thời điểm này để san sẻ khó khăn với giáo viên.

Với giáo viên thiếu máy móc, thiết bị, sở đang vận động các đơn vị tài trợ trang thiết bị giảng dạy cho giáo viên. Song song đó, chỉ đạo các nhà trường tạo điều kiện, không phân công giờ dạy học trực tuyến cho giáo viên mà chỉ giao nhiệm vụ cho giáo viên phụ trách các công việc khác như theo dõi quá trình học trực tuyến của học sinh, hướng dẫn giải đáp các thắc mắc của học sinh...

Yến Hoa