Thứ tư, 7/9/2011, 10h09

Phim Huyền thoại 1C: “Nhuộm da, cầm súng mới là diễn viên”

Sau Ðường Hồ Chí Minh trên biển, Huyền thoại 1C là bộ phim truyền hình lịch sử về đề tài chiến tranh cách mạng đang được gấp rút thực hiện.

Đoàn phim Huyền thoại 1C đang có những ngày làm việc gắt gao nhất tại Mộc Hóa, Long An. Trong ảnh: đạo diễn Nguyễn Thanh Vân (người chỉ tay) chỉ đạo diễn xuất cho các diễn viên - Ảnh: Hãng phim Tây Nam cung cấp

Ðường 1C là tuyến đường giao liên biên giới trải dài từ Sóc Chuốt (Túc Mía, Campuchia) đến Cà Mau, đi qua hầu hết các địa phương của Tây Nam bộ.

Suốt tám năm bám trụ kiên cường (1967-1975), đây là nơi vận chuyển hàng chục ngàn tấn vũ khí, hàng ngàn tấn lương thực, thuốc men, thậm chí có cả tiền bạc..., đồng thời đưa rước hàng vạn lượt cán bộ, bộ đội, chuyển tải thương bệnh binh từ chiến trường về hậu cứ.

Cuộc chiến đấu gian khổ của Lực lượng Thanh niên xung phong nhỏ bé nhưng kiên cường bám giữ đường 1C, đảm bảo cho huyết mạch giao thông không ngừng nghỉ là điểm nhấn của bộ phim. Áp lực của đoàn phim là làm sao tái hiện bầu không khí máu lửa đó.

Lợi thế của người... chưa nổi tiếng

Điều kỳ lạ từ những cô gái đôi mươi

Bộ phim truyền hình Huyền thoại 1C (20 tập, biên kịch: Đoàn Minh Tuấn - nhà văn Anh Động, đạo diễn: Nguyễn Thanh Vân) phản ánh cuộc chiến đấu hi sinh gian khổ với những nhiệm vụ hậu cần quan trọng của Lực lượng Thanh niên xung phong Tây Nam bộ. Phim do Bộ VH-TT&DL làm chủ đầu tư bằng kinh phí của Nhà nước, dự kiến cuối tháng 11 sẽ hoàn thành.

Không hứa hẹn gì nhiều, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân - người từng thành danh với những bộ phim nhựa Đời cát, Người đàn bà mộng du, Cây bạch đàn vô danh... - chỉ tiết lộ: “Đời sống của những người con gái tuổi mười bảy đôi mươi giữa mênh mông sông nước của thời điểm chiến tranh khắc nghiệt chắc chắn sẽ có nhiều điều kỳ lạ”.

Chứng kiến các nghệ sĩ có những ngày "sống lại với quá khứ" ròng rã tại Mộc Hóa, Long An, ông Hồng Quốc Công - giám đốc Hãng phim Tây Nam, đơn vị sản xuất Huyền thoại 1C - chia sẻ: "Ở dự án phim này, chúng tôi đòi hỏi đội ngũ diễn viên phải làm việc một cách bài bản nhất!". Bài bản ở chỗ diễn viên phải phơi nắng nhuộm cho da nâu giòn, phải học từ chèo thuyền, bắn súng đến chạy, bước, trườn, bò, thậm chí học ăn cả lá rừng, củ rừng thay cơm... như một người lính thực thụ. Quy trình bài bản đó được đoàn phim hài hước gọi tên "nhuộm da, cầm súng... mới là diễn viên".

"Ðó cũng là một phần lý do chúng tôi không chọn những diễn viên nổi tiếng - đạo diễn Nguyễn Thanh Vân tiết lộ - Những bạn trẻ luôn có lợi thế là lòng tươi mới với nghề. Trong một môi trường lạ lẫm, gian khổ, họ lại thể hiện được sức hăng say và cả sự hi sinh để tiếp cận với nghề".

Quy củ còn ở "chế độ": một cựu binh "kèm" một diễn viên. "Cột khăn rằn như thế nào vẫn có diễn viên hỏi, cầm giỏ súng ra sao đều cần có cố vấn. Chúng tôi xác định hay dở chưa biết, nhưng trước tiên phải đúng, lịch sử không thể làm sai lệch hay làm khác hơn được. Rất nhiều người lính năm xưa còn đây, không thể đưa lên phim những hình ảnh thiếu chính xác đối với họ!", giám đốc Hồng Quốc Công chợt nghiêm nét mặt.

"Còn khả năng diễn xuất của các nghệ sĩ có làm hài lòng những cố vấn lịch sử?", "Ðể chứng minh được lòng gan dạ, can đảm, thậm chí hi sinh tuổi xuân cho sự nghiệp giải phóng, liệu đọc những trang kịch bản có đủ tạo lửa cho họ nhập vai?" - câu hỏi dành cho cựu chiến binh Nguyễn Minh Phúc - nguyên chỉ huy khu đoàn thanh niên Tây Nam bộ, cũng là người đã góp phần chọn ra một số đồng đội đồng hành cùng đoàn phim.

Câu trả lời của vị cố vấn khó tính là: "Có, chính khả năng nhập vai của họ khiến chúng tôi nhớ da diết những đồng đội cũ. Cứ mỗi một cảnh quay là một lần đau đớn nhớ về hình ảnh những nữ đồng đội. Trẻ rất trẻ. Vào rừng ở tóc rụng hết, mắc bệnh phát ban... mà nhiệm vụ hậu cần không bao giờ từ bỏ". Không dứt hết bồi hồi, vị cựu binh dành một lời khích lệ: "Chúng tôi thấy họ nhiệt tình, thấy được sự đồng cảm của nghệ sĩ dành cho thế hệ chúng tôi".

Nhân chứng sống có những người đã 70 tuổi vẫn nhận lời theo đoàn. Còn để tái hiện những nhân vật đã mãi mãi nằm lại chiến trường, nhà biên kịch của bộ phim có một nguồn tư liệu là những lá thư, đặc biệt một công trình ghi chép gồm hai cuốn nhật ký do chính những thanh niên xung phong con đường 1C ghi lại.

Vẻ đẹp đồng đội của những nữ chiến sĩ được khắc họa trong Huyền thoại 1C, 2/3 quân số phục vụ con đường chiến lược này là nữ giới - Ảnh: Hãng phim Tây Nam cung cấp

Gian nan tìm bối cảnh

Từ năm 2006, đã không dưới sáu lần đoàn phim ngược xuôi lần tìm bối cảnh. Cảnh phim yêu cầu phải mang đậm màu sắc địa phương hay đặc trưng từng vùng miền: Cà Mau, Kiên Giang, Hà Tiên, Châu Ðốc, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ... Nhưng đi về đâu thì hình ảnh hoang sơ, lầy lội ngày xưa nay đã hóa khu dân cư, đường giao thông, có cả cột điện, địa hình địa vật thay đổi hẳn...

May mắn là khi dừng chân tại Mộc Hóa, có những bối cảnh giống tới 70-80% với những tán rừng còn nguyên cây bò, với địa hình sông núi, bến cảng... Bối cảnh Mộc Hóa cũng đã thuyết phục được những nhân chứng lịch sử cùng đi khảo sát với đoàn phim.

Trong cuộc chiến chống Mỹ tại Tây Nam bộ, đường 1C dài khoảng 100km, có những cung đoạn không quá 12km nhưng có tới sáu đồn địch, 36 chiếc tàu tuần tiễu giăng mắc khắp nơi, máy bay oanh tạc, xe tăng, tàu chiến được tập trung dồn sức để tìm diệt, cô lập lực lượng của ta.

Ðối với lực lượng thanh niên xung phong, quân chủ lực chiến đấu dựa vào sự đùm bọc của người dân, có chiến sĩ gần chục năm sống dưới một lều tre, lán trại, không biết đến mái nhà. Với sự hỗ trợ đắc lực của Bộ Quốc phòng, UBND các tỉnh miền Tây Nam bộ, phần hiện thực này đều được tái hiện trên phim.

NGA LINH (Theo TTO)