Thứ hai, 30/6/2008, 13h45

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân: Chất lượng giáo dục ở mỗi địa phương còn rất khác nhau

Tỷ lệ thi tốt nghiệp THPT năm học 2007- 2008 đạt 75,96%, cao hơn năm học 2006-2007 đạt 9%. Tuy nhiên, một số địa phương có tỷ lệ tốt nghiệp cao hơn năm trước như Tuyên Quang gấp 4 lần năm 2007, một số địa phương lại giảm. Năm nay, chỉ có 2 tỉnh tốt nghiệp dưới 50% là Cao Bằng và Bắc Kạn. Tại buổi gặp gỡ báo chí vừa qua, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân (ảnh) đã có trao đổi với báo chí về vấn đề này.

PV: Thưa Bộ trưởng, Phó thủ tướng có nhận định gì về kết quả thi tốt nghiệp THPT và BT THPT năm 2008?

- Thi năm nay phản ánh nỗ lực của các thầy cô giáo trên cả nước trong năm 2007-2008 cố gắng dạy tốt hơn để sau này các em làm việc cho tốt. Đây là năm học mà sự quan tâm của cấp ủy chính quyền các địa phương với giáo dục và đào tạo tiếp tục được nâng cao. Cũng có lý do là vì kết quả thi năm ngoái của nhiều địa phương thấp hơn hàng năm. Điều đó đặt ra nhu cầu phải nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là cho các em chuẩn bị ra trường, vào đời học lấy một nghề thì yêu cầu phải có trình độ là rất quan trọng.

Thứ hai, chúng ta rút kinh nghiệm các năm, làm thế nào các đề thi phản ánh đúng yêu cầu của THPT ở mức phải nắm được cái cơ bản, không quá khó nhưng cũng không quá dễ.

Thứ ba, tổ chức thi nghiêm túc. Năm học trước chúng ta có một kỳ thi nghiêm túc hơn rất nhiều các năm trước đó nên kết quả giảm mạnh từ xấp xỉ 94% tốt nghiệp xuống còn gần 67% và chúng ta vẫn chủ trương phải thi nghiêm túc hơn nữa. Năm trước kết quả giảm như vậy nhưng vẫn còn những hạn chế trong tổ chức. Năm nay chúng ta cử giảng viên các trường làm thanh tra và cũng có quy chế chặt chẽ hơn như điện thoại di động phải được cất riêng.

Năm nay, kết quả tốt nghiệp là 75,95%, năm ngoái đạt 66,7%, mức tăng trên 9%. Kết quả thấp quá hay cao quá là tùy mỗi người đánh giá. Nhưng chúng tôi cho rằng sau một năm học tập và dạy rất tích cực, tỷ lệ tăng lên gần 10% cũng phù hợp chung cả nước. Tỷ lệ học sinh khá giỏi (11,62%) cũng sát thực tiễn. Bình quân, 10 người đi thi thì chỉ có một người khá giỏi. Nếu tỷ lệ này đến 30-40% thì không đúng thực tế. Kết quả tổng quát phản ánh sự tiến bộ ở mức tương đối hợp lý so với tình hình năm trước. Theo chúng tôi, có 3 nhóm địa phương: Nhóm thứ nhất, so với năm ngoái, tỷ lệ tốt nghiệp có tăng lên chiếm đa số. Nhóm thứ hai giảm đi một chút (TP.HCM giảm 2%) và nhóm thứ 3 hầu như không đổi.

Cuộc thi này cho thấy chất lượng giáo dục của các địa phương còn rất khác nhau. Bình quân cả nước đậu 76%, nhóm đậu 80-90% cũng khá nhiều, nhưng nhóm 50% vẫn còn đông. Đặc biệt còn 2 địa phương tỷ lệ chưa tới 50%. Nhưng cũng tiến bộ vì năm ngoái có tới 12 tỉnh tốt nghiệp không quá 50%. Chúng ta cũng sẽ phải tiếp tục quan tâm hơn nữa tới chất lượng giáo dục ở những vùng còn khó khăn.

Những năm trước, trường tập trung hơi nhiều vào bồi dưỡng học sinh khá giỏi nhưng hai năm nay, tập trung vào học sinh yếu kém, giúp các em tiến bộ. Việc này cũng hiệu quả và năm nay phải làm tiếp tục. Dự kiến chỉ còn năm nay thi hai lần tốt nghiệp phổ thông, từ năm tới sẽ không còn thi nữa. Như vậy các em phải cố gắng làm sao vươn lên được.

Chúng ta đã có được năm thứ hai thi nghiêm túc nhưng năm sau vẫn còn phải nghiêm túc hơn. Hy vọng sau 3 năm chúng ta xác lập được cơ chế thi, khiến nhận thức xã hội của học sinh và gia đình tốt hơn. Những năm 2005-2006, mỗi năm chỉ có vài chục em bị đình chỉ thi, nhưng đến năm 2007, số bị kỷ luật lên tới 2.600 em. Năm nay vẫn còn bị kỷ luật hơn 1.000 em. Nếu tiếp tục làm tốt, năm sau số vi phạm chắc sẽ giảm bớt.

Sau khi các địa phương công bố kết quả thi, nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngờ đối với những tỉnh có tỷ lệ tốt nghiệp tăng đột biến (gấp 3/4 lần năm trước). Ông đánh giá thế nào về kết quả này?

- Đó là trách nhiệm của địa phương. Đỗ hoặc trượt chênh nhau chỉ 0,25 điểm. Vậy nên việc các địa phương tăng bao nhiêu, ta phải về đó xem họ làm gì. Chẳng hạn, khi bị sự cố (tỉnh có tỷ lệ đỗ thấp nhất năm 2007) cả tỉnh Tuyên Quang đã vào cuộc, tập trung khắc phục yếu kém.

Theo tôi, không nên đặt đầu bài tăng bao nhiêu phần trăm là hợp lý, hãy xem cách làm như thế nào. Nhìn toàn cục, năm nay tăng không nhiều. Nếu băn khoăn địa phương tăng nhiều, sao ta không băn khoăn địa phương có tỷ lệ giảm? Bốn tỉnh có tỷ lệ tăng nhiều đều được Bộ yêu cầu báo cáo dùng biện pháp gì. Cho đến giờ, Bộ chưa làm động tác gì phê phán các địa phương tăng nhiều, mà chỉ yêu cầu các tỉnh này giải thích cho rõ. Những người yếu kém mà cố gắng đạt kết quả tốt thì chúng ta phải biểu dương, tránh trạng thái không có tiến bộ cũng phê bình mà có tiến bộ cũng phê bình.

Từ nay đến ngày tổng kết năm học (31-7), Bộ sẽ vẫn tiếp tục phân tích. Có thể đưa số liệu lên máy tính để tiếp tục “mổ xẻ”. Năm ngoái, kết quả phân tích đã được gửi về các địa phương. Hội đồng nào có chứng cứ tiêu cực, Bộ sẽ xử lý.

Từ kinh nghiệm và kết quả của kỳ thi này, năm sau một kỳ thi sẽ ra sao thưa Phó thủ tướng?

- Vừa qua, đề án “Kỳ thi THPT quốc gia” đã được gửi cho lãnh đạo 64 tỉnh thành cùng 100 trường đại học, cao đẳng. Bộ đang tập hợp ý kiến đó. Sau đó, xác định xem các địa phương cũng như các trường vẫn còn băn khoăn điều gì để có giải pháp phù hợp và có giải pháp cuối cùng. Lịch trình 2009 chỉ tổ chức một kỳ thi đã được Chính phủ duyệt từ 4 năm trước. Vấn đề là chúng ta chuẩn bị việc đó thế nào cho tốt.

Cũng xin nói lại, Bộ GD-ĐT không bao giờ dùng khái niệm thi hai trong một. Trong những nước Bộ có thông tin thì chỉ có 10% số nước tổ chức hai kỳ thi, 90% còn lại không có hai cuộc thi.

Chúng ta tổ chức thi phổ thông nghiêm túc và đấy là một kết quả quan trọng để các trường xét tuyển. Đó mặc nhiên không phải là kết quả thi tuyển đại học.

Xin cảm ơn Phó thủ tướng!

Nghiêm Huê tc "Nghieâm Hueâ "