Thứ năm, 26/5/2022, 09h10

Sở GD-ĐT TP.HCM lên tiếng về kỳ thi học sinh giỏi quốc gia

Trao đổi với Giáo dục TP.HCM, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM nhìn nhận, Sở đã có thiếu sót trong quá trình thực hiện tổ chức Kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia ở TP.HCM năm học 2021-2022.


Sở GD-ĐT TP.HCM lên tiếng về việc tổ chức Kỳ thi Học sinh giỏi cấp quốc gia tại TP.HCM

Trước đó, Kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia THPT năm học 2021-2022 do Bộ GD-ĐT tổ chức vào tháng 3-2022. Các hội đồng thi được thành lập tại địa phương. Cán bộ coi thi chủ yếu được Bộ GD-ĐT phân công đến từ các địa phương khác nhằm bảo đảm tính công bằng và khách quan cho kỳ thi.

Để tổ chức thi, Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD-ĐT đã triển khai các khâu đăng ký, cấp số báo danh và sắp xếp phòng thi để các địa phương gửi dữ liệu và tổ chức thực hiện trên phần mềm của Cục Quản lý chất lượng.

Tại TP.HCM, Hội đồng coi thi được diễn ra tại 3 đơn vị ghép, bao gồm: Sở GD-ĐT TP, Trường Phổ thông Năng khiếu - ĐHQG TP.HCM và Trường Trung học Thực hành - ĐH Sư phạm TP.HCM.

Mới đây, UBND TP.HCM đã yêu cầu Sở GD-ĐT làm rõ trách nhiệm trong Kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia năm học 2021-2022 trên địa bàn thành phố trước những kết luận của Thanh tra Bộ GD-ĐT về kết quả kiểm tra công tác coi thi Kỳ thi Học sinh giỏi cấp quốc gia THPT năm học 2021-2022 tại Hội đồng coi thi TP.HCM với Sở GD-ĐT TP.HCM, ĐHQG TP.HCM và Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD-ĐT.

Trong đó, UBND TP yêu cầu Sở làm rõ những thiếu sót về việc mở đề thi trước thời gian quy định, việc xếp thí sinh của các đơn vị tại các phòng thi riêng, số thí sinh trong đội tuyển nhiều hơn so với quy định…

Trả lời về từng nội dung kết luận của Thanh tra Bộ GD-ĐT, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay:

Đối với nội dung kết luận một số đội tuyển của đơn vị dự thi Sở GD-ĐT TP.HCM có số lượng thí sinh vượt quy định, lãnh đạo Sở GD-ĐT lý giải: số lượng các đội tuyển một số môn thi của TP.HCM có vượt quá 6 thí sinh là do 2 năm liên tiếp môn đó có kết quả trên 80% thí sinh đoạt giải. Việc này được Cục Quản lý Chất lượng - Bộ GD-ĐT cho phép bằng văn bản.

Với nội dung Sở GD-ĐT TP.HCM đã không thực hiện xếp số báo danh theo thứ tự A, B, C của tất cả thí sinh theo đúng quy định mà xếp thí sinh của 3 đơn vị dự thi tại các phòng thi riêng biệt với môn tin học và tiếng Anh: lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM thừa nhận, thiếu sót của Sở trong việc này là đã không báo cáo bằng văn bản với Bộ GD-ĐT. Hội đồng coi thi học sinh giỏi quốc gia tại TP.HCM là hội đồng ghép 3 đơn vị, Sở GD-ĐT TP là đơn vị đại diện cho 3 đơn vị trên, thực hiện khai báo dữ liệu trên phần mềm của Cục Quản lý chất lượng. Cụ thể, Cục đã cấp 3 mã số báo danh cho 3 đơn vị là: Sở GD-ĐT TP là 58, Phổ thông Năng khiếu ĐHQG là 66, Trung học Thực hành ĐHSP là 70.

Do mã số của các đơn vị là khác nhau nên phần mềm sắp xếp theo thứ tự A, B, C... của thí sinh ở mỗi môn thi theo từng đơn vị dự thi. Sở đã xếp thí sinh thi môn tiếng Anh và tin học theo từng đơn vị dự thi (tức là thí sinh thuộc 3 đơn vị trên thi tại 3 phòng khác nhau), giúp quá trình coi thi diễn ra thuận lợi, bảo đảm tiến độ công việc cho hội đồng có nhiều thí sinh thi ngoại ngữ và tin học.

Về nội dung mở đề thi trước thời gian cho phép: theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM trường hợp này xảy ra đối với môn thi tiếng Anh. Hội đồng coi thi tại TP.HCM có 26 thí sinh thi học sinh giỏi môn tiếng Anh ở 3 phòng thi nhưng Bộ GD-ĐT chỉ chuyển đến TP.HCM 1 phong bì đề thi, thay vì 3 phong bì đề thi cho 3 phòng. Sau khi bàn bạc, Chủ tịch hội đồng coi thi và phó chủ tịch hội đồng coi thi phụ trách chuyên môn tại TP.HCM (là cán bộ thuộc các Sở GD-ĐT các tỉnh, thành khác) đã thống nhất mở phong bì đề thi môn tiếng Anh trước thời gian cho phép để kiểm tra và phân chia cho 3 phòng thi.

Yến Hoa