Thứ ba, 28/6/2022, 14h45

Thủ tục liên quan xây dựng còn nhiêu khê

Ông Đinh Công Khương - Chủ tịch Công ty thép Phương Mai (Q.11, TP.HCM) - cho biết, công ty làm hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất ở để xây nhà làm kinh doanh. Tuy nhiên, đến nay sau 5 năm gửi UBND TP duyệt và chuyển sang quận 7 vẫn chưa được quận 7 duyệt. Nguyên nhân là do thủ tục pháp lý vướng từ quy định cũ lẫn quy định mới.

“Tôi mua miếng đất tại quận 7 từ năm 1990. Khu đất này nằm trong khu dân cư hiện hữu và đã chuyển sang đất đô thị nhưng nhiều lần xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất để kinh doanh đều không được. Thậm chí chúng tôi còn thuê công ty dịch vụ làm nhưng họ không dám nhận vì quá khó”, ông Khương bức xúc.

Theo đó, ông Khương đề xuất các sở, ban ngành liên quan cần mạnh dạn đề xuất TP và Trung ương tháo gỡ vướng mắc trong chuyển đổi. Phải có sự đổi mới để TP phát triển.

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, hiện nay vướng mắc đất công nằm xen kẽ trong đất dự án nhà ở thương mại chưa thể tháo gỡ. Vấn đề này, hiệp hội đã kiến nghị và được Chính phủ ban hành trong Nghị định 148 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai. Nghị định giao trách nhiệm và thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh ban hành tiêu chí các thửa đất nào đủ điều kiện tách thành dự án độc lập thì đưa ra đấu giá. Còn dự án kênh mương, đường mòn... không hình thành được dự án độc lập thì giao cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, đến giờ TP.HCM vẫn chưa ban hành tiêu chí này cho nên vướng mắc vẫn “nằm đó”.

Tương tự vấn đề nhà ở xã hội, doanh nghiệp có những dự án đất trống nhưng vẫn không triển khai được chỉ vì vướng chỉ tiêu ưu đãi. Chỉ tiêu ưu đãi không chỉ có dân số mà ưu đãi được tăng 1,5 lần hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng. Chính điều này đã dẫn đến chuyện chỉ tiêu dân số phải phù hợp thì dự án mới được duyệt.

“Luẩn quẩn như câu chuyện quả trứng có trước hay con gà có trước”, ông Châu nói.

Trả lời những câu hỏi này, ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP - cho biết, hiện có trên 70 thủ tục hành chính, 40 quy trình liên quan Sở Xây dựng nên có những thủ tục không chỉ trong lĩnh vực nhà ở, xây dựng mà trải qua cả hạ tầng kỹ thuật, giao thông nên chức năng quản lý Nhà nước của Sở Xây dựng khá rộng. Tuy nhiên, một số chức năng lại không sâu hoặc đã điều chuyển. Cụ thể, đầu mối hiện nay của các dự án nhà ở tập trung tại Sở Kế hoạch - Đầu tư. Từ đó dẫn đến thay đổi hàng loạt quy định, trong đó có quy định pháp luật về đất đai, xây dựng, nhà ở và các pháp luật khác. Mặt khác, việc thay đổi quy trình để xử lý các hồ sơ chưa theo kịp với việc thay đổi của luật, nghị định và thông tư, dẫn đến việc kéo dài một số lĩnh vực cũng như gặp khó khăn trong vấn đề xử lý.

Theo ông Khiết, từ năm 2019 đến nay, hàng loạt các nghị định cũng như luật thay đổi toàn bộ các quy định trong đầu tư dự án, đặc biệt là dự án nhà ở. Nếu đúng theo quy định pháp luật hiện nay, 1 dự án nhà ở kể từ khi bắt đầu triển khai đến khi kết thúc thì không có dự án nào ngắn hơn thời gian từ 1,5 đến 2 năm. Có những dự án kéo dài trên 2 năm đến 5 năm.

Thực trạng này lãnh đạo TP cũng nhìn thấy và có đề xuất rất nhiều trong việc rút ngắn quy trình thủ tục theo đúng quy định pháp luật. Về phía Sở Xây dựng cũng đang xây dựng lại các quy trình liên quan đến việc giải quyết hồ sơ, đặc biệt trong lĩnh vực nhà ở và xây dựng để tương thích với các luật, nghị định, thông tư. Đến nay một số quy trình của dự án xây nhà ở xã hội và cải tạo chung cư được rút ngắn. Hiện sở đang tiến tới các dự án nhà ở thương mại để rút ngắn quy trình cũng như cố gắng cải tạo được môi trường đầu tư trên cơ sở minh bạch, rõ ràng, công khai về thủ tục…

Nguyn Minh