Thứ ba, 19/3/2024, 10h36

Thưởng lãm hội họa cùng giám tuyển, họa sĩ

Ở một số không gian triển lãm mỹ thuật hiện có các chương trình để người xem cùng thưởng lãm với các giám tuyển, họa sĩ.

Nhiều năm về trước, khi các sự kiện triển lãm thường chỉ diễn ra ở bảo tàng, hội mỹ thuật hay một số không gian công cộng, sự giao lưu giữa người xem và họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật thường chỉ diễn ra vào buổi khai mạc. 

Gần đây, tại TPHCM “mọc” lên nhiều phòng tranh với đa dạng hình thức trưng bày, chương trình để thu hút sự chú ý của công chúng. Cũng từ những không gian do tư nhân quản lý này, cách thưởng thức mỹ thuật đã có nhiều thay đổi, kéo theo sự thay đổi chung về việc giao lưu giữa người xem và họa sĩ, tác phẩm.

Khán giả say mê thưởng tranh tại triển lãm Phiêu

Khán giả say mê thưởng tranh tại triển lãm Phiêu

Vào ngày 24/3, trong khuôn khổ triển lãm Nhành hương xưa của cố họa sĩ Tú Duyên (1915-2012), đơn vị tổ chức mời người xem thưởng lãm tranh cùng giám tuyển Hùng Nguyễn. Chương trình gồm 2 phần với nội dung giới thiệu triển lãm từ giám tuyển và thời gian dành để người xem hỏi, đáp. Với cách thưởng lãm cùng người có chuyên môn, khán giả mộ điệu có cơ hội được tiếp cận gần hơn các kiến thức về cuộc đời, sự nghiệp, tác phẩm của họa sĩ. Những thông tin này có thể tìm thấy trên internet, nhưng khi được trực tiếp giao lưu cùng giám tuyển bên cạnh các tác phẩm gốc, những nội dung mang tính lý thuyết sẽ trở nên trực quan, dễ “thấm” hơn.

Đặc biệt với cố họa sĩ Tú Duyên, kỹ thuật thủ ấn họa hơn 80 năm về trước của ông vẫn là nội dung được nhiều người quan tâm, muốn tìm hiểu cặn kẽ. Hoạt động sẽ diễn ra vào 3 ngày khác nhau, mỗi lần không quá 20 khách để việc thưởng lãm hiệu quả.

Trước triển lãm Nhành hương xưa, khi tổ chức trưng bày tranh của họa sĩ Lê Bá Đảng, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM cũng tổ chức buổi gặp gỡ cùng nhà nghiên cứu mỹ thuật Thụy Khuê. Tại sự kiện, những người tham dự được hiểu thêm về di sản hội họa của Lê Bá Đảng. “Hoạt động này là dịp giúp cho viên chức, người lao động của Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, sinh viên các trường đại học ở thành phố, công chúng yêu nghệ thuật bổ sung thêm thông tin, giao lưu, trao đổi về chuyên môn, giúp công tác bảo tồn, phát huy giá trị các tác phẩm mỹ thuật ngày càng tốt hơn” - đại diện Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM nhận định.

Tại những sự kiện hội họa hiện nay, các họa sĩ cũng thường xuyên túc trực để chuyện trò cùng người xem. Khoảng cách giữa những "tay mơ hội họa" với các tác phẩm, họa sĩ và kiến thức về mỹ thuật nói chung đã gần hơn trước. Đây là tín hiệu vui cho hội họa Việt, bởi sự thu hẹp khoảng cách này phần nào giúp nâng tầm thưởng thức, cách cảm thụ nghệ thuật cho người xem. 

Theo Diễm Mi/PNO