Thứ hai, 6/12/2021, 20h23

TP.HCM chưa chưa ghi nhận biến chủng Omicron

Ông Nguyễn Hồng Tâm – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết vấn đề này tại buổi họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP.


Các đại biểu tham dự buổi họp báo

Họp báo do Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM tổ chức chiều 6-12.

Theo ông Nguyễn Hồng Tâm, biến chủng Omicron nóng bỏng trong thời gian gần đây vì khá mới và có thông tin khá lo ngại khi tỉ lệ lây nhiễm lên đến 500%, gấp 5 lần chủng cũ. Nhưng có những vấn đề chúng ta chưa trả lời được như độc lực so với biến chúng cũ, tính chất kháng vắc xin. Tuy nhiên ngành Y tế TP đã có những kế hoạch để ứng phố với nó.

“Biến chủng này lần đầu tiên xuất hiện ở các quốc gia Nam Phi, sau đó lây nhanh qua nhiều nước và một số nước ở Đông Nam Á. Với tốc độ lây lan nhanh như thế thì chúng ta rất có nguy cơ. Đánh giá tình hình đó, HCDC tham mưu Sở Y  tế có những kế hoạch triển khai để ứng phó với Omicron. Theo đó, giải pháp đầu tiên là ngăn chặn từ biên giới, ngăn chặn từ nguồn khách nhập cảnh”.

Ông Tâm cho hay, có hai dạng khách nhập cảnh chính thức và không chính thức. Chính thức là các cửa khẩu gồm Sân bay Tân Sơn Nhất, cảng hàng hải TP.HCM. Đối với những người nhập cảnh, nếu tiêm đủ vắc xin sẽ cách ly tập trung 7 ngày, sau khi âm tính về nhà cách ly thêm 7 ngày, tức tổng cộng 14 ngày.

Đối với đường hàng hải, những người không lên bờ như tàu bè xuống hàng, bốc hàng thì cách ly tuyệt đối tại bờ. Còn lên bờ phải cách ly theo quy định. “Chúng tôi đã phối hợp với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới để triển khai giải trình tự gen đối với những trường hợp nhập cảnh dương tính (tức FO)”, ông Tâm nói và nhấn mạnh: “Đến nay TP.HCM chưa ghi nhận biến chủng Omicron qua những giải trình tự gen các trường hợp nhập cảnh dương tính phát hiện”.

Điều đáng lo ngại, theo ông Tâm đó là nhập cảnh chui. Đây là vấn đề khó khăn. Những trường hợp này nhập cảnh từ một tỉnh thành khác như từ Campuchia, sau đó qua đường bộ Tây Ninh, Long An vào TP.HCM bằng cách nào đó mà chúng ta không phát hiện được. Thậm chí có những trường hợp từ biên giới phía Bắc nhập cảnh chui. Trước tình trạng này, ngành Y tế TP phối hợp với Công an TP để rà soát, theo dõi. Nếu có sẽ tiến hành cách ly tuyệt đối và giải trình tự gen.

Song song với các giải pháp hiện đang áp dụng, theo ông Tâm TP tiếp tục tăng cường và sẵn sàng ứng phó với các cấp độ dịch phù hợp với tình hình diễn biến có thể lây lan nhanh. Tức là tăng cường lực lượng cho trạm y tế dự phòng. Ngoài lực lượng quân y đang tăng cường thì đây là một trong những biện pháp sẵn sàng ứng phó với tình hình dịch.

Cũng nằm trong kế hoạch chung phòng chống là tăng cường tiêm bổ sung và tiêm nhắc lại vắc xin phòng Covid-19. TP sẽ tiêm bổ sung cho những người có bệnh nền và những người sau khi tiêm đủ mũi được 6 tháng sẽ được tiêm nhắc lại.

Cùng với đó, giải pháp xuyên suốt là tăng cường truyền thông đến người dân thực hiện tốt giải pháp 5K để phòng chống lây lan dịch trong cộng đồng, đặc biệt hỗ trợ các ngành chức năng phát hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép để xử lý kịp thời, ngăn chặn chủng Omicron.

Trao đổi về việc, ứng phó của Sở Y tế TP trong giai đoạn mới khi số F0 không giảm, tử vong có xu hướng tăng, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết, Sở Y tế đã có văn bản hướng dẫn các bệnh viện về việc thu dung, điều trị các trường hợp mắc Covid-19 trên địa bàn TP khi các trường hợp đến cơ sở y tế. Đây là biện pháp ngành y tế phải thực hiện để ứng phó với các tình huống, đã nằm trong kịch bản để không bị động trong tiếp nhận, thu dung bệnh nhân.

Theo bà Mai, trong số các trường hợp tử vong chủ yếu người cao tuổi từ 85 trở lên, có bệnh nền; chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ vắc xin phòng Covid-19. “Trước tình hình này, Sở Y tế đã tham mưu UBND TP chăm sóc đối tượng nguy cơ. Theo đó, người trên 65 tuổi được rà soát lại từng người, từng nhà, cơ sở y tế địa phương đến xét nghiệm, tư vấn sức khỏe, nếu chưa được tiêm ngừa sẽ tiêm ngừa. Trường hợp có bệnh nền được tư vấn sức khỏe và theo dõi rất sát. Trường hợp khi người có nguy cơ thành F0 sẽ có hướng dẫn vào bệnh viện hoặc cách ly ở nhà (nếu đủ điều kiện) và bộ phận y tế sẽ chăm sóc rất cụ thể. Chiến dịch sẽ triển khai mạnh từ nay đến hết tháng 12-2021 và duy trì năm 2022 để các đối tượng có nguy cơ được chăm sóc chu đáo. Với cách làm này hy vọng giảm sâu số ca tử vong”.

Liên quan đến biến chủng Omicron, bà Mai cho biết, theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP, Sở Y tế phối hợp Bộ Tư lệnh, Công an TP tham mưu thế trận y tế, nhận diện từ xa. Ba đơn vị có kế hoạch tác chiến, theo chức năng nhiệm vụ chống dịch hiệu quả, nếu phát hiện biến chủng mới sẽ khống chế, mau chóng ngăn chặn được biến chủng mới này. TP sẽ có khu, bệnh viện riêng sàng lọc. Khi phát hiện sẽ đưa người mắc biến chủng này vào khu riêng tập trung điều trị ở Bệnh viện Dã chiến số 12 tại TP.Thủ Đức, để làm sao khống chế, phong tỏa được biến chủng Omicron.

Theo Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM, tính đến 18 giờ ngày 5-12, có 478.922 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP.HCM được Bộ Y tế công bố, bao gồm 478.350 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 572 trường hợp nhập cảnh

Hiện TP đang điều trị 13.681 bệnh nhân, trong đó có 497 trẻ em dưới 16 tuổi, 431 bệnh nhân nặng đang thở máy, 14 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 5-12, có 958 bệnh nhân nhập viện, 927 bệnh nhân xuất viện (nâng tổng số xuất viện cộng dồn từ 1-1 đến nay là 284.856), 94 trường hợp tử vong trong ngày (nâng tổng số tử vong cộng dồn từ 1-1 đến nay là 18.498).

Tính đến 5-12, TP đã triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 được 7.929.329 mũi 1 và 6.819.561 mũi 2.

N.Trinh