Thứ ba, 14/3/2023, 10h38

TP.HCM muốn phát triển giáo dục đạt trình độ tiên tiến thế giới vào năm 2045

UBND TP.HCM vừa ban hành mục tiêu phát triển giáo dục thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với nhiều chỉ số quan trọng.


TP.HCM đặt mục tiêu phát triển giáo dục đạt trình độ tiên tiến thế giới vào năm 2045

Trong đó, TP.HCM đặt mục tiêu xây dựng nền giáo dục TP.HCM phấn đấu đạt trình độ tiên tiến của khu vực Châu Á vào năm 2030 và đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045.

Cụ thể, về quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đào tạo đến năm 2030 đảm bảo 60% trường mầm non; 80% trường tiểu học; 70% trường THCS và 50% trường THPT công lập đạt chuẩn quốc gia.

Mỗi quận, huyện, TP.Thủ Đức phấn đấu đạt chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học (từ 3 đến 18 tuổi) ở mỗi cấp học, bậc học. Đồng thời có ít nhất 2 trường ở mỗi bậc học thực hiện chương trình chất lượng cao “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế"; ít nhất 10 trường THPT, THPT chuyên có điều kiện cơ sở vật chất hiện đại, chất lượng dạy học đạt các tiêu chí trường chất lượng cao “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế"; 100% trường học phấn đấu xây dựng theo mô hình trường học thông minh.

Đảm bảo sĩ số học sinh/lớp ở các bậc học từ 30 đến 35 học sinh; 100% trường tiểu học, 70% trường THCS học 2 buổi/ngày; từ 80% trường THPT trở lên ở mỗi quận, huyện, thành phố Thủ Đức dạy học 2 buổi/ngày; 30% trường tiểu học, THCS, THPT đảm bảo đủ điều kiện tự chủ.

Đề xuất các kiến nghị

Để đạt được các mục tiêu đề ra, UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định cho cán bộ, chuyên viên công tác tại các phòng giáo dục, sở giáo dục, Bộ giáo dục được hưởng phụ cấp thâm niên của ngành giáo dục và đào tạo.

Kiến nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu sửa đổi Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV năm 2015 về Quy định danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, cần đảm bảo phải có đủ 3 người đối với 3 vị trí việc làm: Kế toán, văn thư và y tế trường học.

Điều chỉnh Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT năm 2020 của Bộ GD-ĐT về ban hành quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học. Trong đó cho phép TPHCM được tính diện tích sàn xây dựng/trẻ.

Kiến nghị Bộ GD-ĐT điều chỉnh Nghị định số 46/2017/NĐ-CP năm 2017 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục để phù hợp tình hình địa phương. Ban hành định mức chi tối thiểu cho một học sinh, sinh viên ở các cấp học, ngành học, ngành nghề đào tạo để làm cơ sở cho việc ban hành định mức chi đối với từng cấp, bậc học và ngành nghề đào tạo.

Dù vậy, UBND TP.HCM cho biết, hiện nay giáo dục thành phố vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc: Quy hoạch và quản lý mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học vẫn chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển của thành phố, sĩ số học sinh/lớp còn cao, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày chưa đạt chỉ tiêu; trang thiết bị dạy học hiện đại chưa được đầu tư đồng bộ, kịp thời. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nhân viên còn thiếu, chưa đồng bộ về cơ cấu, chưa có định biên một số chức danh theo yêu cầu giáo dục toàn diện, một bộ phận chưa đáp ứng được yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, tin học…

Theo dự báo, năm học 2024-2025 TP.HCM có 1.483 trường, con số này vào năm học 2029-2030 là 1.561 trường, năm học 2044-2045 là 1.675 trường. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia phấn đấu đạt 14% năm 2025, 16% năm 2030 và 20% năm 2045.

Yến Hoa