Thứ tư, 4/11/2009, 15h11

Trăm năm trồng người: Bài 14: "Gen di truyền" nghề giáo

Hai cha con - hai thế hệ nhà giáo

Bước chân vào học Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, cô học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) Trần Thị Ngọc Diệp có thêm niềm vui vì đó là ngôi trường mà trước đây ông ngoại của Diệp đã từng giảng dạy. Bốn năm sau lại thêm một niềm vui nữa đến với cô giáo trẻ dạy toán khi Diệp được về chính nơi ngôi trường mà mẹ của mình đã gắn bó từ nhiều năm nay. Đó là Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM).
Các nhà giáo hậu sinh
Thừa hưởng được gen thông minh của gia đình nên Ngọc Diệp học giỏi từ nhỏ. Đó cũng là bệ phóng vững chắc cho Diệp vượt qua rất nhiều đối thủ để bước chân vào học Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Bằng năng lực của chính mình, con đường học tập của Diệp như được trải thảm đỏ vì thế em rất tự tin khi chọn Khoa Toán Trường Đại học Sư phạm TP.HCM để làm hồ sơ thi vào đại học. Mặc dù đậu thêm 2 trường có tiếng nhưng Diệp đã chọn ngay nguyện vọng 1 của mình mà không hề phân vân do dự. Diệp không quên lời mẹ Hà thủ thỉ ngày nào: “Môi trường sư phạm là nơi rèn luyện tư cách và tác phong tốt nhất cho con”. Đó cũng là con đường mà thầy giáo Trần Quốc Hùng - anh trai cô đã chọn. Đối với các sinh viên khác Trường Đại học Sư phạm TP.HCM có thể rất xa lạ, nhưng với Ngọc Diệp thì đó là ngôi trường rất đỗi thân quen vì có ông ngoại trước đây đã từng công tác. Được nối nghiệp ông và mẹ, Diệp thấy không có hạnh phúc nào lớn hơn thế nữa, xen lẫn trong niềm vui đó có cả một chút tự hào. Sau bốn năm miệt mài học tập, một lần nữa Diệp ghi thêm dấu son trong bảng vàng thành tích khi trở thành thủ khoa đầu ra của trường. Có lẽ vì thế mà Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa đã mở rộng cửa để đón cô giáo sinh tốt nghiệp cử nhân loại giỏi về trường công tác. Giống như trước, lần này về trường phổ thông nhận công tác Ngọc Diệp như thấy đang trở về ngôi nhà của chính gia đình mình vì có mẹ là nhà giáo Phạm Thị Minh Hà đang giảng dạy ở đây.
…Hơn 30 năm đã trôi qua nhưng cô giáo Hà vẫn không quên được thời sinh viên cực khổ đáng nhớ ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ngoài những buổi lên giảng đường học tập, các giáo sinh phải “xuống thực tế” bằng cách đi lao động giúp dân. Mùa hè thì đào mương khơi nước, mùa mưa đắp đê chống lũ. Bàn tay hôm qua mới cầm bút thì hôm nay đã cầm cuốc, cầm xẻng ngoài đồng. Thế nhưng nhờ đi gặt lúa ở Xuân Đỉnh (Từ Liêm), đi hộ đê ở Hà Tây mà sinh viên Trường Sư phạm thêm quý hạt gạo, củ khoai mà người nông dân phải đổi bằng những giọt mồ hôi mặn chát. Cô Minh Hà tâm sự: “Năm 1975, bố mẹ tôi chuyển vào Nam công tác nên sau khi tốt nghiệp sư phạm tôi vào TP.HCM đi dạy. Đó là năm 1977”. Thế nhưng Hà không được về trường phổ thông mà “rẽ lối” sang Trường BTVH Công nông 2 (Thủ Đức). Tuy trong lòng không được vui lắm nhưng không vì thế mà cô bỏ nhiệm sở. Hà nghĩ dù dạy ở đâu, trường nào miễn là mình được đứng lớp, được gắn bó với nghề là tốt lắm rồi. Thời kỳ này đa số SV có hộ khẩu TP đều ra vùng sâu vùng xa đi dạy. Trong lúc đó cô lại được dạy gần sát nhà, Hà thấy như vậy là quá may mắn. Học viên là những cán bộ lớn tuổi đi học, thầy trò xấp xỉ tuổi nhau. Tuy trình độ văn hóa còn thấp nhưng “các em” là những người đã từng đi làm việc trong cơ quan nên có bản lĩnh, ý thức tự giác cao. Nhiều học viên đã dành hết tuổi trẻ của mình cống hiến cho cách mạng nên phải chịu thiệt thòi về đường học vấn. Vì thế các thầy cô giáo ở đây lòng dặn lòng phải giúp học viên có thêm tri thức để bắt tay xây dựng cuộc sống mới nhất là lúc cuộc chiến tranh vừa mới đi qua. Năm 1979, khi chuyển về Trường THPT Nguyễn An Ninh (quận 10) cô giáo Phạm Thị Minh Hà lại có thêm điều kiện “chăm sóc” thêm năng lực chuyên môn của mình. Năm 2000, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa thành lập, nhà giáo Minh Hà là một trong số những thầy cô đầu tiên được Sở GD-ĐT chọn về xây dựng bộ khung cho trường. Một trách nhiệm mới lại được đặt lên vai người tổ trưởng chuyên môn.
Và nhà giáo tiền bối
Ngôi nhà cô Hà trong con hẻm Nhà thờ Chính Lộ, đường Điện Biên Phủ, P.15, quận Bình Thạnh không treo nhiều bằng khen, tranh ảnh. Bên cạnh bức ảnh của cả gia đình là một khánh nền đỏ chữ vàng ghi: “Gia đình truyền thống nhà giáo”. Đó là kỷ vật mà gia đình còn giữ lại trong dịp Liên đoàn Lao động TP.HCM tổ chức họp giao lưu các thế hệ nhà giáo năm 2001. Cũng tại ngôi nhà này, tôi đã may mắn gặp được “vị tiền bối” trong gia đình 3 đời làm nhà giáo đó là TS. Phạm Duyến - thân phụ của cô Phạm Thị Minh Hà. Trò chuyện với cụ, tôi mới biết nghề giáo đến với ông như một duyên nợ gắn kết với cuộc đời của nhà nghiên cứu khoa học vật lý. Năm 1970, khi đang là cán bộ của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, ông được cử sang Liên Xô (cũ) làm nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Khác-cốp. Lúc này đất nước vẫn còn chiến tranh nên gần một trăm sinh viên được chọn đều thấy đây là một đặc ân lớn của Nhà nước và nhân dân đã đặt niềm tin vào họ. Nhưng điều gây ấn tượng lớn nhất với họ là tình cảm của bè bạn trên thế giới đối với sinh viên Việt Nam. Ông Duyến xúc động kể: “Khi đi tàu hỏa qua Trung Quốc, biết chúng tôi là người Việt Nam nên mọi người rất quý mến. Ai cũng chăm sóc chu đáo và dành những tình cảm đặc biệt đối với sinh viên Việt Nam. Dù ngôn ngữ bất đồng nhưng tình cảm thì thật thân thiện như anh em một nhà. Ấn tượng đó còn lưu giữ mãi trong lòng chúng tôi cho đến khi đặt chân đến Mát-xcơ-va và Khác-cốp”. Đối với ông Duyến đến bây giờ dù không nhớ được tên những vùng đất mà ông đã đi qua, những tên người mà ông đã gặp nhưng thế hệ lưu học sinh như ông thì không thể nào quên được ân nghĩa của một giáo sư Nga, tình cảm của những bà mẹ Xô viết đối với nhân dân Việt Nam trong thời kỳ khó khăn nhất. Đẹp đẽ nhất vẫn là những kỷ niệm sống trong ký túc xá, SV Việt Nam được các mẹ, các chị chăm sóc từng bữa ăn giấc ngủ. Sâu nặng nhất vẫn là công ơn của những người thầy hướng dẫn các SV Việt Nam làm luận án, hướng dẫn thực hành ở các phòng thí nghiệm vật lý nằm sâu dưới lòng đất. Để đền đáp lại công lao đó, ông và bạn bè luôn nỗ lực không ngừng, quyết học để thành tài về phụng sự đất nước. Năm 1975, sau khi về nước, TS. Phạm Duyến được phân công về giảng dạy và giữ cương vị Chủ nhiệm Khoa Vật lý của Trường Đại học Sư phạm TP.HCM. 15 năm gắn bó với trường, ông đã đóng góp nhiều công sức trong việc đào tạo một đội ngũ giáo viên trẻ đáp ứng kịp thời cho sự nghiệp giáo dục của khu vực phía Nam. Ông đã trở thành một trong những người có công đặt nền móng đầu tiên cho ngôi trường sư phạm vào những ngày đầu khó khăn và thiếu thốn. Bây giờ dù không còn đứng trên bục giảng nữa nhưng ông vẫn rất hạnh phúc vì thấy con cháu của mình vẫn giữ được “gen di truyền” nghề giáo.
Hương Thủy