Thứ ba, 18/7/2017, 19h58

Biên soạn lịch sử Đảng phải tôn trọng sự thật

Ngày 17-7, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Thành ủy TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học “Công tác nghiên cứu biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam - thực trạng, giải pháp và các vấn đề đặt ra hiện nay ở các tỉnh phía Nam”.

Tham dự và phát biểu tại hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang cho rằng, việc nghiên cứu biên soạn lịch sử Đảng không chỉ giáo dục quần chúng mà còn góp phần quan trọng để giáo dục ngay chính đội ngũ hiện tại những bài học kinh nghiệm trong các thời kỳ cách mạng, giúp cho đội ngũ hiện tại có nhiều tư duy, suy nghĩ, ý thức trách nhiệm hơn. Đối với Đảng bộ TP.HCM, đó là những bài học về việc triển khai học tập và làm theo Bác, bài học xây dựng Đảng ngay những ngày đầu TP được giải phóng; về chính sách đột phá, đổi mới góp phần cùng Trung ương xây dựng đường lối đổi mới đất nước…

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Thân Thị Thư, cũng cho biết: Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 15-CT/TW “Về tăng cường và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam” của Ban Bí thư, TP.HCM đã biên soạn và xuất bản 331 công trình lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống cách mạng, kỷ yếu và các chuyên đề lịch sử của địa phương. “Chất lượng các bản thảo đã được các cấp ủy Đảng coi trọng ngay từ khâu tổ chức lấy tư liệu đến khâu biên soạn và thẩm định công trình, đánh giá một cách khách quan nên những công trình trước khi xuất bản ít sai sót, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đón nhận. Từ những giá trị khoa học và thực tiễn các công trình nghiên cứu lịch sử đã góp phần quan trọng vào công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, phát huy truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nâng cao lòng tin yêu đối với Đảng, góp phần đấu tranh chống âm mưu của các thế lực thù địch muốn gây chia rẽ, làm giảm uy tín của Đảng trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay”, bà Thư khẳng định.

“Để nâng cao hiệu quả về nội dung biên soạn, các đơn vị chức năng cần hướng dẫn đội ngũ làm công tác lịch sử Đảng các địa phương về phương pháp biên soạn, tôn trọng sự thật lịch sử, trên cơ sở có đối chiếu so sánh xác nhận chứng nhân, sự kiện lịch sử nhằm mục tiêu giáo dục truyền thống cách mạng, kế thừa phát huy giá trị lịch sử để phục vụ sự nghiệp phát triển hiện nay; lan tỏa các giá trị lịch sử. Quan trọng nhất là có được bộ công trình nghiên cứu về lịch sử Đảng gắn với lịch sử cách mạng, lịch sử chuyên ngành dưới sự lãnh đạo của Đảng với tầm nhìn bao quát hơn, rộng hơn. Bên cạnh đó, phải có cơ chế hoạt động cho các bộ phận có chức năng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng một cách rõ ràng; đồng thời xây dựng được bộ phận hạt nhân của các địa phương trong nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng...”, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, nhấn mạnh.

T.Ban