Thứ ba, 22/9/2020, 20h59

Cần đồng bộ trong đầu tư giáo dục

Là mong muốn của giáo viên, cán bộ quản lý trong ngành GD-ĐT gửi gắm đến Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Thầy Lê Phương Trí (Giáo viên Trường Tiểu học Đống Đa, Q.4)

TP.HCM là địa phương đi đầu trong đổi mới GD-ĐT đòi hỏi giáo viên phải luôn bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn để đáp ứng yêu cầu dạy học. Tuy nhiên, một số hoạt động bồi dưỡng, nâng cao trình độ tiếng Anh, tin học bắt buộc giáo viên phải tự trang trải kinh phí là không phù hợp. So với cả nước, tiền lương, các chế độ khác của giáo viên TP.HCM đều giống nhau, việc phải tự bỏ kinh phí để thường xuyên bồi dưỡng sẽ khiến giáo viên có hoàn cảnh khó khăn thêm khó khăn. Nên chăng có những chính sách hỗ trợ công tác này.

TP.HCM cũng là địa phương đang hướng đến xây dựng đô thị thông minh, với nòng cốt là những con người thông minh, sử dụng các tiện ích, thành tựu khoa học và công nghệ để tạo môi trường sống thân thiện, nâng cao hiệu quả làm việc. Điều này đòi hỏi phải có đầu tư cho giáo dục, trong đó có cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại phục vụ dạy học. Thế nhưng việc đầu tư này lại chưa có sự đồng bộ, còn tình trạng chú trọng đầu tư “trường điểm”, trường chuyên. Đơn cử các “trường giàu” sẽ có nhiều bảng tương tác phục vụ dạy học; ngược lại các trường nhỏ thì rất ít, thậm chí không có, sẽ làm hạn chế khả năng sáng tạo, vận dụng đổi mới phương pháp dạy học của giáo viên.

Điều kiện quyết định đổi mới phương pháp dạy học chính là thiết bị phục vụ dạy học. Điều kiện của ngôi trường đó như thế nào thì chắc chắn giáo viên sẽ dạy học theo phương pháp đó.

Mặt khác, trong công tác đề bạt cán bộ quản lý hiện nay, tiêu chí đầu tiên phải là đảng viên cũng hết sức bất cập. Yêu cầu này sẽ vô tình làm “mất cơ hội” cho những người có phẩm chất, năng lực tốt, trình độ chuyên môn giỏi, tâm huyết với nghề nếu không phải là đảng viên.

Chúng tôi rất kỳ vọng Đảng bộ TP, nhất là Đảng bộ GD-ĐT ở nhiệm kỳ sắp tới sẽ có những đầu tư cho giáo dục một cách đồng bộ để chất lượng GD-ĐT giữa các trường, giữa các quận huyện đồng đều. Công tác đề bạt cán bộ nên dựa vào phẩm chất, năng lực, trình độ chuyên môn…

Lê Ái Sơn Hà (Hiệu trưởng Trường Mầm non Mặt Trời Nhỏ - Q.Bình Tân):

Công tác giáo dục trên địa bàn Q.Bình Tân, trong đó có giáo dục mầm non luôn được các cấp Đảng, chính quyền, ngành GD-ĐT quận quan tâm, chăm lo. Là địa bàn nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất nên con em công nhân rất đông, theo đó nhu cầu gửi trẻ đến trường không hề nhỏ. Trường Mầm non Mặt Trời Nhỏ đang chăm sóc, giáo dục 700 trẻ là con công nhân. Tuy nhiên, hiện nay ngoài tiền lương thì các chế độ đãi ngộ dành cho đội ngũ giáo viên ngoài công lập không hề có. Trong khi công việc của giáo viên hết sức vất vả, thời gian làm việc nhiều. Các cô đến trường từ 6 giờ 30 sáng và ra về lúc 6 giờ 30 tối.

Thiết nghĩ, TP nên xem xét có thêm chế độ về thời gian làm việc ngoài giờ cho giáo viên ngoài công lập. Thêm chế độ đãi ngộ để giáo viên bớt thiệt thòi, đảm bảo cuộc sống, động viên tinh thần giúp các cô bám nghề. Đặc biệt, hiện nay TP thực hiện chủ trương “không để trẻ không có chỗ học” và khuyến khích các trường tư thục thành lập hoạt động nhằm đáp ứng chỗ học cho trẻ, giảm tải cho các trường công lập thì việc quan tâm giáo viên ngoài công lập sẽ thu hút đội ngũ đông hơn. Chỉ khi đội ngũ đảm bảo về số lượng và cuộc sống thì công tác chăm sóc, giáo dục trẻ mới tốt hơn.n

Minh Phương (ghi)