Thứ năm, 5/12/2019, 21h33

Chọn nghề như “tự đặt mình lên bàn cân”

Muốn chọn được ngành nghề phù hợp không đơn giản mà giống như việc tự đặt mình lên một bàn cân, cũng là tự cân nhắc các yếu tố đam mê, năng lực và cả nhu cầu nghề nghiệp của xã hội. Khi các yếu tố càng cân bằng thì khả năng thành công trong tương lai càng cao và ngược lại.

ThS. Phùng Quán đang trao đổi về những điểm cần lưu ý khi chọn ngành nghề với học sinh Trường THPT Thủ Đức

Những lời khuyên trên được các chuyên gia đưa ra trong chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 12 năm học 2019-2020 tổ chức tại Trường THPT Thủ Đức (Q.Thủ Đức) mới đây. Chương trình do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP và ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức, với sự đồng hành của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM và Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM.

Việt Nam hiện có khoảng 3.000 nghề đào tạo

Trao đổi với các em học sinh trong trường, ThS. Phùng Quán (Trưởng phòng Thông tin Truyền thông Trường ĐH KHTN, ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết chỉ còn vài tháng nữa là đến kỳ thi THPT quốc gia năm 2020. Kết quả của kỳ thi ngoài việc xét tốt nghiệp THPT còn được dùng để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Vì vậy, ông Quán đưa ra lời khuyên: “Học sinh có thể chọn làm cả 2 bài thi tự chọn KHTN và KHXH; tuy nhiên, theo tôi, các em chỉ nên chọn 1 bài thi mà mình có thế mạnh nhất. Bởi nếu chọn cả 2 bài thi thì các em phải thi tổng cộng 9 môn, phải trải nhiều thời gian ôn tập và thi, có thể ảnh hưởng không tốt đến kết quả cuối cùng. Nếu tập trung vào 1 bài thi tự chọn, các em chỉ thi 6 môn (3 môn bắt buộc và 3 môn trong bài thi tự chọn), việc tập trung ôn tập sẽ tốt hơn và chắc chắn cho kết quả thi cao hơn. Kết quả thi cao, các em cũng dễ dàng xét tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ”.

Song song với việc xác định bài thi tự chọn phù hợp với năng lực học tập, việc chọn ngành nghề phù hợp cũng đặc biệt quan trọng mà học sinh phải xác định rõ ràng ngay từ bây giờ, để sắp tới sẽ điền vào hồ sơ xét tuyển ĐH, CĐ. Ông Quán cho hay, tại Việt Nam hiện có khoảng 3.000 nghề đào tạo, khoảng 20.000 đầu việc khác nhau. Học 1 ngành có thể làm nhiều nghề, 1 nghề có thể làm nhiều công việc. Cơ hội ngành nghề luôn rộng mở, tuy nhiên, theo thống kê hàng năm có hàng ngàn sinh viên của các trường ĐH bị tạm đình chỉ học tập, tạm dừng tiến độ học tập vì các lý do: không đủ tiền đóng học phí, hoặc do không đủ năng lực (chán nản bỏ học, kết quả học tập yếu kém không theo kịp chương trình đào tạo). Nguyên nhân là ngay từ đầu học sinh chọn không đúng ngành nghề và không đúng trường học. Bên cạnh đó, theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, hàng năm có khoảng 70% sinh viên sau khi ra trường làm sai ngành nghề. “Do vậy ngay từ đầu, học sinh nên nghiêm túc đánh giá, lựa chọn sao cho đúng nghề mình đam mê, sau đó mới chọn ngành, bậc học, trường học. Có như vậy, khi ra trường các em sẽ hạnh phúc với ngành nghề mà mình đã chọn, không chỉ tạo ra thu nhập ổn định cho bản thân mà còn góp phần cống hiến nhiều giá trị cho xã hội”, ông Quán nhấn mạnh.

Không chọn nghề theo đám đông

Tương tự ThS. Phùng Quán, TS. Nguyễn Thanh Tùng (Viện trưởng Viện Quản trị Tri thức, Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM) cũng lưu ý với học sinh rằng việc chọn đúng ngành nghề rất quan trọng. Để chọn đúng ngành nghề cần cân nhắc nhiều yếu tố giống như việc tự đặt mình lên một bàn cân. Ông Tùng chia sẻ: “Khi chọn ngành nghề, trước hết các em phải hiểu chính mình (đam mê ngành nghề gì?, sở trường làm được ngành nghề gì?). Bên cạnh đam mê, các em có đủ năng lực làm tốt ngành nghề đó hay không. Để trả lời câu hỏi về năng lực, các em nên tham chiếu vào năng lực học tập nổi trội ở lĩnh vực nào. Một yếu tố khác cũng cần phải nghiêm túc cân nhắc là nhu cầu nghề nghiệp trong tương lai của xã hội. Hiện nay, thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng sắp tới xã hội sẽ rất cần đến các ngành nghề dịch vụ, kỹ thuật như: công nghệ thông tin, khoa học, kỹ sư, y tế, sinh học, môi trường, giáo dục, quản lý, tâm lý học, kinh doanh, nhà hàng, khách sạn… Vì vậy, các em nên cân nhắc để có lựa chọn phù hợp”.

Hướng nghiệp cho hàng ngàn học sinh Kiên Giang và Long An

Từ ngày 2 đến 8-12, chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 12 năm học 2019-2020 do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức diễn ra tại tỉnh Kiên Giang (có sự phối hợp với Sở GD-ĐT tỉnh này). Cụ thể, chương trình hướng nghiệp cho hàng ngàn học sinh ở 21 trường THPT trên địa bàn tỉnh. Song song đó, từ ngày 5 đến 17-12, chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” cũng diễn ra tại Long An (có sự phối hợp với Sở GD-ĐT tỉnh này), tư vấn cho hàng ngàn học sinh ở 17 trường THPT trên địa bàn.

Trong chương trình, các chuyên gia hướng nghiệp, tâm lý, dự báo nhu cầu nhân lực… cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho học sinh về ngành nghề đào tạo hiện nay; phương thức lựa chọn ngành nghề phù hợp với đam mê, sở thích, năng lực…, từ đó các em chọn lựa đúng ngành học, bậc học và trường học.

T.B

Học sinh Trường THPT Thạnh Đông (Kiên Giang) đặt câu hỏi cho ban tư vấn. Ảnh: Hữu Trí

Ngoài ra, ông Tùng đặc biệt lưu ý một số sai lầm mà học sinh thường gặp khi chọn ngành nghề là chưa tìm hiểu rõ chính mình, chưa xác định được đam mê, sở trường và năng lực; bên cạnh đó chưa tìm hiểu rõ thông tin về ngành nghề dẫn đến sự lựa chọn hời hợt, nhắm mắt chọn bừa, hoặc chọn theo đám đông, theo xu thế mà mọi người đang thấy.

Ngành logistic đào tạo những gì?

Tại chương trình, em Ngọc Bích (lớp 12A4) cho biết: “Trong những năm gần đây ngành logistic khá phát triển, vì vậy em muốn biết học ngành này, người học được đào tạo những gì? Học xong được ứng tuyển vào những vị trí nào?”. Theo ThS. Lê Dũng (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM), trong những năm gần đây hệ thống logistic phát triển rất mạnh tại Việt Nam. Tuy nhiên, trước đây người lao động trong lĩnh vực này chủ yếu học ở các ngành học khác như quản trị kinh doanh, giao thông vận tải. Do lĩnh vực này đòi hỏi các kiến thức chuyên môn sâu cũng như quy trình nghiệp vụ chặt chẽ nên trong khoảng 3 năm trở lại đây một số trường đã đưa ngành này vào chương trình đào tạo. Theo đó, người học sẽ được đào tạo liên quan đến các vấn đề vận tải hàng hóa, bảo hiểm hàng hóa, lưu thông hàng hóa, quản lý kinh doanh các cơ sở vận tải, xuất - nhập khẩu… Hiện nay một số trường đào tạo thí điểm ngành này như Trường ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM chuyên về đào tạo thiết kế các hệ thống kho bãi, vận hành, bảo trì; Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM và Trường ĐH Công nghệ TP.HCM chuyên về đào tạo quản lý hoạt động kinh doanh… “Mỗi trường có hướng đào tạo riêng, do đó các em nên tìm hiểu kỹ năng lực của bản thân, thông tin về chương trình đào tạo, phương thức tuyển sinh, môi trường học tập ở các trường. Khi tiếp cận được môi trường học tập phù hợp sẽ giúp phát huy tối đa năng lực của người học, xâm nhập vào thị trường lao động tốt nhất”, ông Dũng cho biết.

Bài, ảnh: Hoài Thương