Thứ hai, 24/10/2011, 11h10

Chương trình đào tạo QTKD tại Việt Nam: Cấp thiết xây dựng và hoàn thiện

Trường ĐH Kinh tế quốc dân vừa tổ chức hội thảo quốc gia về xây dựng và hoàn thiện chương trình đào tạo cử nhân quản trị kinh doanh ở Việt Nam. Theo các đại biểu dự hội nghị, sở dĩ phải có cuộc hội thảo này là do nhu cầu đổi mới đào tạo cử nhân quản trị kinh doanh trở nên quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới.

Phải đổi mới
Theo PGS.TS Lê Công Hoa, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh (ĐH Kinh tế quốc dân), phần lớn các chương trình đào tạo hiện nay có được là dựa vào việc chuyển đổi từ các chương trình đào tạo cử nhân kinh tế hoặc quản lý trước đây kết hợp với việc tiếp nhận một số môn học từ các trường ĐH nước ngoài để chuyển đổi sang quản trị kinh doanh nên có sự đan xen, chắp vá, thiếu tính logic… Hơn nữa, PGS. Hoa cho rằng chương trình đào tạo hiện nay quá rộng, không trọng tâm. Bên cạnh đó, công nghệ xây dựng chương trình còn mang nặng cảm nhận chủ quan, thiếu căn cứ khoa học và thực tiễn; quy trình có tính tổ chức trong xây dựng chương trình đào tạo mới hay đổi mới một chương trình đào tạo quá phức tạp và diễn ra khá lâu nên không theo kịp sự thay đổi của thị trường.
Để đánh giá chương trình đào tạo cử nhân quản trị kinh doanh, ThS.Trương Tuấn Anh (CLB Doanh nhân tương lai) đã thực hiện một khảo sát những sinh viên đã và đang theo học tại ĐH Kinh tế quốc dân. Kết quả, có tới 42,1% cho rằng, cấu trúc chương trình đào tạo hiện nay là chưa hợp lý; 50% cho rằng chương trình còn tồn tại nhiều sự trùng lặp giữa các môn học; 48,5% đánh giá hiện sự phân chia giữa phần kiến thức giáo dục đại cương và kiến thức ngành chưa hợp lý; 70% cho rằng, kiến thức đại cương là cần thiết nhưng cần giảm bớt về thời lượng…
Đứng về phía người tuyển dụng, ThS. Trần Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Kinh Đô miền Bắc cho rằng các giảng viên hiện nay bên cạnh những ưu điểm về kiến thức chuyên môn, điểm yếu rất dễ nhận thấy là mức độ am hiểu thực tế rất hạn chế. Còn theo TS. Đoàn Hồng Lê, Cục Hải quan, TP.Đà Nẵng thì sản phẩm đào tạo quản trị kinh doanh vẫn còn một khoảng cách xa so với nhu cầu của doanh nghiệp. Qua khảo sát tại các doanh nghiệp ở TP.Đà Nẵng, có hơn 1/3 doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực có trình độ để đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, nguồn nhân lực đã qua hệ thống đào tạo nhưng không đáp ứng yêu cầu công việc của doanh nghiệp chiếm tới 46,14%.
Hoàn thiện như thế nào?
PGS. Lê Công Hoa cho rằng có bốn điều kiện để thực hiện theo chuẩn quốc tế. Đó là quyền tự quyết của trường ĐH trong việc xây dựng và triển khai chương trình; đào tạo giảng viên và các cán bộ quản lý chuyên nghiệp; đổi mới phương pháp giảng dạy và đánh giá sinh viên; xây dựng cơ sở vật chất hiện đại. TS. Trần Thị Song Minh (ĐH Kinh tế quốc dân) thì đề xuất đổi mới xây dựng chương trình đào tạo cử nhân quản trị kinh doanh dưới góc độ định hướng chuẩn đầu ra. Chương trình này được đánh giá là toàn diện và linh hoạt hơn nhờ việc kết cấu chương trình đào tạo thành các mô đun và trao quyền cho người dạy trong việc phát triển và thực hiện các mô đun đó. Còn ThS. Trần Mai Ước (ĐH Ngân hàng TP.HCM) đề cập đến vấn đề đào tạo cử nhân quản trị kinh doanh theo mô hình CDIO nhằm đáp ứng với nhu cầu xã hội. Phương pháp CDIO đã xây dựng một hệ thống các mục tiêu giáo dục gồm 12 chuẩn đề cập đến triết lý chương trình, phát triển chương trình đào tạo phù hợp, chương trình đào tạo từ cơ bản đến nâng cao, không gian học tập, đánh giá chương trình học, giáo trình tích hợp hay phương pháp dạy và học chủ động… Sinh viên trong chương trình đào tạo theo cách tiếp cận CDIO cần đạt bốn năng lực chính là khối kiến thức và lập luận ngành; các kỹ năng, phẩm chất cá nhân và nghề nghiệp; các kỹ năng và phẩm chất xã hội; năng lực áp dụng kiến thức vào thực tiễn.
Thiên Lam