Thứ tư, 21/7/2021, 10h18

Đẩy mạnh truyền thông tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 đến người dân

Căn cứ hướng dẫn của Bộ Y tế và kế hoạch truyền thông của địa phương, sở y tế các tỉnh, thành phố phối hợp các cơ quan, ban ngành của địa phương tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông cho người đi tiêm vắc xin phòng Covid-19. Trong đó, chú ý truyền thông vận động người dân sử dụng ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử” để quản lý hoạt động tiêm chủng cá nhân; vận động người đi tiêm chủng khi đến lượt; ủng hộ, hỗ trợ tham gia triển khai chiến dịch tiêm chủng tại địa phương.


Đẩy mạnh truyền thông tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19  để người dân hiểu ý nghĩa và ủng hộ chiến dịch

Nội dung này được đề cập trong Kế hoạch truyền thông chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 năm 2021-2022 do Bộ Y tế vừa ban hành.

Theo kế hoạch, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần chú trọng xây dựng kế hoạch truyền thông về chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 từ nguồn nhân lực, trang thiết bị cho đến kinh phí. Chú ý truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; mạng xã hội; tin nhắn SMS, hoạt động đường dây nóng; truyền thông về Cổng công khai thông tin tiêm chủng và ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử; và tổ chức truyền thông cho người đi tiêm.

Việc tổ chức truyền thông cho người đi tiêm, căn cứ hướng dẫn của Bộ Y tế và kế hoạch truyền thông của địa phương, sở y tế các tỉnh, thành phố phối hợp các cơ quan, ban ngành của địa phương tổ chức thực hiện các hoạt động: truyền thông vận động người dân sử dụng ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử” để quản lý hoạt động tiêm chủng cá nhân; vận động người đi tiêm chủng khi đến lượt; ủng hộ, hỗ trợ tham gia triển khai  hiến dịch tiêm chủng tại địa phương. Đồng thời cung cấp tài liệu truyền thông phù hợp như tờ rơi, infographic… cho người đi tiêm về lịch tiêm chủng, những điều cần biết khi tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, các dấu hiệu cần theo dõi sau tiêm, số điện thoại đường dây nóng của địa phương, thông tin về bác sỹ và cơ sở y tế theo dõi sau tiêm chủng.

Theo Kế hoạch truyền thông chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 năm 2021-2022, quá trình tổ chức cần chú ý theo dõi và xử lý khủng hoảng truyền thông liên quan đến chiến dịch. Chủ động thu thập thông tin, lắng nghe dư luận và mạng xã hội để phát hiện và xử lý kịp thời các tin giả, tin đồn, tin sai sự thật liên quan đến triển khai chiến dịch tại địa bàn.

Các tỉnh, thành phố phối hợp với Bộ Y tế và các cơ quan liên quan cung cấp các thông tin khoa học, chính xác để phản bác, xử lý kịp thời các tin đồn, tin giả ảnh hưởng xấu đến triển khai chiến dịch. Truyền thông về các tấm gương điển hình trong công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tại địa phương, đơn vị.

Chủ đề truyền thông của chiến dịch là “Tiêm vắc xin phòng Covid-19 là quyền lợi đối với cá nhân, là trách nhiệm đối với cộng đồng”. Thời gian thực hiện từ tháng 7-2021 đến tháng 4-2022.

N.Trinh