Thứ hai, 17/1/2022, 15h48

Đừng bao giờ tuyệt đối hoá một phương thức tuyển sinh nào!

“Năm nay, thí sinh tiếp tục được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng. Vì thế, các em đừng bao giờ tuyệt đối hoá 1 phương thức tuyển sinh nào cả. 25, 26 điểm cũng không chủ quan vì thí sinh có mức điểm này mọi năm rất nhiều…”, TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng Ban công tác sinh viên, ĐHQG TP.HCM) chia sẻ đến thí sinh Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu trong chương trình Khai mạc Tuyển sinh “Đúng ngành nghề- Sáng tương lai” lần thứ 14 năm học 2021-2022 tại tỉnh Bến Tre sáng 17/1.


Ông Nguyễn Thanh Tú - Tổng biên tập Tạp chí Giáo dục TP.HCM, Trưởng Ban tổ chức phát biểu khai mạc

Chương trình do Tạp chí Giáo dục TP.HCM phối hợp ĐHQG TP.HCM tổ chức, với sự đồng hành của Sở GD-ĐT tỉnh Bến Tre, Tỉnh đoàn tỉnh Bến Tre cùng nhiều trường ĐH, CĐ phía Nam.

Kênh thông tin chính thức giúp học sinh chọn đúng ngành, đúng nghề, đúng trường

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Bùi Minh Nhật- Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bến Tre khẳng định, công tác hướng nghiệp phân luồng học sinh có vai trò rất quan trọng, cấp thiết, được Chính phủ hết sức quan tâm. Tại tỉnh Bến Tre cũng có kế hoạch về việc triển khai đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông từ 2018-2025.

Với ý nghĩa đó, ông Nhật đánh giá cao chương trình “Đúng ngành nghề- Sáng tương lai” nhiều năm qua đã mang đến những thông tin bổ ích, giúp học sinh chọn ngành, chọn nghề và trường phù hợp với năng lực bản thân, nhu cầu lao động. “Những đóng góp của chương trình rất đáng trân trọng, giúp học sinh vững tin bước vào ngưỡng cửa tương lai. Bởi thực tế, nhiều sinh viên chọn ngành học sai sở thích, sai ngành nghề. Việc được định hướng nghề nghiệp sớm sẽ giúp các em chọn được hướng ngành, hướng nghề và trường phù hợp. ”, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bến Tre bày tỏ.


Ông Trần Anh Tuấn chia sẻ đến thí sinh

Năm học 2021-2022, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Chương trình “Đúng ngành nghề- Sáng tương lai” năm 2022 diễn ra theo hình thức trực tuyến tại hầu hết các trường THPT trên địa bàn tỉnh Bến Tre, đảm bảo phòng dịch theo quy định của ngành y tế, phù hợp với tình hình địa phương.

Ông Nguyễn Thanh Tú, Tổng Biên tập Tạp chí Giáo dục TP.HCM, Trưởng ban tổ chức chương trình thông tin, mỗi năm cả nước có hơn 1 triệu học sinh tốt nghiệp THPT, đứng trước ngưỡng cửa chọn ngành, nghề định hướng tương lai.

Theo ông Tú, hiện nay dù có nhiều kênh thông tin giúp học sinh chọn ngành nghề phù hợp với sở trưởng, sỏ thích điềh kiện kinh tế gia đình tuy nhiên vẫn còn không ít gia đình với góc nhìn phiến diện, thiếu thông tin, hiểu chưa rõ về thị trường lao động, ngành nghề hiện nay, tạo áp lực học tập, dẫn đến nhiều học sinh chọn nhầm ngành, ngồi nhầm giảng đường, khó tìm việc làm…

“Thế giới đang bước vào cuộc CMCN 4,0, đòi hỏi người học phải có kỹ năng để hội nhập, thích ứng với các ngành nghề. Chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề- Sáng tương lai” không chỉ giúp học sinh nắm rõ hơn điểm mới kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, phương thức tuyển sinh các trường ĐH, CĐ mà còn tạo cơ hội để các em gao lưu với trường, là cơ hội gặp gỡ giữa người học, người dạy, giúp các em chọn đúng ngành, nghề, trường minh yêu thíh”, ông Tú chia sẻ.

Đừng bao giờ tuyệt đối hoá một phương thức tuyển sinh

Đây là lời khuyên được TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng Ban công tác sinh viên, ĐHQG TP.HCM) gửi gắm đến học sinh tỉnh Bến Tre.

Cụ thể, TS. Mai thông tin, việc tuyển sinh ĐH năm 2022 cũng vẫn phổ biến với các phương thức: Tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT; Điểm thi tốt nghiệp THPT; Điểm học bạ; Điểm thi ĐGNL của ĐHQG; cùng 1 số phương thức xét tuyển khác như học bạ kết hợp; chứng chỉ ngoại ngữ; giải văn hoá, TDTT. Về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, về cơ bản vẫn được Bộ GD-ĐT tổ chức 1 đợt thi, ổn định như năm 2021 song linh hoạt, thích ứng với điều kiện dịch bệnh.

“Năm nay, thí sinh tiếp tục được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng. Vì thế, các em đừng bao giờ tuyệt đối hoá 1 phương thức tuyển sinh nào cả. Các trường hiện rất đa dạng phương thức tuyển sinh, 1 chỉ tiêu nhưng chia sẻ ra nhiều phương thức, do vậy các em phải kết hợp nhiều phương thức thức. 25, 26 điểm cũng không chủ quan vì thí sinh có mức điểm này mọi năm rất nhiều”, TS. Mai lưu ý.

Về đăng ký nguyện vọng, TS. Mai khuyên rằng thí sinh nên đăng ký theo ngành học tiềm năng, xếp theo thứ tự các ngành học mà mình yêu thích, sử dụng kết hợp nhiều phương thức xét tuyển để tăng khả năng trúng tuyển…


Các chuyên gia tham gia tư vấn trong chương trình

Theo TS. Lê Thị Thanh Mai, hiện nay số ngành học ở trình độ ĐH là 400 ngành, CĐ khoảng 600 ngành, được chia thành nhiều khối ngành khác nhau, với khoảng 300 trường ĐH, CĐ.  Thí sinh không có điều kiện tìm hiểu hết thông tin về trường, ngành. Hành trình chuẩn bị sau THPT bắt đầu bằng việc chọn ngành nghề lý tưởng cho bản thân mình. “Nghề lý tưởng là sự giao thoa giữa điều mình đam mê, điều xã hội cần và điều các em có thể làm tốt. Từ nghề lý tưởng, các em hãy chọn 5 ngành học đáp ứng được với nghề, sau đó chọn trường phù hợp”, TS. Mai gợi ý.

Đi qua hơn 1.000 trường tại hơn 40 tỉnh thành phố trên cả nước

Với phương châm đồng hành cùng ngành giáo dục, suốt nhiều năm qua Tạp chí Giáo dục TP.HCM đã thực hiện nhiều hoạt động đưa ngành nghề đến gần học sinh. Năm 2022, “Đúng ngành nghề- Sáng tương lai” tổ chức tại 100 trường THPT tại TP.HCM và gần 1.000 trường THPT tại hơn 40 tỉnh thành phố trên cả nước. Chương trình là kênh thông tin chính thức giúp học sinh chọn đúng trường, đúng ngành, hướng tới tương lai tươi sáng…

Trong chương trình khai mạc, “Đúng ngành nghề- Sáng tương lai” đã giúp học sinh tỉnh Bến Tre giải đáp nhiều thắc mắc, băn khoăn ở nhiều lĩnh vực ngành nghề, phương thức tuyển sinh vào các trường ĐH cũng như nhu cầu thị trường lao động.

Từ góc độ chuyên gia dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động, ông Trần Anh Tuấn (Phó Chủ tịch Hội giáo dục Nghề nghiệp TP.HCM) khẳng định, thị trường lao động trong tương lai chắc chắn là thị trường của những người đã qua đào tạo nghề. Do vậy, ông cho rằng người học phải chọn đưọc môi trường học tập phù hợp với chính mình để học tập tốt, đáp ứng yêu cầu của nghề nghiệp trước xu hướng khởi nghiệp, trao đổi lao động…

Trong bối cảnh dịch bệnh, ông Tuấn nhìn nhận đòi hỏi sự phát triển đa dạng của các ngành nghề, nhất là ngành chất lượng cao. Tỉnh Bến Tre, với lợi thế ở gần các trung tâm kinh tế chính, trong tương lai phát triển vùng đô thị mới, theo ông Tuấn nhu cầu nhân lực rất lớn ở 10 nhóm ngành chính: Công nghệ nông lâm; Công nghệ sinh học; Cơ khí, điện điện tử; Công nghệ thông tin; Du lịch; Kinh tế; Kiến trúc xây dựng; KHXH; Sư phạm; Y dược.

“Vấn đề đặt ra là các em phải suy nghĩ để lựa chọn được ngành học phù hợp nhất theo năng lực bản thân, hoàn cảnh gia đình và nhu cầu thị trường lao động…”, ông Trần Anh Tuấn nhắn nhủ.

Yến Hoa