Thứ hai, 1/2/2016, 22h37

Giáo dục trước ngưỡng cửa hội nhập

Giáo dục ngày nay chỉ thật sự có ý nghĩa khi trang bị cho con người nội lực để họ tự giáo dục suốt đời. Đó là năng lực trí tuệ, năng lực tinh thần và năng lực lao động mà mỗi công dân phải có để sống được, tự lực nuôi dưỡng gia đình và dễ dàng thích ứng guồng quay xã hội không ngừng biến đổi với tốc độ ngày một nhanh.

Sự phát triển của khoa học - công nghệ hiện nay như vũ bão, nếu nhà trường chỉ chăm chăm trang bị cho người học các kiến thức xa rời thực tế thì rồi những thứ đó cũng có lúc sẽ bị cuộc sống đào thải.

1. Ai cũng có thể thấy, sự thành công của một người ngồi trên ghế nhà trường hôm nay là dựa trên khả năng thích nghi của người ấy với một hệ thống các yêu cầu của giáo dục gồm mục tiêu đào tạo, chương trình học, lối trình bày kiến thức trong sách giáo khoa và trong cách trả bài, làm bài kiểm tra, kiểu ra đề, cách nhận xét và đánh giá trong bài kiểm tra, bài thi và học bạ. Đây là một hệ thống cố định, mà cố định thì không thể bì được với sự vận động khôn lường của thế giới.

Giáo dục phải dạy cho con người biết cách phát triển bền vững. Những hiểu biết cụ thể được nhà trường dạy hôm nay trong vài năm nữa có thể trở thành lạc hậu, thậm chí vô bổ nên nhà trường không thể dừng lại ở mức độ truyền thụ kiến thức. Nhà trường chỉ thông qua truyền thụ kiến thức mà giúp hình thành một số năng lực của con người, trong đó quan trọng nhất là kỹ năng vận dụng năng lực bộ não khi tư duy, kỹ năng tự học để người học có thể học suốt đời nhằm thích ứng với đổi thay của tự nhiên và xã hội. Muốn vậy ai cũng phải có năng lực học trong cuộc sống, phải học được cái mới, cái thích hợp với không gian sống mới, phải biết “đọc” được “đề bài” của cuộc sống rồi tự giải quyết thì mới mong tồn tại được.

2.Xin có đôi lời về chương trình khung mà hiện nay Bộ GD-ĐT đang giao cho các nhóm chuyên gia biên soạn. Theo tôi, các môn khoa học tự nhiên chứa các chân lý phổ quát về thế giới tự nhiên do vậy Việt Nam nên mua chương trình các nước tiên tiến về chỉnh sửa cho phù hợp với mình. Đây là một cơ hội mà hội nhập toàn cầu đem lại cho chúng ta, cần tận dụng lấy. Tuy nhiên phải chọn lọc để dạy cái cơ bản, cái thiết thực và tránh dạy lối áp đặt, làm triệt tiêu năng lực phê phán, phản biện của học sinh. Đó là loại năng lực vô cùng cần thiết trong xã hội hiện đại, rất quan trọng để có tư duy sáng tạo - thứ tư duy mà người Việt Nam hiện đang rất thiếu. Nền giáo dục Việt Nam sau cuộc đổi mới căn bản và toàn diện phải trở thành một nền giáo dục khai sáng, đào tạo nên những người vừa là công dân Việt Nam vừa là công dân toàn cầu mới mong dễ dàng hội nhập với thế giới.

3. Hội nhập toàn cầu cần lòng dũng cảm. Kiểu dạy trong nhà trường hiện nay dễ đưa học sinh đến ngộ nhận rằng lòng dũng cảm chỉ thể hiện trong hoàn cảnh chiến tranh hay tình huống khẩn cấp. Không, lòng dũng cảm còn thể hiện trong cuộc sống dân sự thường ngày của thời bình. Một cuộc điều tra khoa học cách đây 5 năm của Viện Nghiên cứu giáo dục TP.HCM cho thấy nhiều sinh viên dù chỉ có học lực trung bình thôi nhưng sau khi tốt nghiệp đại học vẫn chưa muốn hay chưa dám đi tìm việc mà tiếp tục ngửa tay xin tiền cha mẹ để… học tiếp. Họ chưa có lòng dũng cảm để sống tự lập, chưa dám đối đầu với mọi thử thách của cuộc sống.

Muốn hội nhập với thế giới, nền giáo dục cần hình thành tính lương thiện trong từng công dân nhỏ tuổi. Hàng hóa Việt mà bị người Việt quay lưng lại do làm ăn dối trá thì làm gì còn cơ hội để hội nhập toàn cầu? Vì vậy muốn hội nhập thành công, cần hình thành tính lương thiện cho người học. Luôn đề cao phẩm chất thiên lương trong nhà trường và việc này phải được cả xã hội ủng hộ. Nhà trường không thể là một thánh đường đứng tách riêng, đứng ngoài gia đình và xã hội được.

4. Nước ta đã bước vào năm thứ 3 đổi mới cơ bản và toàn diện GD-ĐT với ngổn ngang những đề án, chương trình đang và sắp thực hiện, được thiết kế nhằm đạt những mục tiêu lớn lao. Song có một điều xưa cũ mà nếu ta quên thì không mục tiêu nào có thể đạt được với kết quả cao. Đó là vấn đề bồi dưỡng và chăm sóc giáo viên, người sẽ đứng ra thi công các dự án được thiết kế. Giáo viên chính là “lính bộ binh” trong tay tư lệnh ngành GD-ĐT phải được huấn luyện tốt, thông suốt và an tâm về tư tưởng thì đứng lớp mới toàn tâm toàn ý được. Muốn vậy thì họ phải được an tâm về đời sống. Chương trình có hay, thiết bị có hiện đại, phương pháp được đổi mới mà giáo viên không toàn tâm toàn ý dạy học sinh thì kết quả sẽ thua kém chương trình không hay, thiết bị thiếu thốn, phương pháp chưa đổi mới nhưng giáo viên hăng hái, hết lòng vì học sinh. Làm cho giáo viên an tâm về đời sống, đây chính là nút bấm để khởi động nghị quyết về đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT. Chúng ta đang biến mỗi ngày đến trường của học sinh là một ngày vui. Mỗi ngày đến trường của giáo viên cũng phải thành một ngày vui. Đó là mong ước của hàng triệu cán bộ, giáo viên, công nhân viên mà công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT phải cố gắng biến thành hiện thực.

TS. Hồ Thiệu Hùng