Thứ bảy, 14/3/2009, 09h03

GS Đinh Xuân Lâm: "Không có hội ý khi viết SGK sử"

"Nhiều lỗi trong SGK lịch sử mà các tác giả đã chỉ ra là đúng" - Đọc hết các bài góp ý chủ đề "Sau chỉnh sửa, SGK lịch sử vẫn chưa sạch lỗi”, Nhà giáo Nhân dân, GS sử học Đinh Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, cũng là chủ biên sách Lịch sử 9, cho biết.  
GS sử học Đinh Xuân Lâm
Ảnh: Lan Anh
 Trước tiên, tôi thấy cần phải hoan nghênh tinh thần xây dựng của những người góp ý. Họ đã ghi chép và đóng góp nhiều ý kiến cụ thể.
Các tác giả viết sách giáo khoa, và ngay nhà xuất bản Giáo dục cũng rất hoan nghênh để trên cơ sở này có thể sửa chữa, nâng cao chất lượng của sách giáo khoa (SGK), tiến tới một bộ SGK hoàn chỉnh, phục vụ cho việc nâng cao chất lượng giảng dạy lịch sử trong trường phổ thông.
Tôi thấy có một số ý kiến họ đóng góp rất đúng, như về sự kiện có thể chưa thật hoàn chỉnh, chưa thật chính xác… Nhưng đây cũng không phải những lỗi lớn, Nhà xuất bản sau khi làm việc thì sẽ tránh được những cái lỗi đó.
Ví dụ như: Làng Giàng viết là làng Ràng thì không phải, và có người đã chụp ảnh tên làng gửi cho tôi xem, người dân ở đó họ gọi là Làng Giàng.
Hay Quỷ môn quan thì ở Lạng Sơn chứ không phải Quảng Ninh. Hiện nay, ở Lạng Sơn vẫn còn 1 bia tưởng niệm đề là Quỷ môn quan…
Còn năm lên ngôi của Nguyễn Ánh thì mốc chính thức, thông thường người ta dùng là mốc 1802.
Có một số phê phán, nhưng là do người góp ý  không nắm được trình tự biên soạn sách giáo khoa. Vì thế, những cái nêu lên không phải lỗi của người viết, mà là lỗi của chương trình.
Người viết sách giáo khoa phải theo tinh thần chỉ đạo của chương trình, mà chương trình nhiều khi chưa tốt, chưa thật sự bảo đảm.
5, 6 người viết nhưng chẳng liên hệ với nhau?
Phần lịch sử thế giới trong SGK lịch sử lớp 8 và lớp 11 nặng hơn so với phần lịch sử trong nước là có thật. Ta học lịch sử dân tộc, do đó nếu quan niệm đúng thì học lịch sử thế giới là học đến mức độ để phục vụ cho soi sáng lịch sử dân tộc, 2 cái đó nó hỗ trợ cho nhau. Ví dụ, học về cách mạng Việt Nam chẳng hạn, thì phải học bối cảnh Lịch sử thế giới lúc bấy giờ để thấy cách mạng Việt Nam phát sinh và phát triển trong bối cảnh lịch sử thế nào?
Thầy giáo của mình không biết… đặt câu hỏi?
Trong quá trình tham gia biên soạn SGK, tôi đã từng nói: một số thầy giáo của mình không biết đặt câu hỏi, và đặt câu hỏi như vậy học sinh không trả lời được. Đặt câu hỏi phải có tính gợi ý cho học sinh, chứ hỏi ở đây là hỏi áp đặt, bắt học sinh học thuộc lòng những điều chưa hẳn đảm bảo tính khoa học. Theo tôi, đặt câu hỏi phải căn cứ vào nội dung để học sinh trả lời được.
GS Đinh Xuân Lâm
Là người trong cuộc, chúng tôi biết, nhiều khi trong bộ phận biên soạn, các thầy viết lịch sử thế giới, các thầy giỏi hơn, sư phạm hơn, chi tiết hơn, cẩn thận hơn… nên phần lịch sử thế giới làm lấn át phần lịch sử Việt Nam đi.
Do đó, vấn đề đặt ra là phải phân công biên soạn và phải làm việc rất chặt chẽ giữa bộ phận biên soạn để tác chiến cho tốt hơn
Cách tổ chức viết SGK còn nhiều hạn chế, ví dụ: nhiều tác giả quá! Một cuốn sách của lớp phổ thông mà tới 5, 6 tác giả viết, có 1 ông tổng chủ biên, rồi 1 ông chủ biên. Đã thế, cách làm việc không thống nhất và các tác giả thì ở xa nhau, người ởTP.HCM, người ở Hà Nội,… không có hội ý gì trong quá trình viết.
Có thể thấy cụ thể là giữa các lớp , trình tự chương trình nhiều khi không liên tục, chưa thực sự khoa học nên dẫn đến có sự trùng lặp giữa cuốn dưới và cuốn trên.
Theo chương trình, thì giữa các lớp có thể có nội dung giống nhau, tên bài học giống nhưng tuỳ theo từng lớp mà nội dung của sách lớp trên sẽ phong phú hơn.
Thế nhưng, người viết sách lớp trên không liên hệ với người viết sách lớp dưới, nên nhiều khi mâu thuẫn nhau.
Với tư cách là Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, chúng tôi có đề nghị lên Bộ GD&ĐT là cần phải thành lập Hội đồng Quốc gia về chương trình học phổ thông.
Hội đồng đó tập hợp những nhà giáo có kinh nghiệm, có trình độ, những nhà khoa học không làm trong lĩnh vực giáo dục nhưng có chuyên môn, hiểu biết về sử học. Như vậy có thể xây dựng được 1 chương trình cho hoàn chỉnh. Và chương trình đó phải có 1 hội đồng Nhà nước duyệt.
Cách làm này có từ thời Pháp thuộc. Nha học chính Đông Dương đã thành lập các hội đồng SGK, hội đồng chương trình…
Theo tôi được biết, NXB Giáo dục đang tiến hành chỉnh sửa SGK. Khi chỉnh sửa SGK đợt mới thì sẽ sửa triệt để hơn. Chúng tôi cũng có đề nghị là phải mở rộng, huy động nhiều lực lượng hơn… để tham gia góp ý cho SGK mới.
 Về giai đoạn lịch sử nhà Nguyễn thì các sai sót trong sách giáo khoa không nghiêm trọng, mà là chưa nói đúng mức. Theo tôi, từng bộ phận biên soạn SGK cần có trách nhiệm đối chiếu với những kết quả đạt được của hội thảo, cái gì đã thống nhất rồi thì cần sửa chữa.
Những sửa chữa đó có thể rất nhỏ, có thể rất lớn, liên quan đến cách nhìn nhận, đánh giá nói chung. Nhỏ thì có thể như tên 1 sự kiện, nội dung 1 sự kiện.. sửa đổi khá dễ dàng.
Nhưng cái khó là nhận định, đánh giá thế nào cho đúng mức. Bây giờ, đã có đường hướng rồi thì có thể làm được.
Cũng cần phải đề phòng xu hướng người ta cho rằng: trước kia mình chê nhà Nguyễn, còn giờ thì quay 90 độ khen nhà Nguyễn.
Tinh thần chung là cái gì rõ, đủ tư liệu, đủ chứng cứ thì phải sửa ngay.
Những vấn đề còn cần phải nghiên cứu thì tiếp tục nghiên cứu.
Nếu làm một cách khoa học, thì dưới bài học phải có chú thích, hoặc trong sách hướng dẫn cho giáo viên thì nêu những vấn đề đó để họ lưu ý.
 
Lan Anh (Vietnamnet)