Thứ bảy, 29/7/2017, 19h12

Hạn chế học sinh chán học

Trong khi ngành giáo dục đang cố gắng thực hiện chủ trương phổ cập giáo dục các cấp, xã hội hóa giáo dục… nhằm nâng cao mặt bằng dân trí và đào tạo nguồn nhân lực, thì ngược lại, vẫn còn một bộ phận học sinh (HS) quay lưng lại việc học cũng như một số nơi chưa thực hiện tốt các chủ trương này.

Học sinh TP.HCM tham gia hoạt động quyên góp sách, tập, dụng cụ học tập tặng các bạn khó khăn ở vùng sâu, vùng xa do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức. Một hoạt động giúp các em có nhận thức sâu sắc về chuyện học tập. Ảnh: N.Anh

Cùng với các nguyên nhân khách quan như kinh tế khó khăn, thiếu điều kiện học tập, còn có nguyên nhân chủ quan là người học chưa thấy được ý nghĩa của việc học, không thấy được niềm vui khi đến lớp… Vì vậy, bên cạnh HS siêng năng chăm chỉ, còn một bộ phận HS chây lười, chán học. Tệ nạn bạo lực học đường nhức nhối bấy lâu nay suy cho cùng từ chỗ này mà ra...

Nhiều biểu hiện chây lười, chán học

HS chán học rất dễ nhận biết. Ở trường thì thờ ơ với việc học, thường ngủ gục trong lớp. Bài học không buồn chép, bài tập không chịu làm, không quan tâm gì về điểm số, điểm kém. Vô cảm với những khiển trách, hình phạt của giáo viên. Thường trốn học, cúp tiết, nghỉ học không lý do; luôn gây ra những rắc rối trong lớp, lôi kéo những HS khác vi phạm theo mình. Ở nhà thì bỏ bê việc học, chẳng lúc nào thấy học bài cũ, giải bài tập về nhà. Vùi đầu vào những trò tiêu khiển trên các trang mạng xã hội, thích rủ rê, đàn đúm với bạn bè… Với đối tượng HS này, việc học là không quan trọng gì cả. Các em không xác định được phải học vì cái gì. Lớp học đối với các em là một địa ngục, ngoài lý do là đến lớp để được gặp bạn bè cho đỡ nhớ, đỡ buồn.

Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh lười và chán học trong HS. Như việc thiếu động cơ, mục đích học tập; bị bạn bè xấu lôi kéo… Trong đó bệnh chán học thường thấy nhiều nhất với đối tượng HS có học lực yếu kém. Vì học yếu nên nản học và càng nản học thì việc học ngày càng sa sút. Trong lúc đó việc học ở trường phải chịu quá nhiều áp lực về chương trình, về thi cử, kể cả môi trường học đường thiếu thân thiện. HS chưa thể trút bỏ hết gánh nặng của áp lực học hành là bởi có sự tác động từ nhiều phía: xã hội, gia đình và nhà trường. Xã hội còn coi trọng bằng cấp, chú trọng lý thuyết khoa bảng nhiều hơn kỹ năng ứng dụng thực tế, sự lập nghiệp của mỗi người còn phụ thuộc nhiều vào học hành thi cử. Sự kỳ vọng của gia đình đặt quá lớn lên vai người học, nhiều HS chưa có cảm giác là đi học cho mình, vì mình, mà là học vì gia đình, vì cha mẹ của họ.

Vai trò của gia đình và nhà trường

Với đối tượng HS chây lười, chán học, sẽ rất ít có hiệu quả nếu gia đình và nhà trường áp dụng biện pháp xử lý quá cứng nhắc, mà nên có giải pháp linh hoạt thì sẽ tốt hơn.

Đối với gia đình, phải phát hiện kịp thời bệnh chán học, lười học của con em, tìm ra nguyên do cụ thể là gì. Quan tâm thường xuyên đến việc học của con em, để các em cảm thấy không bị bỏ rơi. Tạo mọi điều kiện tốt nhất về vật chất và tâm lý. Cần thiết nhất là cha mẹ phải xác định cho con em một mục đích học tập cụ thể, định hướng cho các em một nghề nghiệp tương lai. Đặt ra những ngưỡng mục tiêu vừa sức để các em phấn đấu học tập mà đạt được. Không nên tạo ra quá nhiều áp lực, căng thẳng. Tránh thái độ quá cay nghiệt hoặc thái độ bỏ mặc. Và cần thiết nữa là phải có thiện chí hợp tác với nhà trường để duy trì việc học cho con em.

Với đối tượng này, nhà trường có vai trò rất quan trọng. Trường học phải làm sao tạo ra cho HS có một tâm lý thật sự thoải mái. Phải cho các em cảm giác mái trường là mái ấm, lớp học là sự chia sẻ. Tìm cách củng cố lại kiến thức đã hổng, khắc phục điểm yếu. Không nên cực đoan trong việc đánh giá là xếp loại mà nên trân trọng sự cố gắng, sự tiến bộ của các em. Đem đến niềm vui cho người học là một nguyên tắc cốt lõi và là giá trị nhân bản sâu sắc của giáo dục. Từ thời cổ đại, nhà sư phạm Khổng Tử đã từng cho rằng: “Biết để học không bằng thích để học, thích để học không bằng vui để học”. Nếu không muốn để cho các em vào đời sớm, thì cách tốt nhất là phải cho các em thấy được rằng “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, như khẩu hiệu hiện nay của ngành giáo dục.

Cần trút bỏ “tảng đá” trên vai người học bằng những giải pháp đồng bộ, dài hạn. Nhưng trước nhất, nhà trường phải tạo ra một không gian học tập thật sự thân thiện. Tăng cường vai trò của công tác Đoàn, Đội, các câu lạc bộ văn thể mỹ, giảm tải nhiều hơn về chương trình, giảm áp lực về thi cử, chú trọng đến việc giáo dục, bồi dưỡng sở trường, sở đoản cho HS, để các em có điều kiện phát huy thế mạnh riêng của mình.

Trần Ngọc Tuấn