Thứ hai, 23/5/2022, 10h22

Hô biến phim truyền hình thành phim điện ảnh và ngược lại

Hiện có tình trạng nhà sản xuất ban đầu quay phim truyền hình dài tập, web-drama, nhưng sau đó lại cắt gọt, dựng thành phim điện ảnh để chiếu rạp, và cả trường hợp ngược lại.

Liệu có thành trào lưu ?

Mới đây khán giả vô cùng bất ngờ khi phim chiếu rạp có tên Mưu kế thượng lưu (đạo diễn Trần Bửu Lộc) quay trở lại với khán giả bằng câu chuyện đầy đủ thông qua phiên bản series dài 7 tập có tên Trà xanh đấu siêu lừa với lời giới thiệu: “Khán giả sẽ có cơ hội thưởng thức phiên bản đầy đủ, logic hơn so với phiên bản điện ảnh, những suy nghĩ và tính cách của nhân vật trong phim được thể hiện rõ ràng hơn”.

Ban đầu bộ phim Mưu kế thượng lưu được nhà làm phim sản xuất với “bộ khung” chính là phim dài tập phát sóng trên mạng, nhưng vì muốn tạo ra một định dạng khác để chiếu rạp nhằm có thêm doanh thu, nên phim đã cắt gọt, dựng trước thành bản điện ảnh để chiếu rạp vào tháng 2 năm nay. Sau khi chiếu rạp thì đến tháng 4 vừa qua, bộ phim được dựng lại một lần nữa với đầy đủ những thước phim đã quay, thành sản phẩm dài tập Trà xanh đấu siêu lừa chiếu trên nền tảng trực tuyến có thu phí. Tất nhiên khi một bản phim chưa đầy đủ chiếu rạp thì sản phẩm làm ra sẽ “thiếu đầu thiếu đuôi” và không trọn vẹn. Thực tế khi Mưu kế thượng lưu chiếu rạp đã bị khán giả cũng như giới chuyên môn chê về chất lượng, gây hụt hẫng vì kịch bản rời rạc, diễn biến tâm lý các nhân vật bất ổn. Vì đã bị cắt thành một bản phim 90 phút so với số lượng hơn 300 phút của bản phim gốc dài tập, nên có những vai diễn xuất hiện một lúc, rồi lại biến mất. Nhìn chung, kịch bản tổng thể của Mưu kế thượng lưu không đủ sức níu chân người xem ở rạp.

Hô biến phim truyền hình thành phim điện ảnh và ngược lại - ảnh 1

Phim Mưu kế thượng lưu được hô biến thành phim Trà xanh đấu siêu lừa. Ảnh: ĐPCC

Tương tự, phim Qua bển làm chi chiếu rạp hồi tháng 4 của đạo diễn Nguyễn Trung Cang cũng bị khán giả chê. Theo một nguồn tin trong giới thì phim này cũng là phim được cắt từ phim dài tập thành phim điện ảnh 1 tập chiếu rạp. Phiên bản Qua bển làm chi có kịch bản đơn giản, các tình tiết cũ kỹ với mô típ chuyện cưới trước yêu sau đã quá quen thuộc. Việc tập trung vào lời thoại - thay vì phát triển tình huống - khiến nhịp phim bị chậm, mang bóng dáng của một phim truyền hình hơn là điện ảnh.

Phim kinh dị Thất Sơn tâm linh của đạo diễn Lê Bình Giang (ban đầu do Hàm Trần đạo diễn) sau khi ra rạp cũng dựng thành bản trực tuyến dài 5 tập có tên Thiên linh cái: Chuyện chưa kể. Trước đây, phim Nhà có năm nàng tiên của đạo diễn Trần Ngọc Giàu sau khi chiếu rạp cũng dựng thêm phiên bản truyền hình 5 tập.

“Cuộc chơi” không dễ, kéo chất lượng phim việt xuống

“Trong bối cảnh sôi động của thị trường phim chiếu mạng hiện nay, đã có một số nhà sản xuất chọn cách nhanh thu hồi vốn, tìm kiếm thêm lợi nhuận bằng việc cùng một cốt truyện, kịch bản, quay chung một dàn diễn viên, bối cảnh… tận dụng tung ra đến 2 phim. Điều này, nếu cứ phát triển thành một trào lưu, xu hướng khiến ai cũng chạy theo làm, thì dễ dẫn đến chất lượng của bộ phim cắt gọt sẽ không đến đâu, kéo theo mặt bằng chung điện ảnh Việt ngày một tệ hơn. Khi làm phim theo cách “ăn xổi” thì tất nhiên khó thành công và sẽ khiến chất lượng phim Việt đi thụt lùi”, đạo diễn N.K nhận định.

Có trường hợp ngược lại khi một số phim điện ảnh được phát triển từ phim truyền hình, phim chiếu mạng đã được khán giả yêu thích. Tất nhiên không phải phim nào cũng thành công khi từ web-drama chuyển thành phim điện ảnh như Bố già, Chị Mười Ba…

Mến gái miền Tây là một trong những phim Việt ra mắt khán giả vào cuối tháng 3, được xem như ngoại truyện của phim chiếu mạng Ghe bẹo ghẹo ai từng được Võ Đăng Khoa ra mắt trên YouTube năm 2019. Có nhiều lý do để các nhà sản xuất chọn chất liệu cũ để làm mới, khai thác thêm, thay vì xây dựng một nội dung mới hoàn toàn. Nhưng rõ ràng, cả Mến gái miền Tây lẫn Pháp sư mù, của Huỳnh Lập phát triển từ phim chiếu mạng Ai chết giơ tay khi chiếu rạp đều không được đánh giá cao bởi câu chuyện lỏng lẻo và như tiếp nối từ phim chiếu mạng trước, khiến những ai chưa xem phim tiền truyện thì khó mà hiểu hết các nhân vật chính.

Nếu như từ phim truyền hình, phim chiếu mạng “nhào nặn” thành phim điện ảnh ở một bản quay mới thì còn khả dĩ để có thể thay đổi chất lượng khi nhà làm phim biết nâng cấp hơn về chất lượng kịch bản, hình ảnh. Còn ngược lại, khi phim điện ảnh được cắt gọt từ chính một kịch bản, hình ảnh đã quay chung từ trước của một web-drama, phim truyền hình nhiều tập thì sẽ khó có chất lượng tốt hơn, bởi kỹ thuật làm phim điện ảnh khác hoàn toàn với phim truyền hình.

Diễn viên - nhà sản xuất Thu Trang nêu ý kiến: “Là nhà sản xuất phim, tôi lúc nào cũng ủng hộ những bộ phim tốt, những bộ phim được đầu tư kỹ lưỡng về kinh phí, bối cảnh quay, tâm lý nhân vật… Vì thế, dù làm phim theo kiểu nào - từ bản điện ảnh hô biến sang web-drama, hay từ series dài tập thành phim chiếu rạp - mà thành phẩm ra là một phim dở thì tôi hoàn toàn không ủng hộ. Tôi cũng thấy lạ với cái gọi là “chiến lược” của một số nhà phát hành hiện nay, bởi thực tế có chuyện bên phát hành người ta không có phim để chiếu rạp, rồi cứ lấy một phim nào đó trong số các web-drama đang có sẵn chưa phát sóng để dàn dựng, hậu kỳ, cắt gọt thành phim điện ảnh chiếu rạp. Tôi sẽ không bao giờ làm điều này, vì ngay cả diễn xuất khi đóng web-drama sẽ có cách diễn khác với một phim điện ảnh. Web-drama làm rất nhanh trong một cảnh quay, diễn viên không có thời gian để sửa. Còn với phim điện ảnh, ê-kíp sẽ cho diễn viên thời gian để tập trung, có quyền diễn lại sao cho đạt nhất. Bấy nhiêu đó cũng đã thấy được sự đầu tư của hai kiểu phim là quá khác nhau. Nếu web-drama cắt thành phim điện ảnh mà phim đó thắng về doanh thu, thì phải nói là nhà sản xuất quá may mắn; nhưng như vậy là thiếu công bằng với những nhà làm phim có đầu tư đàng hoàng”.

Theo Phan Cao Tùng/TNO