Thứ hai, 5/12/2011, 15h12

Học lịch sử ở bảo tàng

Được đến tham quan các bảo tàng lịch sử, rồi được tham gia các trò chơi như thế này sẽ giúp HS yêu thích và ghi nhớ kiến thức lịch sử hơn (ảnh minh họa). Ảnh: T.Th

Đối với học sinh (HS), bảo tàng chính là những trang sử sinh động nhất, tính hấp dẫn của nó giúp các em ghi nhớ những dấu mốc quan trọng của từng sự kiện...
Bây giờ đã là HS lớp 7 Trường THCS Võ Trường Toản (Q.1) nhưng em Nguyễn Hoàng Quân vẫn không quên chuyến tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh cách đây 3 năm. Cuộc hành trình đến với bảo tàng lần đó rất có ý nghĩa và trở thành dấu ấn không thể phai mờ trong ký ức của cậu học trò ở tuổi lên 10.
Cầu nối giữa hiện tại và quá khứ
Đã nhìn thấy Bác Hồ trong nhiều trang sách nhưng đó là lần đầu tiên Quân cảm nhận đầy đủ nhất cả một quá trình làm cách mạng của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, nhất là từ mốc lịch sử Người rời bến cảng Sài Gòn ra nước ngoài tìm đường cứu nước. Hình ảnh con tàu Đô đốc Latouche Tréville, hình ảnh người thanh niên xứ Nghệ gầy ốm tay bưng khay thức ăn phục vụ và những lời thuyết minh của chị hướng dẫn đã cho em hiểu hơn hoàn cảnh lịch sử lúc đó của đất nước. Thông qua các hiện vật và hình ảnh, không chỉ có Quân mà gần 40 HS học cùng lớp lúc đó (Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1 - PV) đều thấy được quá trình hoạt động cách mạng của Bác cho đến ngày Cách mạng Tháng Tám thành công.
Cũng như Quân, em Phạm Thùy Linh - những năm học tại Trường Tiểu học Trần Văn Đang (Q.3) - cũng được cô giáo chủ nhiệm và giáo viên dạy sử tổ chức cho đi tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh và Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ. Từng nghe nhiều về tội ác của kẻ thù nhưng đó cũng là lần đầu tiên em đã “mục sở thị” những vũ khí bằng sắt, bằng thép được sử dụng trong chiến tranh như xe tăng, máy bay và cả đại bác... Tuy không tận mắt chứng kiến tội ác man rợ của quân thù nhưng khi nhìn chiếc máy chém của chế độ Mỹ Diệm em thật ghê rợn với những gì mà chúng gây ra cho các chiến sĩ cách mạng. Nhiều bạn trong lớp cũng thật sự xúc động khi nhìn thấy các hình thức tra tấn dã man như đánh đập, dí roi điện, đi tàu ngầm, treo ngược… qua các mô hình được tái dựng trong bảo tàng. Đối với Linh, buổi tham quan hôm đó đã thực sự trở thành cầu nối giữa quá khứ với hiện tại.
Cùng có mặt trong chuyến tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh của thầy trò Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm ngày đó, chúng tôi đã được giáo viên trao đổi rằng, những buổi tham quan bảo tàng do nhà trường tổ chức hàng năm không chỉ giúp HS có thêm kiến thức về lịch sử mà còn tạo cơ hội cho các em ham thích môn học thông qua lòng yêu quê hương đất nước và tinh thần tự hào dân tộc.
Như vậy, lợi ích của việc học sử qua những chuyến tham quan các bảo tàng đã rõ. Tuy nhiên, có thể vì những lý do chủ quan lẫn khách quan nên không phải trường nào cũng có điều kiện tổ chức cho HS được “về  nguồn”.
Văn hóa bảo tàng cần được quan tâm
Nhiều HS tại các trường TH, THCS và THPT trên địa bàn TP.HCM chưa có cơ hội đến tham quan tại các bảo tàng lịch sử, dù chỉ một lần. Có lẽ đây chính là sự thiệt thòi của các em HS khi tìm hiểu về lịch sử nước nhà và nhất là đối với việc học bộ môn sử. Bởi vì đến với bảo tàng là dịp để các em “chạm vào” quá khứ và hiểu rõ hơn lịch sử Việt Nam. Những bài học lý thuyết, những con số khô khan sẽ được thay thế bằng các hiện vật, mô hình sống động cuốn hút mọi người. Không chỉ xem bằng mắt nhiều em còn ghi chép chi tiết, tỉ mỉ theo hướng dẫn của giáo viên nên những tư liệu và bài thu hoạch về lịch sử càng thêm quý giá. Hoạt động này không chỉ mang tính khoa học mà còn “chở đầy” tính hấp dẫn vì luôn thỏa mãn trí tò mò, óc khám phá của nhiều lứa tuổi, đặc biệt là các em HS phổ thông. Theo thống kê của Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP.HCM, trong năm 2010 có 58.000 lượt khách vào tham quan bảo tàng nhưng tỷ lệ người tham quan trong nước, nhất là HSSV, vẫn không nhiều. Điều đó khẳng định văn hóa bảo tàng của người dân chưa được quan tâm. Chính vì thế mà những kiến thức về lịch sử của HS còn yếu và “khó nuốt”, nhiều em chưa tìm thấy được niềm đam mê của mình đối với môn học rất thiết thực với đời sống tinh thần văn hóa này. Phải chăng chính vì thế mà tiếng nói của ngành học lịch sử trong cuộc sống hiện tại chưa thật xứng đáng với vị trí của nó?
Phan Ngọc Quang
Bảo tàng lịch sử là nơi du khách tiếp nhận tri thức qua hiện vật, hình ảnh. Ở đó người xem hiểu rõ hơn xưa và nay, cảm nhận được đầy đủ nhất truyền thống tốt đẹp của cha ông ta. HS còn được bồi đắp tinh thần tự cường dân tộc, ý thức về trọng trách của một thế hệ trẻ đối với lịch sử nước nhà, vận mệnh dân tộc.