Thứ hai, 21/9/2020, 14h44

Hồi ký nghệ sĩ đổ lên mạng, nhà xuất bản có tìm cách giữ?

Hồi ký của nghệ sĩ có xu hướng đưa lên mạng thay vì ra sách, với nhiều nguyên nhân. Nhà xuất bản có tìm cách giữ nguồn thông tin này?

Hồi ký nghệ sĩ lên mạng

NSND Kim Cương vừa cho thu âm hồi ký Sống cho người, sống cho mình, sẽ phát hành trên nền tảng kỹ thuật số trong thời gian tới. Trước đó, quyển hồi ký này từng ra mắt năm 2016 với định dạng sách truyền thống.   

Cũng trong khoảng thời gian này, nữ nghệ sĩ Hồng Loan (con gái NSƯT Bảo Quốc, hiện sống tại Mỹ) cho ra đời hồi ký Thanh Minh - Thanh Nga nói về đoàn cải lương danh tiếng thời xưa và cuộc đời của nữ hoàng sân khấu Thanh Nga. Hồng Loan kể chuyện một mình, dựa trên những tư liệu thu thập từ các thành viên trong gia tộc.                                  

Cách đây vài ngày, tập mới nhất trong chuỗi hồi ký của NSND Lệ Thuỷ cũng được giới thiệu đến khán giả. Hồi ký này bắt đầu được phát từ tháng 12/2019, đến nay đã đi được hơn nửa chặng đường.

Cuối  năm 2019, ca sĩ Hương Lan cũng từng chia sẻ kế hoạch thực hiện hồi ký bằng video, phát trên kênh YouTube. 

NSND Lệ Thuỷ và NSND Minh Vương tr
NSND Lệ Thuỷ và NSND Minh Vương trò chuyện trong tập 17 của chuỗi hồi ký được phát trên YouTube

Có thể thấy, hồi ký của nghệ sĩ đang có xu hướng đổ lên mạng. NSND Kim Cương hy vọng với việc xuất bản lại hồi ký dạng số sẽ giúp số đông khán giả tiếp cận. Đó cũng là ưu điểm đầu tiên của dạng thức này khi công nghệ, internet phá bỏ rào cản về vùng miền, biên giới để nội dung lan toả ở phạm vi rộng.

NSND Lệ Thuỷ cũng từng có ý định thực hiện hồi ký dạng sách. Nhưng khi nhờ người chấp bút, bà thấy những câu từ xuất hiện trong trang sách không phải của chính mình. Vì thế, khi đi được một đoạn đường, bà quyết định dừng lại.

Hồi ký dạng số giúp NSND Lệ Thuỷ mang câu chuyện của bà đến với khán giả thật và gần hơn, qua chính giọng kể của mình. Ngoài ra, việc thể hiện cũng sinh động, đa dạng hơn khi có clip, hình ảnh bổ trợ. NSND Lệ Thuỷ cũng thoải mái mời những nghệ sĩ gắn liền với sự nghiệp của bà đến hàn huyên, chia sẻ. Trong khi đó, sách không thể thực hiện được những điều này, và bị giới hạn về câu chữ, số lượng trang.

Ca sĩ Hương Lan cho rằng việc tự xuất bản hồi ký giúp bà chủ động trong việc quyết định nội dung khi muốn kể nhiều về sự nghiệp. Trong khi đó, nếu qua lời người chấp bút, hồi ký có thể đào sâu quá mức những chuyện cá nhân, làm ảnh hưởng đến những người liên quan.

Ca sĩ Hương Lan cụng sẽ ra hồi ký dạng số phát trên YouTube
Ca sĩ Hương Lan cũng sẽ ra hồi ký dạng số phát trên YouTube

Nghệ sĩ Hương Lan nói, ngoài những ưu điểm trên, khả năng lưu trữ trên nền tảng mạng cũng có thể lâu dài hơn.

Thực tế, lợi nhuận từ ngành xuất bản tại Việt Nam chưa lớn. Có nhiều hình thức hợp tác giữa nghệ sĩ với nhà xuất bản (NXB) như: hợp tác chia lợi nhuận dựa trên doanh số, NXB mua tác quyền từ nghệ sĩ hoặc NXB đầu tư từ đầu, nghệ sĩ được trả cát-sê... Tuy nhiên, với hình thức nào thì con số thu được cũng rất ít ỏi. 

Trong khi đó, những nền tảng mạng, đặc biệt là với YouTube (nơi nhiều nghệ sĩ chọn phát hành sản phẩm) nguồn thu được có thể lớn, kéo dài theo năm tháng. Phải chăng đó là một trong những lý do khiến nghệ sĩ "mặn mà" với việc đưa hồi ký lên mạng?

Nhà xuất bản có tìm cách giữ?

Thông tin về đời tư của nghệ sĩ luôn có sức hấp dẫn với khán giả. Đặc biệt ở những nghệ sĩ kỳ cựu, có đóng góp lớn, cuộc đời họ còn có ý nghĩ ở mặt truyền nghề, giáo dục hậu bối và mang đến những giá trị tốt đẹp, tích cực.

Nhưng với ngành xuất bản, đây không phải là mảnh đất vàng. Cách đây 2 năm, hồi ký của một ca sĩ được in ấn đến vài chục nghìn bản vì người này có lượng người hâm mộ đông, nhưng cuối cùng vẫn bị tồn đọng nhiều.

Đại diện một NXB từng thực hiện nhiều hồi ký của nghệ sĩ cho biết: “Muốn biết một đầu sách có hot hay không, chỉ cần căn cứ vào số lần tái bản. Nhưng qua một số sản phẩm, chúng tôi thấy hồi ký không thực sự là lĩnh vực tiềm năng. Ngay cả với những nghệ sĩ kỳ cựu, có câu chuyện cuộc đời hay, ý nghĩa thì chỉ xuất bản được một lần khoảng vài nghìn cuốn là dừng. Con số này còn rủi ro hơn với những nghệ sĩ trẻ”.

Tuy nhiên, người này khẳng định, điều đó không có nghĩa câu chuyện về cuộc đời của các nghệ sĩ không hay, không có chiều sâu hay ý nghĩa.

NSND Kim Cương cầm trên tay quyển hồi ký ra mắt năm 2016 với tên gọi Sống cho người, sống cho mình
NSND Kim Cương và quyển hồi ký ra mắt năm 2016 với tên gọi Sống cho người, sống cho mình

Chị Dương Ngọc Hân, Tổng biên tập Saigon Books lý giải: “Người đọc ngày nay có xu hướng đọc “cạn”. Những điều này, báo mạng, trang tin, thậm chí nhiều diễn đàn, cá nhân tung tin rất nhiều. Người đọc được thoả mãn ở tầng đó. Trong khi hồi ký nghệ sĩ dạng sách thường hướng đến chiều sâu, độc giả không đủ kiên nhẫn để đọc. Ở vai trò NXB, chúng tôi thấy tiếc khi người đọc chỉ tiếp xúc được bề mặt mà bỏ qua một tầng ý nghĩa lớn hơn”.

Đối tượng mua hồi ký chủ yếu là bản thân nghệ sĩ để tặng bạn bè; người thân mua ủng hộ, hay với những nghệ sĩ kỳ cựu thì có thể bán cho những đơn vị trường học, đào tạo chuyên nghiệp dùng làm tư liệu trong thư viện, giảng dạy; khán giả có nhu cầu mua đọc vẫn là con số khiêm tốn.

Một NXB cho biết: “Chúng tôi không chủ động đi tìm hoặc giữ. Nhưng với những dự án quyết định làm, chúng tôi vẫn đầu tư kỹ lưỡng để mang đến một sản phẩm ý nghĩa, trọn vẹn. Có thể nói, đó cũng là một nỗ lực”. 

Đến nay, phần lớn hồi ký do phía nghệ sĩ thực hiện, NXB chỉ hợp tác chứ ít đầu tư từ đầu.

Chị Ngọc Hân cho rằng: “Việc cung ứng phải ứng với nhu cầu thực sự từ thị trường. Nếu nhu cầu đọc không có thì việc xuất bản cũng là một lãng phí”.

Trung Sơn/Phụ Nữ TP.HCM