Thứ tư, 28/7/2021, 09h23

Khi phim truyền hình Việt quá nhiều bi kịch

Trong khi thể loại phim hài khá phổ biến trên màn ảnh rộng, thì trái lại, ở mảng truyền hình, những bộ phim đậm yếu tố hài rất hiếm. Các phim hiện nay hầu như chỉ chú trọng khai thác bi kịch, nhiều khi lố đến mức vô lý, khiến người xem mệt mỏi và càng khát những bộ phim mang không khí vui vẻ, dí dỏm.

Khoảng trống trên màn ảnh nhỏ

Hai bộ phim đang làm người xem “phát mệt” với cảnh đời khổ tận cam lai của nhân vật chính hiện nay là Cây táo nở hoa và Thương con cá rô đồng. Xem Cây táo nở hoa, không chỉ nhân vật chính Ngọc gặp nhiều biến cố, mà các nhân vật em của anh cũng không có lấy một ngày bình yên. Tương tự, ở Thương con cá rô đồng, cuộc đời của nhân vật Thương từ nhỏ đến lớn chỉ ngập trong nỗi buồn và nước mắt: mất cha mất mẹ, bị bọn đòi nợ làm nhục, bị lừa đẻ mướn, nhìn em gái lấy người mình yêu…

10 tập gần đây của Hãy nói lời yêu, kể từ sau cái chết của nhân vật Minh, các nhân vật trong phim luôn trong trạng thái u sầu, không có nổi nụ cười. Bà Hoài ủ rũ vì nỗi đau mất con, ông Tín tuyệt vọng với món nợ hơn chục tỷ đồng, Phan lo lắng vì mẹ bị bệnh nặng, My cũng chẳng thể vui trước đau buồn của người thân.

Khán giả thèm được cười sảng khoái với những bộ phim hài hước, vui tươi như Nhà trọ Balanha trên sóng truyền hình

Hương vị tình thân đang khiến nhiều khán giả dọa bỏ xem vì nữ chính Nam gặp quá nhiều bất hạnh cùng lúc đổ lên đầu. Phim Canh bạc tình yêu cũng ngập trong “drama” tình tay ba và những cái chết bí ẩn. Chỉ có Mùa hoa tìm lại là phim hiếm hoi có vài tình tiết hài, chủ yếu liên quan đến hai nhân vật phụ Mộc và Nô, nhưng cũng rất ít. 

Nhìn lại những phim Việt đã phát sóng trong vài năm trở lại đây, có thể thấy khoảng trống khá lớn những bộ phim có không khí vui tươi như Ngày ấy mình đã yêu, Nhà trọ Balanha. Chỉ vào dịp tết, màn ảnh nhỏ mới trở nên bớt ngột ngạt với những bộ phim nhiều tiếng cười như Sui gia khắc khẩu, Một đám cưới ba nàng dâu, Trúng số ăn tết (2021), Về nhà ăn tết đi con, Làm rể Mười Xuân (2020), Chàng rể tuổi Hợi, Ngũ hợi tấn hỷ (2019) nhưng phần lớn là ngắn tập. 

Giữa thời dịch bệnh, đời sống vật chất lẫn tinh thần con người gặp nhiều xáo trộn như hiện nay, khán giả càng mong đợi tìm thấy một liều thuốc là tiếng cười lạc quan, vui vẻ đến từ màn ảnh nhỏ, để tạm quên đi những khó khăn, vất vả vì dịch bệnh. Nhưng dòng phim bộ trong nước hằng ngày chỉ quanh đi quẩn lại với những câu chuyện lâm ly, kịch tính như yêu đương tay ba tay tư, ngoại tình, đánh ghen, ly hôn, trả thù, đấu đá trong kinh doanh, tranh chấp gia sản… Những yếu tố này thậm chí còn được làm đậm nét, đôi khi quá lố đến phi lý, hòng tạo cao trào giữ chân người xem. 

 Đừng bỏ quên tiếng cười 

Thời phim truyền hình trước đây, mặc dù không phải phim nào lên sóng cũng hay và “hot” như bây giờ, nhưng màn ảnh nhỏ thỉnh thoảng cũng “đổi món” với những bộ phim dí dỏm (không phải phim tết) như Cái bóng bên chồng, Cô gái xấu xí, Kính thưa ô-sin, Dù gió có thổi. Hiện nay, xu hướng phim hài trên màn ảnh nhỏ chỉ tập trung vào dạng sitcom là chính, nhưng thời lượng sitcom ngắn ngủi và chỉ là dạng kịch tình huống nên người xem không thấy “đã”.

Tiếng cười trong dòng phim bộ phát sóng hằng ngày chủ yếu nằm ở một vài nhân vật phụ chuyên tạo ra tình huống dí dỏm, nhằm làm dịu không khí phim. Nói về cái khó của kịch bản phim hài, biên kịch Chu Hồng Vân cho biết: “Sitcom thuộc dạng hài kịch, mang tính ước lệ, nên có lố chút cũng được. Còn hài trong phim truyền hình đòi hỏi tiếng cười nằm trong thoại, trong xây dựng tình huống phải nhẹ nhàng, tự nhiên như ngoài đời, nên không dễ viết. Đôi khi biên kịch cũng phải là người có tố chất hài hước mới viết tốt được”.

Đứng ở góc độ đạo diễn, đạo diễn Xuân Phước - người sở trường làm phim truyền hình hài (Cái bóng bên chồng, Hương đồng nội, Ra giêng anh cưới em, Sui gia khắc khẩu…) - chia sẻ: “Phim điện ảnh chỉ dài tầm 90 phút nên đầu tư tiếng cười dễ hơn phim truyền hình. Thời lượng phim truyền hình thường từ 30-45 phút mỗi tập, bằng 1/2, 1/3 phim điện ảnh, mà số tập kéo dài tận 30-40 tập thì rất khó tạo ra tiếng cười dài hơi. Cho nên chủ yếu là cố gắng đan xen những mảng miếng, tình huống vui tươi để thay đổi không khí phim. Nếu gặp đạo diễn cũng có tính hóm hỉnh thì càng giúp phim duyên hơn. Việc chọn diễn viên cũng quan trọng, vì kịch bản có tình huống gây cười, nhưng người diễn thể hiện không ra thì khán giả cũng khó mà cười được. Vì vậy những phim “nồng độ” hài cao thường phải mời diễn viên hài đóng”. 

Phim Sui gia khắc khẩu

Không thể phủ nhận, phim truyền hình đang ngày càng hấp dẫn người xem, đề tài gần gũi, cách xây dựng tâm lý nhân vật cũng có nhiều tiến bộ, không còn một màu như trước. Các nhà làm phim thi thoảng cũng cố gắng gia giảm chất bi của phim bằng một số nhân vật gây cười, và tiếng cười cũng chủ yếu trông chờ vào tài pha trò của diễn viên chứ không hẳn do tình huống hay tính cách nhân vật, nhưng khán giả vẫn cảm thấy quá ít, không thấm vào đâu so với thời lượng dài năm bảy chục có khi cả trăm tập phim.

Tất nhiên không thể đòi hỏi một bộ phim hài cười từ đầu đến cuối, nhưng chí ít các nhà làm phim cũng đừng bỏ quên tiếng cười. Vì thật nghịch lý khi xem phim là để giải trí, nhưng phim nào cũng để lại không khí nặng nề do đạo diễn, biên kịch thích đẩy bi kịch đến tận cùng. 

Theo Hương Nhu/PNO