Thứ tư, 20/10/2021, 11h27

Kỷ niệm ngày PNVN 20/10: Khi điện ảnh mang gương mặt phụ nữ

Hai nữ đạo diễn Việt Nam vừa dự Liên hoan phim (LHP) Busan 2021 tạo được dấu ấn nhất định. Ðiện ảnh Việt có thêm gương mặt nữ ghi dấu ấn ở địa hạt điện ảnh vốn hà khắc với phái nữ.
Bùi Kim Quy và Nguyễn Phan Linh Ðan - hai nữ đạo diễn thi tài ở LHP Busan 2021
Bùi Kim Quy và Nguyễn Phan Linh Ðan - hai nữ đạo diễn thi tài ở LHP Busan 2021

Tiếng vọng từ Busan

Tin vui cho giới làm phim Việt Nam đến từ dự án phim If wood cry, it would cry blood (Nếu gỗ có thể khóc, gỗ sẽ khóc ra máu). Phim được chuyển thể từ tiểu thuyết Tấm ván phóng dao của Mạc Can. Nữ đạo diễn trẻ Nguyễn Phan Linh Đan giành giải thưởng ở hạng mục Chợ dự án châu Á tại LHP quốc tế Busan 2021- diễn ra từ 6-15/10. Giải thưởng quốc tế ArteKino và món tiền thưởng 6 nghìn euro này là tiền đề giúp Linh Đan tiếp cận các quỹ điện ảnh thế giới và khu vực để hoàn thành bộ phim.

Nguyễn Phan Linh Đan mang tới làn gió tươi mới cho làng điện ảnh Việt. Năm 2020, cô được biết tới là một nữ giám đốc hình ảnh (D.O.P) hiếm hoi của Việt Nam với phim Bí mật của gió. Đan chính là con gái của đạo diễn Cánh đồng bất tận (Nguyễn Phan Quang Bình). Cô từng theo học trường ĐH New York - Tisch School of the Arts - trường điện ảnh hàng đầu ở Mỹ, đồng thời cũng có những bước tập dượt chất lượng như: Giải Cánh Diều vàng cho Vô diện (Nguyễn Phan Thảo Đan đạo diễn, Linh Đan đồng biên kịch), quay một số phim ngắn dự các LHP quốc tế như Busan, Tribeca.

Miền ký ức của nữ đạo diễn Bùi Kim Quy là 1 trong 11 phim tranh giải chính thức ở hạng mục New Currents (tác phẩm có cách kể chuyện mới) tại LHP Busan 2021. Dẫu không thắng giải nhưng Miền ký ức lại được giới phê bình quốc tế ở Busan khen ngợi. Nó được cho là bài thơ đẹp về cái chết, còn đạo diễn là người có cách kể và nghệ thuật kể chuyện độc đáo. Bùi Kim Quy sử dụng một chuỗi câu chuyện liên quan đến nhau để khám phá thái độ của con người về cái chết. Tờ Screendaily đánh giá Bùi Kim Quy thành công khi phản ánh một số vấn đề trong xã hội đương đại như địa vị của phụ nữ, sự tương phản giữa không gian thanh bình của vùng nông thôn và thành phố nhộn nhịp.

Khi điện ảnh mang gương mặt phụ nữ ảnh 1

“Miền ký ức” của Bùi Kim Quy được khen ngợi ở LHP Busan

Từng khiến một số thành viên hội đồng thẩm định phim quốc gia nức nở trước khi cấp phép, Miền ký ức không chỉ được khán giả đón nhận ở Busan mà còn được một số LHP quốc tế có uy tín ở châu Âu đánh tiếng. Theo nguồn tin của Tiền Phong, trong số các liên hoan ấy có LHP Berlin. Trước khi hẹn khán giả trong nước, Miền ký ức chắc chắn sẽ ra mắt khán giả châu Âu. Thành công này của đạo diễn sinh năm 1983 được tích lũy từ trải nghiệm trước đó như giải nhất Liên hoan phim ngắn toàn quốc năm 2003 cho Cái đệm, Khung trời ảo vọng (giải khuyến khích LHP ngắn toàn quốc 2007) và kể cả công việc giảng viên điện ảnh nữa.

Khi điện ảnh mang gương mặt phụ nữ ảnh 2

Ðạo diễn Ðặng Thái Huyền - nữ đạo diễn 8X ưa thích đề tài hậu chiến qua góc nhìn phụ nữ

Chục năm trở lại đây, cộng đồng làm điện ảnh trong nước xuất hiện thêm nhiều gương mặt như Trương Ngọc Ánh, Hồng Ánh, Đặng Thái Huyền, Ngô Thanh Vân, Nguyễn Hoàng Điệp, Luk Vân... Mỗi người một phong cách góp thêm tiếng nói, khiến hàng ngũ các nữ đạo diễn dần củng cố vị thế. Tuy nhiên đối với phái yếu đứng sau máy quay thì nỗ lực của họ cũng không dễ được công nhận. Nữ đạo diễn gốc Trung Quốc vừa thắng giải Oscar 2021 là một trong số những phụ nữ hiếm hoi giành được giải thưởng này. Kinh đô điện ảnh thế giới vẫn hiện hữu sự bất bình đẳng về giới như vậy. Tình thế không mấy khác biệt ở các LHP quốc tế khác như Cannes, Berlin hay Venice.

“Đấy là một thực tế. Nghề làm phim rất cực và đòi hỏi sự dấn thân, hi sinh quá nhiều với đời sống cá nhân. Một đạo diễn nam có thể xa nhà vài tháng để làm phim là bình thường nhưng với đạo diễn nữ lại không đơn giản, nhất là khi họ vướng bận gia đình. Làm việc giữa một tập thể đa phần là đàn ông cũng không phải là việc ai cũng làm được… Thế nên, sự thiếu hụt các đạo diễn nữ thành công trong nghề, đôi khi lại chính do người trong cuộc quyết định. Phần lớn các đạo diễn nữ chọn dừng chân sớm để tìm một hướng đi thích hợp cho cuộc đời”, chuyên gia truyền thông Nguyễn Phong Việt nhận định.

Người trong cuộc như Đặng Thái Huyền nói: “Tôi luôn nghĩ khi dấn thân vào bất kỳ công việc nào, đừng quá lo lắng mình là phụ nữ, mình sẽ thiệt thòi hơn nam giới. Khi nghĩ thế là ta tự đặt ra rào cản cho chính mình. Hãy làm hết sức, nỗ lực hết sức và không ân hận khi nhìn lại những việc đã làm. Đó là mục đích và tiêu chí trong cuộc sống và công việc của tôi”. Bùi Kim Quy may mắn được cả đoàn phim tôn trọng, ủng hộ nên chưa bao giờ thấy bất lợi. “Nữ hay nam đạo diễn đều có lợi thế, thiệt thòi như nhau thôi. Phụ nữ có vẻ bận rộn hơn, ví như khi có gia đình, con cái thì bị phân tán thời gian hơn đàn ông, nhưng đó không phải là lí do để ăn vạ khi làm phim”, chị nói.

Làm phim không phải để “đánh giải”

“Tôi đồng tình với quan điểm những giải thưởng và giám khảo chưa bao giờ là đại diện cho cả nền điện ảnh thế giới. Giải thưởng chỉ đại diện cho một liên hoan phim. Phim thắng giải còn phải hội tụ nhiều yếu tố khác nhau như tiêu chí liên hoan, hệ thống sản xuất, sở thích của giám khảo... Tôi không làm phim cho giải thưởng hay cho giám khảo. Tôi lựa chọn làm phim vì tình yêu thuần khiết đối với điện ảnh, và chưa bao giờ bị ảnh hưởng bởi những điều nêu trên.

Bộ phim Miền ký ức được khán giả đánh giá rất tốt khi chiếu ra mắt tại Busan. Mỗi bộ phim sẽ có đối tượng khán giả khác nhau, và đánh giá của mỗi đối tượng khán giả chính là sự ghi nhận quý giá nhất, tốt nhất cho mỗi bộ phim”, đạo diễn Bùi Kim Quy nói.

Nếu xét tỉ mỉ trên mọi phương diện, rõ ràng sức khỏe của nữ đạo diễn không tốt bằng nam. Phụ nữ làm phim ngược lại cũng có không ít lợi thế: sự tỉ mỉ, kiên nhẫn, tinh tế và uyển chuyển hơn trong công việc. Họ hay để ý đến chi tiết và khai thác triệt để các chi tiết nhỏ. “Đôi khi dùng cái nhỏ, cái tiểu tiết để nói về những vấn đề lớn cũng là một cách không tồi mà ta thường thấy ở phim của các nữ đạo diễn - hay ít nhất là trong phim tôi thực hiện”, Đặng Thái Huyền nói.

Với một số phim đề tài hậu chiến như Mười ba bến nước, Người trở về, Nơi ta không thuộc về ghi tên chị vào số đạo diễn trẻ có dấu ấn với dòng phim đề tài chiến tranh. Còn “đả nữ” Ngô Thanh Vân đã trưởng thành nhanh chóng khi chuyển vai từ diễn viên sang vai trò đạo diễn: Tấm Cám: Chuyện chưa kể, Thanh Sói. Xen giữa hai phim điện ảnh này, Ngô Thanh Vân sản xuất nhiều dự án điện ảnh gây chú ý khác như Hai Phượng, Cô Ba Sài Gòn, Trạng Tí phiêu lưu ký. Những Hồng Ánh, Nguyễn Hoàng Điệp tạo lập lối đi riêng trên con đường phim nghệ thuật, ít nhiều có chỗ đứng.

Không hiếm nam đạo diễn nghĩ mình đang ở “chiếu trên”, nhưng tiếng nói nữ tính mỗi ngày thêm mạnh mẽ. Không kể tới Bùi Kim Quy, Hồng Ánh, Nguyễn Hoàng Điệp... chinh chiến giải thưởng quốc tế, thì nhiều nữ đồng nghiệp của họ nối gót nhau phất cao ngọn cờ. Diện mạo điện ảnh Việt dần rõ nét hơn trong cuộc chơi hội nhập quốc tế, chắc chắn có sự gắng sức không nhỏ từ những tiếng nói nữ tính và đầy cá tính này.

Theo Nguyên Khánh/TPO