Chủ nhật, 17/1/2021, 12h07

Nhiều đề tài ấn tượng tại chung kết Khoa học kỹ thuật cấp TP

Sáng 16-1, tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức vòng Chung kết Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học năm học 2020-2021. Vòng Chung kết có sự tranh tài của 50 đề tài xuất sắc nhất đến từ các đơn vị trường trung học trên địa bàn TP, được “sàng lọc” từ 863 đề tài ở Vòng sơ loại.


Nhiều đề tài của học sinh THCS gây “ấn tượng” với ban giám khảo

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định, các đề tài góp mặt tại vòng chung kết đa phần đều rất thiết thực, cho thấy tính hiệu quả của việc đổi mới phương pháp tổ chức hoạt động giảng dạy, đổi mới hình thức và phương pháp đánh giá kết quả học tập, nâng cao chất lượng dạy học và phong trào nghiên cứu khoa học trong các nhà trường trong thời gian qua. “Dù có thể, nhiều đề tài của các em chưa áp dụng triển khai ngay vào thực tiễn nhưng đã định hướng nghiên cứu vì cộng đồng, là cơ hội để học sinh gắn kết với môi trường xã hội như doanh nghiệp, viện nghiên cứu, địa phương…, tạo ra những sản phẩm sáng tạo giúp ích xã hội”.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM cũng bày tỏ mong muốn thời gian tới các viện nghiên cứu, trường ĐH sẽ có sự gắn kết hơn nữa với các trường phổ thông để phong trào nghiên cứu khoa học được lan toả, khơi gợi niềm đam mê, ý thức khoa học cho học sinh TP…

Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật dành cho học sinh trung học là sân chơi học thuật, khoa học thường niên được Sở GD-ĐT TP.HCM thực hiện trong nhiều năm nay. Không chỉ để lựa chọn ra những đề tài xuất sắc dự thi cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp quốc gia mà c uộc thi nhằm kích thích sự sáng tạo trong học sinh, phát triển năng lực tự học, giúp học sinh bước đầu làm quen với nghiên cứu khoa học, rèn năng lực vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết các vấn đề của thực tiễn cuộc sống. Sau nhiều năm tổ chức, hiện nay cuộc thi đã trở thành một sân chơi khoa học uy tín, ngày càng thu hút học sinh ở các trường trung học trên địa bàn TP.HCM tham gia. Năm nay, cuộc thi phát triển cả về số lượng đơn vị, học sinh tham gia và chất lượng các đề tài. Tại vòng sơ loại, cuộc thi có tổng cộng 863 đề tài trong đó có 395 đề tài bậc THCS, 485 đề tài bậc THPT, 4 đề tài của đơn vị Trung tâm GDNN-GDTX với tổng số gần 1.600 học sinh dự thi. Vòng chung kết có sự tranh tài của 50 đề tài xuất sắc nhất đến từ 27 trường THCS, THPT trên địa bàn TP.

Với đề tài “Giải pháp phát triển trí tuệ cảm xúc cho trẻ mầm non thông qua sự thay đổi hành vi bằng practical game và lost bunny game”, nhóm hai học sinh lớp 11A1, Trường THPT Trần Văn Giàu (Q.Bình Thạnh) là Huỳnh Anh Thy và Lê Thị Quỳnh Anh đã xây dựng một chương trình giáo dục rèn luyện có sự gắn kết giữa gia đình và nhà trường thông qua các chuỗi hoạt động và “game” tự thiết kế. Đề tài đã được ứng dụng thực nghiệm tại Trường Mầm non Tuệ Đức (Q.Bình Thạnh) và nhận được nhiều tín hiệu tích cực, hướng tới trang bị cho trẻ mầm non tự nhận thức được các cảm xúc của bản thân qua việc trải nghiệm. Đặc biệt, với tính ứng dụng cao, đề tài còn tác động đến nhận thức của phụ huynh trong việc đồng hành cùng trẻ, nhận biết và hiểu hơn về cảm xúc của trẻ, từ đó giúp trẻ hình thành nhân cách…


Tính ứng dụng thực tiễn của các đề tài năm nay rất lớn

Trong khi đó, đề tài “Thực trạng và giải pháp cho vấn đề tính nam độc hại- toxi masculinity của học sinh trường THCS”, nhóm học sinh lớp 9, Trường THCS Kiến Thiết (Q.3) khẳng định, “tính nam độc hại”- tức là quan điểm “con trai phải thế này phải thế kia, không được thế này không được thế kia” là một trong những nguyên nhân rất sâu xa của bạo lực học đường trong nhà trường, hình thành tính đua đòi tiêu cực dẫn đến việc hút thuốc lá điện tử của học sinh. Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu trên 754 học sinh trong trường, cho thấy chỉ có 213 bạn là có những kiến thức cơ bản về tính nam độc hại, 541 bạn thiếu kiến thức cơ bản về tính nam độc hại. Cứ khoảng 2 học sinh thì có 1 học sinh chịu ảnh hưởng của tính nam độc hại, có thể thấy tính nam độc hại xuất hiện khá phổ biến trong trường học và đây thực sự là vấn đề đáng báo động. Từ khảo sát đó, nhóm nghiên cứu đề ra giải pháp xây dựng văn hoá trường học, trang bị cho học sinh tình yêu thương, xây dựng mô hình “nhà tư vấn học đường nhỏ tuổi”, tăng cường tuyên truyền…

“Đề tài của nhóm mong muốn hình thành được những kiến thức cơ bản về tính nam độc hại cho học sinh bậc THCS, giúp các bạn nhận thức rõ hơn về tác động to lớn của tính nam độc hại vào cuộc sống, nhất là trong môi trường học đường. Đặc biệt là tác động đến nhận thức của xã hội, thay đổi quan điểm của người lớn…”, Hoàng Khải (lớp 9/4, Trường THCS Kiến Thiết, Q.3)- thành viên đề tài chia sẻ.

Từ 50 đề tài ở vòng chung kết, hội đồng giám khảo sẽ tuyển chọn ra 6 đề tài tham gia cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp quốc gia năm học 2020-2021 do Bộ GD-ĐT tổ chức tại Huế và tháng 3-2021.

Bài, ảnh: Yến Hoa