Thứ bảy, 5/7/2008, 10h48

Nhiêu khê thủ tục đầu tư xây dựng

Được xây dựng, nhiều công trình phải trải qua thủ tục nhiêu khêNgày 27-6, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đã chủ trì cuộc hội thảo lấy ý kiến với các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM và một số tỉnh phía Nam nhằm cải tiến quy trình thủ tục đầu tư trong lĩnh vực xây dựng… vốn rất nhiêu khê hiện nay.

Nhiều dự án kéo dài 6, 7 năm vì… thủ tục

Ông Chu Văn Chung, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Xây dựng), cho biết qua khảo sát chín dự án được triển khai đầu tư xây dựng tại Hà Nội, TP.HCM và Hà Tây cho thấy mỗi dự án phải trải qua 33 thủ tục và mất trung bình khoảng ba năm, thậm chí có dự án kéo dài đến sáu, bảy năm mới hoàn thành xong phần thủ tục. Đây là điều không thể chấp nhận được đối với các doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường luôn biến động, nếu dự án càng kéo dài sẽ càng bất lợi. Điều đáng nói là ngoài những thủ tục được quy định bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền, thì cũng có những thủ tục do cán bộ công chức thụ lý hồ sơ tự “đẻ” ra. Có những quy định, doanh nghiệp mặc nhiên được quyền thông tin nhưng địa phương lại buộc doanh nghiệp phải bỏ tiền mua thông tin đó. Ví dụ Hà Nội bắt doanh nghiệp mua thông tin quy hoạch là một điển hình. Thậm chí Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân còn nói “người ta cho rằng, muốn xây cao thì xin xây thấp, còn muốn xây thấp thì xin xây cao”.

Qua khảo sát thực tế từ 33 thủ tục đang được áp dụng, Bộ Xây dựng đề xuất bỏ một số thủ tục như xác nhận ranh giới đất không có tranh chấp, khiếu kiện (đối với trường hợp chủ đầu tư đã có đất); thỏa thuận của địa phương (nơi có đất) về địa điểm của dự án; chấp thuận đề cương nhiệm vụ đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500; chấp thuận ranh giới ô đất lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 và lập dự án tại địa phương có đất… Nhập một số thủ tục lại với nhau để còn 8 thủ tục chính thức cho một dự án và trong vòng một năm có thể hoàn thành khâu thủ tục để khởi công xây dựng. Tám thủ tục gồm: 2 thủ tục cung cấp thông tin về quy hoạch; và 6 thủ tục thẩm định, quy hoạch chi tiết xây dựng giao đất, cho thuê đất; bồi thường, giải phóng mặt bằng; thiết kế, khởi công động thổ.

Doanh nghiệp còn băn khoăn

Hầu hết các doanh nghiệp rất hoan nghênh những cải tiến của Bộ Xây dựng. Tuy nhiên không ít ý kiến còn băn khoăn xung quanh các thủ tục này. Giám đốc Công ty Nam Khang đề xuất nên bổ sung quy trình giám sát sau khởi công của dự án để tránh tình trạng chủ đầu tư làm không đến nơi đến chốn. Ông Lê Chí Hiếu, Tổng giám đốc CTCP phát triển Nhà Thủ Đức, cho biết một trong 8 bước còn lại buộc tất cả các dự án phải thực hiện lập quy hoạch chi tiết 1/2.000 và 1/500 là chưa hợp lý, vì có những dự án quy mô nhỏ có thể lập quy hoạch chi tiết 1/200 nhưng có những dự án quy mô quá lớn mà lập chi tiết 1/500 thì không phù hợp. Nên căn cứ vào quy mô của từng dự án để quy định có nên lập quy hoạch chi tiết hay không hay chỉ giao chỉ tiêu quy hoạch. Ông Nguyễn Văn Đực, phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, cho rằng hiện nay lĩnh vực bất động sản có tới bốn bộ, ngành cùng tham gia “quản” đó là Bộ Xây dựng, Bộ TN-MT, Bộ Tài chính và Ngân hàng. Do đó đề nghị cần có sự thống nhất về một đầu mối để thủ tục đơn giản hơn. Ông Đặng Hoàng Vũ, Giám đốc Công ty Địa ốc Thanh Bình, tỏ ra nghi ngờ tính khả thi của 8 bước thủ tục nói trên do thiếu “cơ chế tự động hóa”. Theo ông Vũ, “cơ chế tự động hóa” đó chính là cơ chế quy định trách nhiệm, thời gian cụ thể cho từng cán bộ thụ lý hồ sơ; công đoạn giải quyết hồ sơ. Ví dụ tại khâu cung cấp thông tin quy hoạch quy định 5 ngày cán bộ thụ lý phải cung cấp cho doanh nghiệp nhưng quá thời hạn trên thì cán bộ đó phải chịu trách nhiệm. Nhiều ý kiến, cho rằng dù cơ chế có hoàn thiện đến mấy nhưng thiếu cơ chế giám sát, trách nhiệm thiếu rõ ràng cũng như không.

Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, đặt vấn đề nhiêu khê trong thủ tục xây dựng nói rất nhiều tại các hội thảo nhưng tại sao vẫn không thay đổi được? Theo ông Tín muốn làm được phải đột phá vào hai lĩnh vực chủ yếu là chính sách và con người. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân, cho rằng Chính phủ biết rất rõ thực trạng thủ tục hành chính hiện nay. Việc Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng tổ chức lấy ý kiến để cải tiến thủ tục trong lĩnh vực này đã cho thấy quyết tâm của Chính phủ. Qua những đóng góp ý kiến của doanh nghiệp, các địa phương Bộ sẽ sớm hoàn thành quy chế để ban hành trong thời gian sớm nhất nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Đỗ Minh Khâm