Thứ tư, 28/9/2022, 14h29

Nhớ thầy giáo tài năng - đức độ Nguyễn Ngọc Ký

Sau một thời gian dài kiên cường chống chọi với bệnh tật, ngày 28-9-2022 Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký - một tấm gương về nghị lực vượt qua hoàn cảnh số phận từ lúc là cậu học trò viết chữ bằng đôi chân để trở thành nhà giáo, nhà sư phạm mẫu mực - đã qua đời hưởng thọ 76 tuổi trong niềm thương tiếc của nhiều thế hệ.

Tấm gương sáng về nghị lực học tập

Từ khi biết đọc chữ, tôi đã cảm kích với câu chuyện cậu bé Nguyễn Ngọc Ký dù bị liệt cả 2 tay mà vẫn đam mê đến trường trong sách Tập đọc lớp 3 của người chị. Trong ký ức của mình, đó là câu chuyện vẽ nên niềm khát khao đến cháy bỏng của một đứa trẻ tật nguyền do cơn sốt bại liệt nặng để lại di chứng chỉ ước ao được ngồi học chung bàn với các bạn cùng trang lứa. Cho đến khi vào học cấp 2, cùng với tấm gương Hoa Xuân Tứ ở Nghệ An quê tôi, khi được đọc cuốn sách tự truyện Những năm tháng không quên (sau này đổi thành Tôi đi học) của anh sinh viên Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội Nguyễn Ngọc Ký thì lứa tuổi học sinh chúng tôi thời bấy giờ càng cảm phục hơn ý chí và nghị lực của một con người không bao giờ chịu đầu hàng số phận. Tôi vẫn nhớ rõ tấm hình ông vinh dự được Bác Hồ trao Huy hiệu Hồ Chí Minh in trong cuốn sách bên cạnh nét chữ viết bằng chân để tặng bạn đọc.

Dù rẽ sang nghề dạy học, nhưng bút lực sáng tác của NGƯT Nguyễn Ngọc Ký không hề bị mài mòn. Từ bệ phóng tự truyện Những năm tháng không quên, nhiều tác phẩm mang màu sắc tự truyện của thầy giáo dạy văn Nguyễn Ngọc Ký ra đời như Hồi ký Tôi đi học, Tôi học đại học, Những tâm hồn trẻ thơ, Tôi dạy học, Tâm huyết trao đời... Sáng tác của ông đã trở thành những câu chuyện đời xúc động về một hoàn cảnh nghiệt ngã của con người trẻ tuổi nhưng vượt lên trên đó là bài học về tinh thần không ngại khó, ý chí không đầu hàng với số phận để vươn tới đỉnh vinh quang. Có thể coi bục giảng của nhà giáo đầu tiên viết bằng chân là chất liệu quý hiếm để ông trải lòng mình về những gian truân ngập tràn mồ hôi công sức để gieo chữ cho thế hệ tương lai.

Không chỉ cảm phục tấm gương Nguyễn Ngọc Ký qua trang sách, bạn đọc trong cả nước vẫn hàng tuần mong ngóng từng bài viết của ông đăng trên các tờ báo như Người giáo viên nhân dân, Tuổi Trẻ, Nhân Dân, Sài Gòn Giải Phóng với tư cách là một cộng tác viên. Khi cầm trang báo ít ai ngờ rằng tác giả là một thầy giáo gầy gò ốm yếu phải nằm ngồi đánh vật với từng con chữ, câu thơ qua cây bút kẹp giữa mấy ngón chân đôi khi tưởng như bật máu. Rồi sau này là những phím gõ trên máy vi tính bằng 2 mẩu bút chì cột chặt vào từng ngón chân có lúc co quắp bởi chuột rút, căng cơ vì lao động cật lực.

Có thể nói cộng tác viên Nguyễn Ngọc Ký là người có duyên và tác giả tích cực nhất đối với báo Giáo dục và Sáng tạo mà sau này đổi thành Giáo Dục TP.HCM. Ông viết bài đều đều, có khi tòa soạn đặt bài trước những cũng có khi chỉ vì trách nhiệm công dân dù nhuận bút không cao. Qua mỗi bài viết, ông muốn gửi gắm những tâm tư và cả kinh nghiệm nghề của một thế hệ đi trước trong công tác giáo dưỡng và giáo dục. Đó là thời gian sau khi ông chuyển vào TP.HCM sinh sống và làm việc tại Phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp. Khoảng cách địa lý như đã có phép màu làm cho không gian sáng tác của ông được mở rộng thêm.

Khi công tác ở Báo Giáo Dục TP.HCM, tôi là người liên hệ đặt bài nhiều nhất với NGƯT Nguyễn Ngọc Ký cũng là hội viên Hội Nhà văn TP. HCM và Hội nhà văn Việt Nam. Ông làm việc khoa học, luôn đúng hẹn và không muốn phiền ai. Bài viết của ông hầu như không phải chỉnh sửa và biên tập nhiều. Trang báo mỗi tuần như được định danh uy tín với cái tên tác giả quá quen thuộc và rất đáng ngưỡng mộ với bạn đọc trong cả nước. Còn nhớ năm 2010, tôi cho ra tập thơ thiếu nhi thứ 2 Sóc nhỏ đến trường, ông đã giành thời gian đọc bản thảo và nhận lời ngay viết lời giới thiệu. Nhân cách và đạo đức của một nhà thơ - nhà giáo tỏa sáng trong từng câu chuyện nhỏ giữa đời thường.  

Ấn tượng hơn là những dịp tôi được về các trường tiểu học trong các quận huyện để được nghe ông nói chuyện và giới thiệu sách. Ông cũng được mời đi giao lưu, giáo dục lẽ sống và bồi dưỡng lòng ham học để truyền lửa cho nhiều thế hệ trẻ trong cả nước. Năm 2005, Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam đã tặng ông danh hiệu: "Người thầy đầu tiên của Việt Nam dùng chân để viết”. Cuộc đời và quá trình luyện viết của ông đã vào những trang sách giáo khoa. Sau này, mặc dù phải đương đầu chống chọi với bệnh suy thận, tuần 3 lần phải chạy thận nhân tạo, song với nghị lực và quyết tâm phi thường, ông vẫn miệt mài đi giao lưu với học sinh, vừa tiếp khách tư vấn tâm lí qua Tổng đài 1088 tại TP.HCM để tiếp thêm nguồn cảm hứng sống yêu thương.

Một nhà sư phạm đạo đức và tài năng

Không chỉ quan tâm tới đồng nghiệp, ông còn đặc biệt chú ý đến độc giả nhí vì thế sau này ông viết rất nhiều thơ cho thiếu nhi mà tiêu biểu là các tập thơ mang tên Đố em. Vận dụng câu đố dân gian, kiến thức hiện đại và đặc biệt là kỹ thuật thể loại câu đố, ông đã sáng tác ra hàng trăm câu đố mang những khuôn mặt mới lạ và thích thú để kích thích óc phán đoán của trẻ. Chỉ có con người giàu tâm hồn văn chương và đầy tình thương yêu trẻ mới cho ra đời được những vần thơ đắc địa như thế. Đó cũng là 1 trong những lý do năm 2013, nhân dịp Nick Vujicic đến Việt Nam, ông là một trong 24 tấm gương "Hạt giống tâm hồn" của Việt Nam được vinh danh ở Trung tâm Hội nghị White Palace (TP.HCM). Nhiều em học sinh nay dù đã lớn nhưng vẫn còn giữ từng kỷ niệm đẹp khi Thầy Ký đến trường khoe tài như cắt giấy thủ công hình con bươm bướm bằng chân, xếp máy bay bằng giấy, thi kể chuyện về Thầy Ký được giải cao... Không em nào quên câu chuyện Bàn chân kỳ diệu in trong sách giáo khoa.

Nhà báo Vũ Lương - một học trò cũ của thầy giáo Ký - đã tâm sự, thầy Nguyễn Ngọc Ký không chỉ là một giáo viên mà còn là người bạn với các thế hệ học trò. Giờ ra chơi, thầy cùng đá cầu đá bóng với học sinh để kéo gần khoảng cách còn lại. Có em còn giữ được tờ thời khóa biểu do thầy tự kẻ nắn nót từng dòng để tặng các em. Trong con mắt các trò, thầy còn là người cha ân cần, vì ngày nghỉ các em lại đến nhà thầy để được nghe đọc thơ, kể chuyện đời mình rồi dạy các em những bài học về nhân sinh mà không cần phấn bảng. Là giáo viên bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi Trường Năng khiếu Hải Hậu (Ninh Bình) thầy thường sống “3 cùng” với các em nên hiểu rõ tính nết từng đứa con mà không phải mình sinh ra, dạy cho các con cách đối nhân xử thế, cách làm người tốt.


NG
ƯNguyễn Ngọc Ký, sinh năm 1947 tại huyện Hải Hậu, Nam Định. Năm lên 4 tuổi cậu bé Ký bị bệnh và liệt cả hai tay, nhưng vẫn cố gắng rèn luyện đôi chân thay cho bàn tay và trở thành nhà giáo ưu tú năm 1992. Năm 1963, ông được tỉnh Hà Nam Ninh (nay là Nam Định) cử đi dự kỳ thi học sinh giỏi toán toàn quốc, đạt hạng 5. Từ năm 1966 đến 1970, ông học Ngữ văn tại Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, ông trở về quê làm giáo viên. Năm 1994 ông chuyển vào TP.HCM làm việc cho đến khi mất.

Thế nhưng trước hết NGƯT Nguyễn Ngọc Ký là một nhà sư phạm giỏi. Ông Vũ Lương nhận xét, dù giờ dạy không có phấn trắng bảng đen nhưng nhưng cách truyền đạt của thầy luôn rành mạch nhưng cũng uyển chuyển và dịu dàng. Ở thầy là cả một kho kiến thức. Thầy yêu sách, đọc rất nhiều và truyền niềm say mê đó sang cho cả lớp học trò chúng tôi: “Thầy luôn khuyến khích chúng tôi đọc sách và chia sẻ. Thầy không chỉ là thầy giáo giảng dạy văn học mà còn là một nhà sư phạm toán. Khi còn dạy chúng tôi, lúc nào trong xắc-cốt của thầy cũng có com-pa, bút chì và thước kẻ để sẵn sàng khi học trò nhờ thầy giảng về các bài toán. Chúng tôi thường hay nói vui với thầy: Bởi thầy thương học trò chuyên văn kém toán nên phải đa mang…”.

Gen nhà sư phạm giỏi của ông như đã truyền sang những đứa con trong đó có cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Ánh nay là hiệu trường Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, Q.Gò Vấp. Tiếp xúc với cô giáo Ánh, chúng ta như thấy bóng hình rất đẹp của người cha đức độ, tài giỏi và giàu nghị lực - NGƯT Nguyễn Ngọc Ký. Xin thắp một nén hương thơm cháy đỏ giữa những trang viết đầy yêu thương để kính viếng hương hồn ông!

Phan Ngọc Quang