Thứ ba, 1/9/2020, 20h12

Những bài học giáo dục khi xem hồi ký NSND Lệ Thủy!


NSND Lệ Thủy và con trai Dương Đình Trí  trong hi ký “Một kiếp cầm ca sinh ra để hát”

Đối với riêng bản thân tôi, hồi ký bằng hình của NSND Lệ Thủy “Một kiếp cầm ca sinh ra để hát” là một chương trình rất đáng xem, tôi cực kỳ yêu thích, 18 tập đã đi qua và tôi không bỏ sót một tập nào! Đây không phải là một chương trình được đầu tư sân khấu hoành tráng, lung linh mà là một chương trình rất mộc mạc, chân tình đúng với bản chất con người của NSND Lệ Thủy. Hơn thế nữa, chương trình đã giúp cho khán giả trở lại với một trời tuổi thơ của mình, được gặp lại những tài danh của sân khấu cải lương cùng những tư liệu vô cùng quý báu…!

Với những nghệ sĩ trẻ, xem hồi ký bằng hình của NSND Lệ Thủy, bài học đầu tiên được học đó là sự trung thực, không chối bỏ quá khứ cơ hàn!

Nhiều nghệ sĩ trẻ khi đã thành danh không dám nhắc lại thuở cơ hàn của bản thân, của cha mẹ, của dòng họ… Nhưng với NSND Lệ Thủy và tất cả những khách mời là nghệ sĩ tài danh trong chương trình, họ  đều rất vui vẻ kể lại quá khứ cơ hàn của mình. Có cơ hàn thì mới có hiển vinh, điều đó rất đáng tự hào không có gì phải chối bỏ.

Thứ hai, nhiều nghệ sĩ trẻ khi nghe nhận xét sao phong cách và giọng hát giống Lệ Thủy, Thanh Kim Huệ, Thanh Tuấn, Minh Vương, Minh Cảnh, Chí Tâm, Trọng Hữu… đã lắc đầu phủ nhận. Trong khi đó, NSND Lệ Thủy đã thú nhận lúc mới đi hát, giọng ca nét diễn của mình y khuôn thần tượng là nghệ sĩ Thanh Hương; NSƯT Thanh Kim Huệ cho biết thuở mới vào nghề đã bắt chước y chang giọng hát của hai thần tượng là NSND Lệ Thủy và NSƯT Mỹ Châu; NSƯT Tô Kim Hồng, Bích Hạnh cũng “khai” là mình từng bị ảnh hưởng rất lớn từ giọng ca nét diễn của NSND Lệ Thủy…

Đam mê và giống thần tượng của mình đâu có gì phải xấu hổ, phải chối bỏ… Quan trọng là sau đó, mình phải tự nghĩ ra những nét riêng, những thế mạnh riêng cho bản thân mình để bừng sáng và trở thành “thương hiệu” cá nhân chứ đừng nên lấy sự rập khuôn ấy mà hành nghề, đó mới là điều không nên trong nghệ thuật…

Nhiều nghệ sĩ trẻ khi đã trở thành đào chánh, kép chánh thì mắc “bệnh ngôi sao”, không chấp nhận khi đạo diễn mời vào vai phụ, vai thứ… Nhưng Lệ Thủy, Bạch Tuyết, Mỹ Châu, Phượng Liên, Thanh Kim Huệ, Thanh Tuấn, Minh Vương, Minh Cảnh, Minh Phụng, Thanh Sang, Chí Tâm, Thanh Điền, Tô Kim Hồng… thì không. Dù đã đào chánh, kép chánh nổi danh, họ không hề câu nệ vai chính hay vai phụ… Vở này họ sẽ vào vai chính, nhưng vở khác họ sẽ vào những vai rất phụ… Nhưng bằng chính tài năng của mình, họ sẽ “biến” những vai phụ ấy trở thành của riêng mình khiến khán giả phải nhớ, phải yêu… Một bài học quá lớn không hề có trong sách vở nào!

Nhiều nghệ sĩ trẻ khi đã trở thành đào chánh, kép chánh thì thường có tình trạng “không chấp nhận diễn với cô đào/anh kép trẻ, chưa có nhiều tên tuổi… Nhưng Lệ Thủy và nhiều nghệ sĩ tài danh thì không… Họ chấp nhận “se duyên” với tất cả các cô đào/anh kép trẻ để dìu dắt bạn diễn cùng đi lên… Sau này nổi lên chắc chắn các cô đào/anh kép trẻ sẽ không bao giờ quên ân tình này!

Và một người không thể không nhắc đến trong chương trình này đó là Dương Đình Trí, con trai NSND Lệ Thủy. Xem chương trình, khán giả chỉ biết dùng hai chữ thán phục anh bởi từ ý tưởng đến toàn bộ những tư liệu quý báu về NSND Lệ Thủy cũng như của toàn bộ khách mời trong chương trình, một tay anh sưu tầm và gìn giữ… Xuất hiện trong hồi ký, Dương Đình Trí không phải chỉ để nghe những câu chuyện kể mà còn để “nhắc tuồng” cho chính mẹ mình và các khách mời. Bởi trong đầu của anh như có một cuốn “Tự điển sống” về nghệ thuật cải lương. NSND Lệ Thủy quả thật rất đáng tự hào khi có một “truyền nhân” nối nghiệp tuyệt vời như thế…!

Tin Giang