Thứ tư, 22/9/2010, 15h09

Những “danh hiệu” một thời vang bóng: Bài 10: “Ngôi sao điện ảnh Á Châu” Kiều Chinh

“Ngôi sao điện ảnh Á Châu” Kiều Chinh năm 1969. Ảnh: T.L

Với vẻ đẹp rất “cinema”, cộng với khả năng Anh ngữ lưu loát, Kiều Chinh là một gương mặt nổi bật của màn ảnh Sài Gòn trước và sau giải phóng được giới chuyên môn trong nước cũng như ngoài nước đánh giá rất cao. Đặc biệt, bà là nữ diễn viên Việt Nam tham gia nhiều bộ phim quốc tế nhất, đoạt nhiều giải thưởng nhất đồng thời được mệnh danh là “Ngôi sao điện ảnh Á Châu”.
Cô gái Bắc thành danh tại Sài Gòn
Kiều Chinh tên thật là Nguyễn Thị Chinh, sinh năm 1937 tại Hà Nội. Mẹ mất sớm, bà sống với bố cùng người anh trai và chị gái trong hoàn cảnh gia đình khó khăn. Năm 1945, cô nữ sinh Hà Nội từ giã những con đường hoa sữa, hàng sấu già thân yêu theo gia đình người bạn của bố di cư vào miền Nam. Đúng vào năm 18 tuổi, nhan sắc rực rỡ nhất, bà tình cờ được nhóm làm phim của đạo diễn Lê Dân phát hiện trong một buổi tiệc tại nhà hàng Continental và bắt đầu đóng bộ phim đầu tiên Hồi chuông Thiên Mụ do hãng Tân Việt sản xuất với nghệ danh là Kiều Chinh. Bộ phim này được thực hiện gần hai năm trời mới công chiếu. Vẻ đẹp của cô gái Bắc vào nhân vật là một sư nữ Như Ngọc ngay lập tức được công chúng ái mộ và đón nhận nồng nhiệt. Hàng loạt các bộ phim khác đến với bà như một giấc mơ: Mưa rừng, Ngàn năm mây bay, Chờ sáng, Chiếc bóng bên đường, Hè muộn… Đặc biệt là bộ phim Từ Sài Gòn đến Điện Biên Phủ của hãng phim Mỹ Vân diễn với Thẩm Thúy Hằng, Đoàn Châu Mậu, Lê Quỳnh… đã giúp bà đoạt giải thưởng Nữ diễn viên xuất sắc nhất năm 1969. Phong cách diễn của Kiều Chinh rất bình dị và đơn giản, bà mang vào điện ảnh những suy nghĩ, quan sát từ cuộc đời nên diễn xuất rất nhẹ nhàng, diễn như không diễn. Với vốn tiếng Anh lưu loát, đó là lợi thế của Kiều Chinh so với các bạn diễn viên nữ cùng thời khi có các đoàn làm phim nước ngoài cần tìm diễn viên cho phim của mình. Năm 1968, Kiều Chinh đóng phim Destination Việt Nam và trở thành quốc khách của Philippines, đóng phim Chuyện năm Dần (Year of the Tiger) do Mỹ sản xuất với nam tài tử nổi tiếng Marshall Thompson. Năm 1971, Kiều Chinh đến Ấn Độ để tham gia vai diễn trong bộ phim Inside out do Mỹ sản xuất, bà đã được vinh dự tiếp đón như một nàng công chúa thực sự. Kiều Chinh đóng vai công chúa Ấn Độ Kamar Souria. Bạn diễn chính với Kiều Chinh là hai nam diễn viên nổi tiếng thời bấy giờ: Rod Perry (Mỹ) và Dev Anand (Ấn Độ). Sự kiện Kiều Chinh làm công chúa Ấn đã gây nhiều sự bàn tán và phẫn nộ của công nghệ giải trí Ấn. Bởi họ có tự ái riêng khi người đóng vai công chúa không phải là diễn viên bản xứ. Năm này, bà trở thành tài tử khả ái nhất trước 400 diễn viên đại diện cho nhiều quốc gia tham gia Liên hoan điện ảnh Á Châu lần thứ 17. Vinh quang đã đưa Kiều Chinh đến với nhiều liên hoan phim quốc tế khác tại Tây Đức, Hồng Kông, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan… Năm 1973, bà đoạt giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất của Đại hội Điện ảnh Á Châu tại Đài Bắc.
Vươn lên để tồn tại nơi xứ người
Sau năm 1975, Kiều Chinh sang định cư tại Canada, bỏ tất cả những hào quang và danh vọng của một “Ngôi sao Á Châu”, bà phải vươn lên trong khó khăn để tồn tại. Kiều Chinh làm việc rất cực khổ cho một trại nuôi gà, lao động tay chân bình thường như bao người phụ nữ khác với mức lương 2 đô la Canada một giờ. Trong thời gian này, Kiều Chinh vẫn cố gắng tìm cách liên lạc với các tài tử ở Hoa Kỳ mà bà đã có dịp quen biết trước đây. Cuối cùng, bà liên lạc được với nữ tài tử Tippi Hedren và nữ tài tử này đã bảo lãnh bà sang Hoa Kỳ định cư. Tại đây, Kiều Chinh lại phải làm lại từ đầu, nhưng lần này là một sự thử thách lớn lao trước cánh cửa Hollywood đang hé mở cho bà. Khởi sự với bộ phim truyền hình nổi tiếng Mash, kế tiếp là các phim Welcome home, The letter… Năm 1993, bộ phim The Joy Luck Club của Hollywood được tung ra thị trường, lập tức được tất cả mọi giới chú ý đến. Vai Suyuan đã đưa Kiều Chinh trở thành diễn viên gốc Á duy nhất có tên trong danh sách 50 diễn viên làm khán giả rơi lệ nhiều nhất trong lịch sử điện ảnh, xếp thứ 22/50 do Entertainment Weekly số ra ngày 28-11-2003 bình chọn.
Trong bộ phim Face, Kiều Chinh đóng chung với các tài tử danh tiếng của Trung Hoa nhưng chỉ riêng bà đoạt giải thưởng Diễn xuất đặc biệt của Đại hội Điện ảnh quốc tế “Women’s Film Festival” tại Italy vào tháng 3-2003.
Năm 2005, Kiều Chinh tiếp tục nhận được giải thưởng danh giá America Heritage Award, Nhật báo OC Register đã có bài viết về sự nghiệp điện ảnh của người tài tử Mỹ gốc Việt này với sự ngưỡng mộ và khâm phục đặc biệt.
Hiện, Kiều Chinh có một cuộc sống bình yên bên cạnh ba người con và các cháu thành đạt trong một ngôi nhà gỗ thô, khiêm tốn “rất Việt Nam” được xây dựng theo kiểu cổ của đồng bằng Bắc Bộ ngay giữa thành phố Garden Grove của Mỹ (khung cửa gỗ, khu vườn nhiều loại cây nhiệt đới, những pho tượng Phật lớn và nhỏ nằm chính diện trong sân). Bà cho biết: “Mặc dù sống tha hương nhưng trong lòng tôi vẫn luôn hướng về nơi chôn nhau cắt rốn. Trong ngôi nhà thân thương của mình, tôi cho trưng bày một trống đồng lớn để nhắc nhở với con cháu mình là người Việt Nam, con cháu của Vua Hùng. Ngoài ra, tôi còn treo rất nhiều bức tranh do các họa sĩ nổi tiếng của Việt Nam đã vẽ tặng tôi như: nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Nguyễn Cung, Chóe… cùng những hình ảnh kỷ niệm cả một quãng thời gian dài tham gia điện ảnh…”. Rất nhiều lần, bà đã cùng với phái đoàn từ thiện người Mỹ trở về Việt Nam xây dựng một số trường học cho học sinh nghèo tại Hà Nội cũng như các chuyến công tác xã hội tại TP.HCM. Bên cạnh đó, bà còn xuất hiện trong nhiều hoạt động cộng đồng do các kiều bào tại Mỹ tổ chức: làm giám khảo trong các cuộc thi nghệ thuật, hoa hậu, liên hoan phim... Kiều Chinh cũng vừa phát hành tập sách dày 126 trang nhiều hình ảnh tuyệt đẹp ghi lại tiểu sử, toàn bộ hoạt động nghệ thuật của bà nhân kỷ niệm 50 năm bà bước vào nghề điện ảnh.
Lê Quang Thanh Tâm

 

Trong một chuyến về thăm quê hương gần đây, tại nhà của “Người đẹp Bình Dương” Thẩm Thúy Hằng, bà tâm sự: “Tôi rất vui vì sự phát triển vượt bậc của nền điện ảnh Việt Nam hiện nay. Lửa đam mê nghệ thuật trong tôi vẫn còn “cháy” rất cao. Tôi mong có dịp nào đó sẽ về và tham gia đóng phim tại Việt Nam - nơi đã tạo ra một Kiều Chinh như ngày hôm nay…”.