Thứ năm, 24/12/2015, 20h11

Phải cải cách hình thức sách lịch sử

Bộ GD-ĐT và Hội Khoa học lịch sử (LS) đã thống nhất bậc THPT, LS là môn học bắt buộc, không tích hợp vào môn học khác mà là một môn học độc lập. Tuy nhiên, điều quan ngại của nhiều chuyên gia là chương trình LS hiện hành không thu hút được HS.

PGS. TS Ngô Minh Oanh

Vậy vấn đề đặt ra là việc đổi mới chương trình LS như thế nào để môn học này trở nên nhẹ nhàng, lôi cuốn hơn? PGS.TS Ngô Minh Oanh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM nhìn nhận: Chương trình LS phổ thông hiện hành đã có nhiều đổi mới so với trước đây nhưng vẫn tồn tại những hạn chế nhất định. Về hình thức, sách giáo khoa (SGK) LS phổ thông hiện nay chỉ in hai màu, lại rất ít kênh hình nên nhìn không sinh động, kém hấp dẫn đối với HS. Về nội dung, chương trình còn nặng nề, ôm đồm, thể hiện quá nhiều sự kiện, nhiều nhận định đánh giá áp đặt mà chưa tạo điều kiện cho HS tự tìm tòi kiến thức, rút ra đánh giá, kết luận để phát huy khả năng tự học, tự khám phá, phát triển tư duy cho các em. Chương trình đã nặng, số tiết ít, thời gian cho một tiết lại ngắn nên người dạy không thể tiến hành các hình thức và nội dung dạy học sinh động, hấp dẫn. Việc tái hiện LS thiếu bóng dáng con người, các cá nhân cụ thể, chủ yếu thể hiện vai trò tập thể nên thiếu sự hấp dẫn, thu hút đối với các em. Một điều đáng nói nữa là, nguyên tắc xây dựng chương trình LS hiện hành theo nguyên tắc đồng tâm, tức là THCS cũng học LS từ cổ chí kim, khi lên THPT cũng vậy. Dù lên THPT chương trình đã có sự nâng cao nhưng vẫn lặp lại nhiều nội dung, sự kiện làm cho HS nhàm chán.

PV: Được biết ở nhiều quốc gia khác, SGK LS cũng rất dày, nhiều nội dung. Vậy tại sao HS vẫn yêu thích bộ môn này?

PGS.TS Ngô Minh Oanh: Sách LS phổ thông ở nhiều nước phát triển như Úc, Mỹ, Hàn Quốc, Đức... rất dày, có nước SGK LS dày tới hàng trăm trang, thậm chí cả ngàn trang. Tuy nhiên, SGK của họ được in bằng giấy đẹp, lại nhiều màu sắc, hình ảnh nên HS cầm cuốn SGK đọc cứ như là cầm một cuốn truyện. Đồng thời, những quốc gia này rất coi trọng vị trí bộ môn LS, ở THPT môn LS là môn học độc lập, có vị trí xứng đáng trong chương trình phổ thông nên được HS chú ý. Ngoài ra, vai trò giáo viên cũng rất quan trọng, họ dạy LS không áp đặt, không bắt các em phải nhớ từng chi tiết thời gian, sự kiện mà dẫn dắt các em đi từ sự kiện rồi hướng dẫn HS tự tìm hiểu, giáo viên là người tổ chức, hướng dẫn các em tìm đến với tri thức LS. HS khi học LS có thể tìm thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, trao đổi, thảo luận, đưa ra nhiều ý kiến tranh luận, nên giờ học của họ luôn luôn thú vị.

Để nội dung chương trình, SGK LS hấp dẫn hơn đối với HS, theo ông chúng ta nên có những thay đổi gì?

SGK LS cần thay đổi theo định hướng đổi mới chương trình, SGK chung, chương trình THCS vẫn cho HS học LS từ cổ chí kim với những kiến thức phổ thông, cơ bản; chương trình ở bậc THPT để phục vụ cho định hướng nghề nghiệp, chương trình LS cần xây dựng thành các chuyên đề, không lặp lại kiến thức THCS, cụ thể như chuyên đề: Truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam; LS văn hóa Việt Nam; LS nghệ thuật quân sự Việt Nam... Những chuyên đề này phải mang tính hệ thống, chuyên sâu, không đi theo trình tự thời gian như ở bậc THCS. Nhìn chung, cần có sự thay đổi trong cách viết SGK, nên giảm các sự kiện, số liệu và tăng cường các nhân vật LS, văn hóa; bỏ bớt các lập luận, đánh giá mang tính áp đặt để tăng cơ hội cho HS thể hiện chính kiến của mình về các sự kiện, nhân vật LS. Sách cần phải viết cô đọng, dễ hiểu, tăng hình ảnh, sơ đồ, biểu đồ và in nhiều màu để thêm hấp dẫn, hứng thú cho HS.

Xây dựng chương trình SGK LS và biên soạn SGK cần có đội ngũ những người như thế nào, thưa ông?

Không phải cứ người giỏi về LS, am hiểu LS là viết SGK LS tốt, mà cần thay đổi quan niệm này. Đội ngũ viết SGK ngoài việc có chuyên môn giỏi còn phải am hiểu về khoa học giáo dục, am hiểu nhà trường phổ thông như quá trình tổ chức dạy học, đặc điểm tâm sinh lý, sở thích của lứa tuổi HS phổ thông. Ngoài ra, đội ngũ biên soạn cũng cần tham khảo các xu thế đổi mới giáo dục nói chung và giáo dục LS nói riêng trên thế giới để từ đó có thể xây dựng một chương trình, SGK LS vừa phù hợp với thực tiễn Việt Nam vừa hội nhập với thế giới.

Xin cám ơn ông!

Dương Bình (thực hiện)