Chủ nhật, 25/10/2015, 21h35

Sẽ có phòng tư vấn tâm lý trong trường học

TS. Ngũ Duy Anh - Vụ trưởng Vụ Công tác HSSV Bộ GD-ĐT. Ảnh: I.T

Học sinh, sinh viên (HSSV) luôn cần được tư vấn tâm lý để “giải cứu” kịp thời những sự cố ở tuổi vị thành niên. “Điều này ngành giáo dục đã nhận thấy và dự định sẽ có quy định cụ thể về phòng tư vấn tâm lý học đường ở các trường học trong thời gian tới”, TS. Ngũ Duy Anh - Vụ trưởng Vụ Công tác HSSV Bộ GD-ĐT cho biết.

PV: Thưa ông, Bộ GD-ĐT đánh giá tình trạng HSSV gặp vấn đề về tâm, sinh lý khi bước vào tuổi dậy thì như thế nào? Hậu quả của việc thiếu kiến thức về tâm sinh lý ở lứa tuổi này sẽ tác động đến HS ra sao?

TS. Ngũ Duy Anh: Bước vào tuổi dậy thì, cơ thể các em HS có những sự thay đổi rất lớn về thể chất kéo theo thay đổi về về tâm, sinh lý. Ở độ tuổi này các em thường có những rối loạn cảm xúc, hành vi, đồng thời luôn muốn khẳng định cái tôi của mình. Các vấn đề tâm lý, cũng như các khó khăn trong cuộc sống thường gặp, đó là: Khó khăn, căng thẳng trong học tập, các khúc mắc trong quan hệ với thầy cô, gia đình, bạn bè, hay sự lúng túng trong định hướng nghề nghiệp, các vấn đề nảy sinh khi sử dụng internet… Nếu không được tư vấn, định hướng, giải tỏa kịp thời thì rất dễ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc như: Lười ăn, mất ngủ, mệt mỏi, dễ cáu gắt, lo âu, học tập giảm sút..., hoặc nhiều trường hợp còn có biểu hiện như nói năng lung tung, khóc cười vô cớ, dễ hoảng sợ, ngại tiếp xúc với người khác... Thiếu kiến thức tâm, sinh lý ở lứa tuổi dậy thì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của mỗi em. Đặc biệt, khi thiếu kiến thức về tâm, sinh lý, lại không nhận được sự quan tâm của gia đình, các em dễ phát triển lệch lạc cả về nhận thức và thể chất. Khi thiếu hiểu biết về tâm, sinh lý, các em sẽ giải quyết mâu thuẫn theo cách của mình. Nhiều em không kiểm soát được bản thân sẽ có những hành vi lệch chuẩn như: Bỏ nhà đi bụi, uống rượu và dẫn tới vi phạm pháp luật... Bởi vậy ở tuổi này mỗi gia đình cần quan tâm khuyến khích, tâm sự và hướng các em tham gia các hoạt động tập thể, hoạt động xã hội, chơi thể thao, tránh tiếp xúc với các loại phim ảnh, trò chơi bạo lực...

Bộ GD-ĐT đánh giá thế nào về công tác tư vấn tâm lý ở nhà trường trong việc giáo dục toàn diện HS? Kế hoạch phát triển tư vấn tâm, sinh lý trong trường học tới đây được triển khai như thế nào?

Công tác tư vấn tâm lý trong nhà trường có vai trò hết sức quan trọng trong việc giáo dục toàn diện, giúp HS có một đời sống tinh thần lành mạnh để học tập và rèn luyện. Tư vấn tâm lý trong trường học, một mặt có thể giúp xử lý, giải quyết các vấn đề tâm sinh lý nảy sinh, mặt khác quan trọng hơn, có thể tổ chức ngăn ngừa bằng cách tăng cường khả năng thích ứng của HS trước các biến đổi của xã hội, tạo ra “khả năng miễn dịch” hay khả năng tự giải quyết vấn đề; giúp các em có trách nhiệm hơn với bản thân, cũng như với những người xung quanh và cộng đồng.

Thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai công tác tư vấn cho HS, SV (công văn 9971/2005/BGD-ĐT-HSSV về việc triển khai công tác tư vấn cho HS, SV; Quyết định 68/2008/QĐ-BGD-ĐT quy định về công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm, hỗ trợ HS, SV các trường ĐH, CĐ, TCCN…); chỉ đạo xây dựng mô hình ở một số địa phương; tổ chức hội thảo nhằm trao đổi, chia sẻ những cách làm sáng tạo, hiệu quả trong công tác tư vấn tâm lý, làm cơ sở nhân rộng ra trên toàn quốc.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, các sở GD-ĐT, các trường ĐH, CĐ, TCCN đã từng bước tổ chức thực hiện công tác tư vấn tâm lý, các vấn đề xã hội cho HS, SV.

Hiện nay nhiều địa phương đã xây dựng và triển khai tương đối có hiệu quả mô hình tư vấn tâm lý trong trường học như: TP.HCM, Hà Nội, Hải Dương, Khánh Hòa... Tuy nhiên, hiện công tác tư vấn tâm lý trường học vẫn đang gặp phải không ít khó khăn và vướng mắc. Một số nhà trường đã thành lập phòng tư vấn tâm lý, phân công giáo viên đảm nhiệm nhưng hoạt động chưa hiệu quả; chưa bố trí được phòng tư vấn tâm lý riêng; chưa có biên chế cho cán bộ chuyên trách công tác tư vấn tâm lý; chưa có kinh phí hỗ trợ, chế độ đãi ngộ cho cán bộ kiêm nhiệm làm công tác này.

Thực hiện Quyết định số 1501/QĐ-TTg ngày 28-8-2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020”, Bộ GD-ĐT sẽ chỉ đạo các trường thành lập các bộ phận, nhóm tư vấn; Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tư vấn cho cán bộ, giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý; Phân công trách nhiệm cho giáo viên chủ nhiệm và đứng lớp; Chỉ đạo các nhà trường tạo điều kiện để giáo viên và HS gần gũi, tin tưởng và chia sẻ.

Bộ cũng đang xây dựng dự thảo về quy định phòng tư vấn tâm lý học đường tại các trường học. Giải quyết dần những khó khăn vướng mắc hiện nay về cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ làm công tác này để đưa công tác tư vấn tâm lý trường học đi vào cụ thể và nền nếp.

Sở GD-ĐT TP.HCM kiến nghị Bộ GD-ĐT sớm nghiên cứu để ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về chế độ, chính sách cho giáo viên tư vấn, cũng như hướng dẫn hoạt động tư vấn cho trường học trong các bậc học. Bộ GD-ĐT có kế hoạch gì cho việc này?

Bộ GD-ĐT sẽ nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan để ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể về công tác tư vấn tâm lý ở các nhà trường trong thời gian sớm nhất.

Xin cảm ơn ông!

Nghiêm Huê