Thứ năm, 12/10/2017, 23h05

Tăng cường mảng xanh để ứng phó biến đổi khí hậu

Ngày 12-10, Cần Thơ đã tổ chức Hội thảo “Phát triển mô hình hạ tầng xanh cho cộng đồng gắn với dự án nâng cấp đô thị vùng ĐBSCL”.

Tại hội thảo, các chuyên gia quốc tế đã chỉ ra những áp lực của TP.Cần Thơ như: Ngập úng ngày càng tăng, ô nhiễm môi trường nước, sạt lở bờ sông, xâm nhập mặn, hạ tầng xuống cấp, hệ thống kênh rạch tự nhiên bị lấn chiếm… Đồng thời cũng đưa ra giải pháp giúp Cần Thơ tăng khả năng chống chịu, đó là phải xây dựng cơ sở hạ tầng xanh.

Theo TS. Trần Văn Giải Phóng - tổ chức ISET Việt Nam - để xây dựng hạ tầng xanh, Cần Thơ cần bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên trong đô thị; qui hoạch cây xanh bám theo trục xương sống đô thị,  xây dựng dải công viên kết  nối  khu vực đô thị, nông thôn và khu cụm vườn sông Hậu, thành lập những vườn cây ăn trái, bảo vệ những khu đa dạng sinh học, bảo tồn nơi ở của động vật hoang dã. Có chiến lược kiến tạo  địa hình như đào các điểm chứa nước, xây dựng hệ thống lọc sinh thái và quản lý nước thải.

Theo Sở Xây dựng TP.Cần Thơ, hệ thống cây xanh khu vực đô thị của Cần Thơ còn ít, những cây trồng chưa có yếu tố lọc bụi và giảm ồn. Trong kế hoạch xây dựng Cần Thơ trở  thành đô thị vùng sông nước, vườn cây ăn trái và quản lý nước tích hợp, sở đã xây dựng đề án với cơ cấu vùng đô thị  - chiếm khoảng 20% diện tích tự nhiên (DTTN); vùng cảnh quan, công viên chuyên đề, không gian mở - khoảng 10,15% DTTN; Vùng bảo tồn cây xanh, vườn cây ăn trái - khoảng 14,54% DTTN; Vùng sản xuất nông nghiệp - khoảng 55,43% DTTN. Bên cạnh đó là định hướng phát triển trục cây xanh chủ đạo.  Hơn 30 chủng loại cây với các tính năng thích hợp cho từng khu vực, đặc biệt là đô thị và các khu công nghiệp, được nghiên cứu và đưa vào kế hoạch  trồng.

Cũng tại hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ kinh nghiệm về cơ chế khuyến khích và cơ chế tài chính phù hợp để hỗ trợ phát triển hạ tầng xanh ở Cần Thơ.

Đan Đan