Lễ hội phục vụ Tết Nguyên đán 2022 tại TP.HCM đang được tất bật chuẩn bị để kịp phục vụ người dân và du khách. Trong đó, đường hoa xuân Nguyễn Huệ cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện để đưa xuống phố lắp đặt đúng tiến độ.

Ảnh mô phỏng đường hoa Nguyễn Huệ Tết Nhâm Dần 2022
Với chủ đề “Xuân quê hương, ấm tình nhân ái”, đường hoa xuân Nguyễn Huệ mở cửa từ 29-1 đến 4-2 (tức từ 27 tháng Chạp đến mùng 4 Tết) phục vụ cho người dân TP.HCM và du khách nước ngoài…
Linh vật độc đáo
Những ngày qua, xưởng sản xuất Văn Tòng (Q.12) đang tất bật hoàn thiện các linh vật để chuẩn bị trang trí cho đường hoa Nguyễn Huệ. Tại mỗi góc xưởng, nghệ nhân nào cũng hết sức khẩn trương, bởi việc sản xuất đang ở giai đoạn nước rút.
Nghệ nhân Văn Tòng (chủ xưởng) cho biết, năm nay linh vật hổ mang đậm hình ảnh của “chúa sơn lâm”. Đồng thời, khi kết hợp cùng kính cường lực, rêu cỏ… sẽ tạo nên hiệu ứng thoắt ẩn thoắt hiện cực độc đáo. Nổi bật là mô hình đôi hổ ở cổng chào, đã đạt 60% tiến độ thiết kế. “Linh vật cổng chào không còn là hình ảnh gia đình sum vầy như mọi năm. Cặp hổ cũng không nằm ở vị trí trung tâm mà được chuyển dời sang hai bên, nhấn mạnh đến tập tính sống và hoạt động độc lập của loài này”, nghệ nhân Văn Tòng chia sẻ.

Nghệ nhân Văn Tòng chia sẻ về linh vật hổ của đường hoa năm nay
Trong các linh vật hổ, đôi hổ với hình tượng “Song hổ tương phùng” cao hơn 3m, dài 7m được chế tác bằng những tấm nhựa cứng giả gỗ tạo thành hình dáng uy dũng của con hổ khi ghép các lát cắt lại với nhau. Hình dáng và đầu hổ được các nghệ nhân thực hiện rất đường nét, thể hiện sự dũng mãnh, miệng há rộng gầm rú đầy uy lực của “chúa sơn lâm”. Sự thay đổi trong cách bố trí cổng chào không chỉ mang lại nét mới cho đường hoa mà còn nhấn mạnh đến tập tính của linh vật hổ, loài vật thường sống và hoạt động độc lập.
Linh vật hổ lớn nhất đường hoa năm nay là “ông hổ Ba Mươi” đang được dựng bằng khung sắt cắt gọn tinh tế. Linh vật này có chiều cao 4.6m, dài 10m. Cạnh đó là con hổ cao 3.5m, dài 8m và nặng gần 2 tấn với dáng vẻ oai hình đã hoàn thành 60%. Con hổ này được lắp ghép bằng sỏi, đá thể hiện sự cứng rắn, mạnh mẽ vươn lên vượt qua sau một thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh sẽ được đặt ở cuối đường hoa.
Theo nghệ nhân Văn Tòng, đây là lần đầu tiên ông sử dụng sỏi để làm chất liệu dựng thành hổ. Sỏi phù hợp với đặc tính “phong thủy” của linh vật này, tạo nên vẻ ngoài tự tin mà lạnh lùng, cùng thần thái kiêu ngạo, không ngại đối đầu với thử thách.
Bên cạnh các linh vật chính của đường hoa, xưởng Văn Tòng còn phụ trách một số hạng mục trang trí khác như lu hoa, chữ xuân... Những chiếc lu có đường kính hơn 2m khi đặt tại đường hoa sẽ kết hợp với những chậu hoa nhỏ tạo thành suối hoa chảy từ trong lu ra.
Làm việc ngày đêm
Nghệ nhân Văn Tòng cho biết, được giao phụ trách làm đường hoa Tết Nhâm Dần 2022, xưởng ông bắt đầu thi công được 2 tháng gần đây, huy động gần 40 công nhân làm việc ngày đêm. “Xưởng của tôi phụ trách tạo khoảng 20 mô hình linh vật hổ, ngoài ra còn hàng chục mô hình trang trí khác với đủ dạng vật liệu, hình dáng và kích cỡ khác nhau. Phần lớn nguyên liệu tạo hình đều thân thiện với môi trường như: sắt, mút xốp, gỗ, sỏi, dây lục bình…”, nghệ nhân Văn Tòng nói.
Hoạ sĩ mỹ thuật Nguyễn Thị Thanh Thúy cho biết, trong 14 năm theo nghề, chị đã dành 6 năm tham gia hoạt động chế tác linh vật cho con đường nổi tiếng này. “Mỗi năm đều có những yêu cầu riêng về các linh vật cũng như mẫu mã, kiểu dáng… và chị cùng các đồng nghiệp luôn nỗ lực hoàn thiện sao cho sản phẩm được sống động nhất”, chị Thúy chia sẻ.

Nghệ nhân đang tất bật thực hiện các công đoạn cuối của hạn mục trang trí đường hoa
Phụ trách phần quét lớp sơn đầu tiên cho những linh vật hổ nhỏ sau khi các nghệ nhân chế tác hoàn thiện hình dáng, nghệ nhân Nguyễn Thị Cơ khẳng định: “Những chú hổ này được tạo thành bằng chất liệu xốp, để con vật được cứng, không bị khách xem gỡ xốp phải lót lớp màn bên ngoài cho cứng rồi sau đó sơn đường nét mới đẹp được. Hiện tại mọi người đang chạy nước rút để kịp tiến độ”.

Những linh vật hổ được làm bằng mút xốp sẽ đặt dọc đường hoa
Dù vất vả nhưng các nghệ nhân rất vui vì góp phần làm đẹp cho đường hoa, phục vụ nhu cầu du xuân cho người dân và du khách.
Bên cạnh tiêu chí an toàn và tiết kiệm, đường hoa năm nay vừa mang lại ước vọng về tương lai tươi sáng đến với công chúng thưởng ngoạn, vừa gửi gắm sự tri ân đối với đồng bào cả nước đã dành sự tương trợ, tình cảm to lớn cho TP.HCM, đặc biệt là những hy sinh, vất vả của tuyến đầu chống dịch. |
Chia sẻ về những khó khăn trong công tác thực hiện đường hoa năm nay, ông Nguyễn Đông Hòa, Phó Tổng Giám đốc Saigontourist Group - đơn vị chủ trì tổ chức đường hoa, cho biết năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh, nên 2/3 đơn vị tham gia đã phải trình bày phương án thực hiện cho Hội đồng nghệ thuật từ xa. Đồng thời, trước tình hình đó, lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu chuẩn bị nhiều kịch bản cho các cấp độ dịch khác nhau. Mặt khác, trong quá trình triển khai, người nông dân các nhà vườn trồng hoa chậm và ít hơn các năm trước, do đó các chủng loại hoa bị thiếu hụt. Tuy nhiên với truyền thống của đường hoa Nguyễn Huệ, ban tổ chức đã nhận được sự cam kết hỗ trợ nhiệt tình từ các đơn vị cung cấp. “Chủ đề đường hoa năm nay xuất phát từ thực tế dịch bệnh phức tạp diễn ra tại TP.HCM suốt một năm qua và được lồng ghép vào nhiều thiết kế của các đơn vị tham gia. Đặc biệt, điều đó cũng được thể hiện qua việc tôn vinh những chiến sĩ trên tuyến đầu phòng chống Covid-19 bằng những màn hình trình chiếu hình ảnh, clip đậm chất thời sự về quãng thời gian nóng bỏng trên mặt trận đẩy lùi Covid, là những hoạt động chia sẻ những nỗi đau, mất mát trong năm qua. Cùng với đó là hoạt động quyên góp, ủng hộ những nạn nhân bị ảnh hưởng Covid”, ông Hòa chia sẻ.
Hồ Trinh