Thứ tư, 10/3/2010, 08h03

Thay đổi quan điểm định hướng nghề lệch lạc

Để chọn đúng ngành học, thí sinh cần dựa vào năng lực, sở thích, tính cách của bản thân và điều kiện kinh tế của gia đình

Bước vào đầu năm 2010, cũng là giai đoạn mà công tác tư vấn định hướng nghề và tư vấn mùa thi cao điểm hơn bao giờ hết. Mục đích của ban giảng huấn, tư vấn định hướng nghề không nằm ngoài mong muốn giúp các em định hướng thật đúng đắn những ngành nghề mà mình quyết định gắn bó trong tương lai; đồng thời tránh được những quan điểm định hướng nghề lệch lạc, không những của các em học sinh mà cả với những bậc phụ huynh.
Chương trình tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp “Học một nghề, giỏi một đời” do Trường Cao đẳng Nghề iSPACE phối hợp với Báo Giáo Dục TP.HCM đã trải qua chặng đường 4 năm. Ban tổ chức đã đến tận các trường THCS, THPT cho đến các chương trình tư vấn mùa thi để giải đáp thắc mắc của các em học sinh.
Trong quãng thời gian không dài nhưng cũng không quá ngắn ấy, những người làm công tác định hướng, tư vấn đã tiếp xúc với nhiều bậc phụ huynh, nhiều thế hệ học sinh. Mỗi em có những quan điểm khác nhau về công việc, về mục tiêu phấn đấu cho tương lai. Và cũng tương tự như thế, mỗi em có hoàn cảnh gia đình khác nhau nên cha mẹ các em cũng có những cách nghĩ khác nhau về việc học và chọn ngành nghề.
Những quan điểm trong việc chọn ngành nghề và mục tiêu phấn đấu trong tương lai của các bậc phụ huynh, của các em không phải lúc nào cũng đúng. Điều quan trọng với những người làm công tác định hướng nghề, đó là giúp họ thay đổi những quan điểm lệch lạc ấy.
Thi đỗ ĐH bằng mọi giá để có bằng ĐH
Các bậc cha mẹ thường có tấm lòng hi sinh cao cả, chỉ cần nhìn thấy con cái học thành tài, đỗ đạt cao là có thể làm mọi thứ, chịu đựng mọi vất vả để lo cho con ăn học. Rất nhiều bậc phụ huynh và các bạn trẻ cho rằng, chỉ có thi đỗ ĐH mới có một bến đỗ an toàn nhất hoặc mới xứng đáng là con nhà danh giá, xứng với truyền thống hiếu học của gia đình.
Nhu cầu phấn đấu học tập vươn lên không ngừng của mỗi thành viên trong xã hội là điều đáng khích lệ, càng học cao, học giỏi, hiểu biết rộng, chúng ta càng có cơ hội làm việc, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cho xã hội.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa phải thi đậu ĐH bằng mọi giá. Đã nhiều lần Bộ GD-ĐT lên tiếng, trong đó kêu gọi những sĩ tử hãy biết chọn trường, chọn ngành thật sự phù hợp với năng lực và sở thích của bản thân cũng như phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình. Ngoài ĐH, còn có nhiều con đường khác để chúng ta bắt đầu cho một tương lai tốt đẹp.
Nếu chúng ta chưa “khỏe” để tự tin bước thẳng lên những bậc thang cao, thì chúng ta có thể bước từng bậc thang nhỏ. Cùng một thời gian như nhau, cái đích đến là có được tấm bằng ĐH đều sẽ đạt được. Bởi cơ chế liên thông từ trung cấp lên cao đẳng và từ cao đẳng lên ĐH sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các bạn muốn vươn lên những nấc thang cao hơn trong sự nghiệp và bằng cấp.
Chọn những ngành nghề tiếng tăm
Việc lựa chọn ngành nghề có tiếng tăm hoặc thi vào những trường học danh tiếng xuất phát từ kỳ vọng của bản thân cũng như của gia đình, nhằm bảo vệ danh dự hoặc làm mát mặt gia đình và cả bản thân.
Đối với những sĩ tử có đầy đủ năng lực, tố chất thì việc đạt đủ số điểm để vào một trường y hoặc một ngành “sát” sinh viên là hoàn toàn nằm trong tầm tay. Tuy nhiên, nếu các bạn đăng ký thi và học một ngành nghề theo nguyện vọng của gia đình mà không hề quan tâm đến những gì mà bản thân thực sự mong muốn thì các bạn đã đi sai đường. Với những bạn trẻ nằm trong nhóm này sẽ có 2 hướng xảy ra: thứ nhất là các bạn học và đi làm theo sự sắp đặt và không có niềm đam mê với nghề. Thứ hai là các bạn sẽ chán nản trong những năm đầu theo học, bỏ dở thời gian học tại trường và bắt đầu lựa chọn một trường khác phù hợp hơn. Cả 2 hướng trên đều gây lãng phí và tạo hệ lụy không tốt cho xã hội.
Riêng đối với những sĩ tử thật sự đam mê, có niềm ham thích và có ước mơ gắn bó với nghề mà các em đang lựa chọn. Tuy nhiên do không tìm hiểu kỹ lưỡng đầu vào và quên mất đánh giá năng lực của bản thân nên đa số các bạn đều vuột mất cơ hội vào giảng đường. Đã có rất nhiều bạn mãi loay hoay với mơ ước là nhất định phải thi đậu vào trường ĐH mình đã chọn. Điều đó hoàn toàn lệch lạc, bởi tất cả các trường được phép tuyển sinh đều cấp văn bằng có giá trị quốc gia như nhau, cơ hội thành người có tay nghề, có kỹ năng sẽ tùy thuộc rất lớn vào chuyện các bạn học như thế nào sau khi trúng tuyển để thành tài, đừng quá cố gắng phải vào bằng được một trường nổi tiếng tốp trên nào đó mà lỡ bước học hành.
Chọn ngành, chọn trường chỉ dựa vào khả năng trúng tuyển
Khi đăng ký dự thi, nhiều thí sinh chỉ nghĩ đến khả năng trúng tuyển. Điều này hợp lý nhưng chưa đầy đủ. Nó có thể đưa bạn vào giảng đường nhưng nếu không tìm hiểu kỹ về ngôi trường sẽ học, bạn khó có thể đi xa hơn trong sự nghiệp.
Khi chọn trường, chúng ta cần quan tâm tới một số yếu tố như: học phí, lệ phí, học bổng, trường có đủ điều kiện vật chất cho sinh viên theo học, các cơ sở học tập…
Đặc biệt, chuẩn đào tạo đầu ra của trường là yếu tố rất quan trọng, sau nữa là đội ngũ giảng viên cơ hữu của trường, giáo trình, các công trình nghiên cứ, uy tín truyền thống đào tạo, đánh giá của cựu sinh viên, doanh nghiệp về quá trình đào tạo… Khi đã tìm hiểu các yếu tố trên của các trường, bạn hãy so sánh để đưa ra sự lựa chọn hợp lý nhất. Điều này khiến bạn hiểu hơn về ngôi trường mình sẽ theo học, chủ động đón nhận nó, tránh trường hợp không biết gì về trường hoặc mộng ước quá nhiều dẫn đến thất vọng, chán nản khi chính thức trở thành sinh viên.
Chọn nghề theo sở thích nhưng quên dựa vào sở trường và tính cách
Nhiều bạn trẻ chỉ chăm chú theo sở thích cảm tính mà chọn nghề nên đã bị “dội” khi học nghề và hành nghề. Khi đối mặt với nghề, chạm vào những thử thách khắc nghiệt của nghề, họ không những bị hụt hẫng do sở thích tiêu tan, còn bị “dội” do tính cách không hợp với đòi hỏi của nghề đó. Đó cũng là lúc họ không còn tự tin, càng không đủ tạo niềm tin nơi tuyển dụng dù họ có đầy năng lực và bằng cấp.
Chọn nghề theo sở thích và đam mê là điều nên làm nhưng chưa đủ. Bởi sở thích chỉ là nhất thời và có thể đến một thời điểm nào đó, bạn sẽ không còn yêu thích nghề mình đã chọn ban đầu. Trong khi đó, nhân cách – tính nết của con người hình thành từ thuở niên thiếu và gắn bó xuyên suốt cả cuộc đời. Vì vậy chúng ta cần chọn nghề dựa trên những phẩm chất đặc trưng và những giá trị của bản thân.
Thông thường, các bạn có thể thực hiện làm bài trắc nghiệm IQ test EQ test để tìm hiểu ngành nghề thực sự phù hợp với sở thích và nhân cách của mình nhất.
Phan Ngọc