Thứ sáu, 3/2/2012, 15h02

Thiếu sắt ảnh hưởng đến năng lực học tập

Cần lưu ý phát hiện sớm dấu hiệu thiếu sắt ở nữ sinh 13-18 tuổi (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: T.L

Theo TS.BS Huỳnh Nghĩa (BV Truyền máu Huyết học TP.HCM), hiện nay có rất nhiều bậc phụ huynh thắc mắc là vì sao con em họ, đặc biệt là nữ sinh khi còn ở cấp THCS học rất giỏi nhưng sang THPT thì năng lực học tập không còn như trước. Nguyên nhân một phần là do thiếu sắt.
Nghiên cứu thực hiện trên 5.400 trẻ 6-16 tuổi cho thấy, khi làm bài kiểm tra toán, khuynh hướng bị điểm dưới trung bình ở những trẻ thiếu chất sắt cao gấp hai lần so với các trẻ khác. Việc thiếu sắt sẽ làm giảm lượng chất sắt dự trữ trong não, tác động không tốt đến tế bào thần kinh vốn ảnh hưởng đến khả năng học hành.
Trẻ gái ở tuổi dậy thì hay bị thiếu sắt hơn trẻ trai?
Giải thích điều này, TS.BS Huỳnh Nghĩa cho biết: “Đối với các em gái, từ độ tuổi 13 thì năng lượng và các chất dinh dưỡng tăng cao. Thể tích máu cũng gia tăng làm tăng nhu cầu về chất sắt để tạo máu. Bên cạnh nhu cầu để tăng trưởng, các em còn cần bù đắp lượng sắt mất theo chu kỳ kinh nguyệt. Do đó, nhu cầu chất sắt của các em là 30-40 mg/ngày, cao hơn so với các em trai (14-18 mg/ngày). Trong khi đó, các em gái lại có khuynh hướng ăn uống thiếu chất sắt hơn các em trai. Vì thế, phòng chống thiếu máu cho các em là hết sức cần thiết, sẽ giúp các em có thể chất khỏe mạnh để học tập”.
Chất sắt là vi chất quan trọng tham gia trong quá trình tạo máu và một phần cấu trúc của bộ não, vì vậy, thiếu máu do thiếu sắt sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển thể chất và khả năng học tập của nữ sinh. Cụ thể là giảm phát triển trí tuệ, vận động, giảm sức đề kháng với bệnh nhiễm trùng . Thiếu sắt dẫn đến nhiều rối loạn trong cơ thể nhưng đứng hàng đầu là thiếu máu. Thiếu máu do thiếu sắt gây ra nhiều hậu quả xấu như chậm phát triển tâm thần, giảm sức đề kháng, thường xuyên mắc các bệnh nhiễm trùng, nhưng quan trọng nhất là làm giảm chỉ số thông minh, giảm khả năng tư duy sáng tạo, kết quả học tập kém.
Thiếu sắt dễ dẫn tới các rối loạn như trên nhưng dư sắt cũng sẽ tổn thương rất nặng đến các cơ quan trọng yếu của cơ thể. Vì vậy, không tự ý bổ sung sắt mà nên đi khám để xác định và phải do BS chỉ định. Việc điều trị rất thận trọng vì nếu đưa lượng sắt quá nhiều vào cơ thể sẽ dẫn tới quá tải sắt, gây độc tính trên gan, tim, tụy (gây tiểu đường), khớp (gây thoái hóa khớp). Một số trường hợp tự ý uống viên sắt lâu dài mà không có chỉ định và kiểm tra của BS có thể dẫn tới tình trạng ứ sắt - một bệnh lý nguy hiểm có tỉ lệ tử vong cao.
Cần quan tâm đặc biệt đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ
TS.BS Trần Thị Minh Hạnh (Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM) cho biết: “Cần lưu ý phát hiện sớm dấu hiệu thiếu sắt ở trẻ gái, đặc biệt ở giai đoạn 13-18 tuổi vì trong giai đoạn này nhu cầu sắt cần bổ sung nhiều hơn trong khẩu phần ăn. Cha mẹ nên quan tâm chế độ ăn đủ năng lượng để các em đủ tăng trưởng và đủ sức khỏe học tập tốt. Chọn những thực phẩm giàu chất sắt như thịt, cá, gan, huyết, trứng, đậu, rau xanh. Ăn cùng hay ngay sau bữa ăn các loại trái cây giàu vitamin C như cam, bưởi, táo, sơri, thơm… để giúp cơ thể tăng cường hấp thu sắt. Cần lưu ý không nên uống trà đặc, cà phê, nước ngọt ngay sau bữa ăn vì chúng làm giảm khả năng hấp thu chất sắt. Nên uống sữa và sản phẩm từ sữa riêng biệt với bữa ăn chính. Quan trọng không kém việc ăn uống những thực phẩm chứa nhiều chất sắt là việc bổ sung 16 viên sắt (60mg sắt và 0,4 acid folic) trong 16 tuần liên tiếp đối với các em nữ sinh. Cần lưu ý không nên uống lúc bụng đói, ăn nhiều rau và trái cây trong quá trình uống để tránh táo bón. Không uống viên sắt cùng với sữa, chế phẩm từ sữa hoặc thuốc có canxi vì chúng sẽ cạnh tranh nhau hấp thu”.
THU HIỀN