Thứ năm, 23/2/2017, 20h50

Thu nhập thấp, khó giữ chân giảng viên giỏi

Với mức thu nhập trung bình 9 triệu đồng/tháng, nhiều giảng viên (GV) giỏi và có học vị cao đã rũ áo ra đi. Đó là một thực trạng đau lòng đang diễn ra tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Ngày 22-2, lãnh đạo TP.HCM và các sở, ngành đã có buổi làm việc với lãnh đạo nhà trường để tìm giải pháp ngăn chặn tình trạng chảy máu chất xám tại đây...

Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng tham quan phòng thực hành Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch

Lương cơ bản chỉ có 3,7 triệu đồng

PGS.TS Ngô Minh Xuân - Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch - cho biết: Trường hiện có 649 cán bộ - viên chức, trong đó có 421 GV. Tuy nhiên, tỷ lệ GV có trình độ tiến sĩ còn thấp (chỉ 76 GV chiếm tỷ lệ 18%). So với quy định 30% trở lên của ĐH Việt Nam thì còn thiếu khá nhiều. Không những vậy, tỷ lệ sinh viên (SV)/ GV còn rất cao, so với quy định 15 SV/1 GV thì thiếu rất nhiều GV.

Điều đáng nói là với tỷ lệ GV có trình độ tiến sĩ thấp, tỷ lệ SV/GV cao nhưng quy mô đào tạo của trường lại tăng nhanh trong những năm gần đây để đáp ứng nhu cầu nhân lực y tế TP. Cụ thể, quy mô đào tạo năm 2015-2016 là 7.500 SV, tăng 112,5% so với năm trước. Trong đó, ĐH tăng từ 5.700 SV lên trên 6.400, sau ĐH là trên 1.000 học viên.

Tình trạng thiếu GV, nhất là GV giỏi có nguyên nhân không nhỏ là do thu nhập. Hiện nay, thu nhập của GV vẫn còn thấp - mức lương cơ bản 3,7 triệu/người và tổng thu nhập trung bình 9 triệu/tháng. Với mức thu nhập này, trường không những không thu hút được GV mà còn để xảy ra tình trạng chảy máu chất xám ở một bộ phận GV giỏi, có học vị cao. Những GV này đã được các đơn vị tư thục “lôi kéo” với mức thu nhập cao hơn nhiều.

Từ thực tế này, ông Xuân đề nghị TP cho phép trường thực hiện tự chủ tài chính (phần chi thường xuyên).

Theo đó, bà Nguyễn Thị Thu - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM - cho rằng, trường nên mạnh dạn tự chủ toàn phần để chủ động đầu tư trang thiết bị, xã hội hóa và tăng thu nhập cho cán bộ GV. Đồng thời, trường nên đề xuất mở rộng phạm vi tuyển sinh ra ngoài TP.HCM.

Về vấn đề này, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng nhấn mạnh: “Trường cần bỏ ngay quy định chỉ tuyển học sinh có hộ khẩu tại TP.HCM trong tuyển sinh đầu vào. Song song đó, trường không nên bao cấp học phí tràn lan cho tất cả các đối tượng mà thay vào đó là cấp học bổng cho SV nghèo, còn SV có điều kiện thì phải đóng học phí theo giá thị trường. Như vậy mới đảm bảo chất lượng đầu vào cao hơn, nguồn thu tăng lên để tăng gấp đôi thu nhập cho cán bộ GV”.

Cơ sở hạ tầng kém chỉ vì... 10 hộ dân

Một khó khăn lớn nữa được Ban Giám hiệu Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch nêu ra là việc giải tỏa khu đất cho dự án cơ sở 2 của trường là Viện - Trường Tân Kiên (huyện Bình Chánh). Hiện tại chỉ còn 10 hộ dân chưa di dời nhưng chiếm hơn 40% diện tích đất dự án (12,65ha).

PGS.TS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng nhà trường - tâm tư: “Môi trường giảng dạy rất quan trọng. Trước khi để SV tiếp xúc với bệnh nhân thì tay nghề GV phải vững. Muốn vậy nhất thiết phải có một môi trường mô phỏng thực hành tốt. Trường rất cần được đầu tư đúng mức về môi trường thực hành, đó phải là một bệnh viện siêu đặc biệt gồm tất cả các chuyên ngành mà thế giới đang có. Sự đầu tư cho bệnh viện trường ĐH phải gấp 1,5-2 lần so với bệnh viện bình thường”.

Trước vấn đề này, ông Trần Phú Lữ - Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh - cho biết: “Trong 10 hộ chưa di dời có 6 hộ là đất ở, còn lại 4 hộ là đất ruộng và ao. Trong tháng 3-2017 sẽ hoàn thành việc di dời những hộ dân này”.

Không ủng hộ việc đổi tên Địa đạo Củ Chi

Sáng cùng ngày, tại buổi làm việc với Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng phát biểu: “Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi không chỉ là địa danh cách mạng nổi tiếng mà còn là thương hiệu được cả nước và toàn thế giới biết tới. Do đó, tên gọi mới phải vừa mang tính truyền thống, kế thừa và bao quát được giá trị lịch sử của địa đạo này. Việc đổi tên cần thận trọng, tiếp thu và lấy ý kiến của người dân, các bậc lão thành cách mạng. Việc đổi tên ít nhất phải giữ lại được cụm từ Địa đạo Củ Chi. Ví dụ như Trung tâm Bảo tồn di sản Địa đạo Củ Chi và di tích lịch sử quốc gia ở TP.HCM. Đó là nêu vậy chứ thực ra tôi không ủng hộ lắm việc đổi tên vì tên gọi Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi gắn với người dân trong nước và thế giới rồi”.

A.Khánh

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đánh giá Đảng ủy Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã có nhiều nỗ lực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo đưa trường phát triển nhanh chóng về cả quy mô và chất lượng. Đảng ủy trường đã quan tâm đến công tác xây dựng Đảng của đơn vị và công tác giáo dục tư tưởng, chính trị cho SV.

Đồng chí cũng chỉ ra những tồn tại hạn chế của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch là đội ngũ GV chưa đáp ứng được yêu cầu, cơ sở vật chất chật hẹp. Đồng chí mong muốn, trường khắc phục khó khăn tích cực tham gia đào tạo nguồn nhân lực, một trong 7 chương trình đột phá của TP trong nhiệm kỳ 2015-2020.

Để trường phát triển mạnh mẽ, đồng chí chỉ đạo, Đảng bộ Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cần triển khai, quán triệt, thực hiện các nghị quyết của TW và TP, từ đó giúp trường đổi mới sâu sắc GD-ĐT theo hướng hiện đại.

“Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cần thí điểm xây dựng chương trình đào tạo y khoa theo chuẩn của quốc tế. Biện pháp quan trọng là phải xây dựng đội ngũ giáo sư, tiến sĩ đầu ngành tham gia giảng dạy tại trường; đào tạo ra những lớp SV được các nước công nhận về trình độ, năng lực; từ đó sẽ khẳng định được thương hiệu của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Thực hiện mục tiêu này, cùng với nâng cao chất lượng đội ngũ GV, trường cần được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ hiện đại vào giảng dạy...”, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Với những kiến nghị của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Bí thư Đinh La Thăng chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung rà soát, đẩy nhanh tiến độ các dự án của trường, nhất là tổ chức đấu thầu trang thiết bị cho các dự án. Riêng dự án xây dựng cơ sở 2, huyện Bình Chánh cần hoàn tất việc giải phóng mặt bằng trong tháng 3 để vừa đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, vừa đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.

Lê Quang Huy