Thứ ba, 2/3/2021, 17h26

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tiếp tục vừa phát triển kinh tế, vừa kiểm soát tốt dịch bệnh

Ngày 2-3, Chính phủ tổ chức phiên họp trực tuyến thường kỳ tháng 2-2021. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp.


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại phiên họp (Ảnh: VGP)

Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các kết quả kinh tế - xã hội năm 2020 cả nước đạt được. Các chỉ tiêu đề ra đều vượt và thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” vừa kiểm soát tốt dịch bệnh, đồng thời đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đảm bảo hoạt động diễn ra khá bình thường trong tình hình mới. Qua đó, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân cũng như các việc khác.

“Năm 2020 là năm thành công hơn năm 2019, là năm thành công nhất nhất trong 5 năm qua với kết quả thành tích khá đặc biệt, góp phần làm nên thành tích rất quan trọng. Đạt được kết quả này là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với tinh thần nỗ lực vượt bậc, trong đó có sự đóng góp rất lớn của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá cao kết quả kinh tế - xã hội tháng 2-2021 nhờ sự điều hành chủ động, quyết liệt, sáng tạo, quyết liệt, kịp thời của các bộ ngành, địa phương. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng cao đạt 2 con số. Công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ phát triển khá thuận lợi, tiếp tục có xu hướng phục hồi. Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại tiếp tục được chú trọng, hình ảnh Việt Nam trên thế giới tiếp tục được nâng lên. Riêng công tác phòng chống dịch Covid-19 vừa qua, cả nước, trong đó Hà Nội và TP.HCM đã có sự nỗ lực rất lớn, kiểm soát tốt dịch bệnh giúp cho cả nước đến thời điểm này cơ bản trở lại trạng thái bình thường mới.


Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan báo cáo tại phiên họp (Ảnh: TTBC)

Trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cả nước tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa kiểm soát tốt dịch bệnh. Các bộ ngành, địa phương cần “đón tắt thời cơ”, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch 6 tháng cũng như cả năm 2021, trước hết tập trung quán triệt, nghiên cứu triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần 13 đề ra và tiếp tục quyết liệt trong phòng chống đại dịch Covid 19 theo tinh thần “Vắc xin + 5K”. Ngành Y tế nhanh chóng tiêm vắc xin cho người dân theo đúng ý kiến Bộ Chính trị và  Nghị quyết của Chính phủ.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hiện cả nước vẫn đứng trước những thách thức từ bên ngoài như dịch bệnh, do đó cần đề cao cảnh giác, nhất là những chủng vi rút mới có thể lây nhiễm nhanh trong cộng đồng. Cạnh đó, tiếp tục thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh, khắc phục các khó khăn mà một số doanh nghiệp lĩnh vực dịch vụ như du lịch, vận tải, bán lẻ, hàng không đang gặp phải. Tiếp tục xử lý vấn đề nợ xấu ngân hàng; khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Người đứng đầu Chính phủ còn yêu cầu nâng cao hơn nữa vấn đề hội nhập, thúc đẩy xuất khẩu, thu hút nguồn vốn FDI có chất lượng. Bên cạnh phát huy các tập đoàn kinh tế Nhà nước cần thúc đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân, đầu tư công góp phần cho kinh tế phát triển lâu dài. Đồng thời rà soát, điều chỉnh các gói hỗ trợ hiện tại cho các doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh và sớm đề xuất gói hỗ trợ đợt hai.

TP.HCM tập trung tập triển khai đồng bộ
các giải pháp về chủ đề năm

Tại đầu cầu TP.HCM, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã chủ trì phiên họp. Báo cáo phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới,  Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, TP.HCM tiếp tục triển khai nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ về điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và tập trung tập triển khai đồng bộ các giải pháp về chủ đề năm họat động của TP: “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”.

TP cũng tiếp tục triển khai các biện phát kịp thời, quyết liệt, linh hoạt, phù hợp và luôn làm chủ trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19 và thực hiện nghiêm túc tinh thần “không chủ quan nhưng không hoang mang”. Sẵn sàng các phương án về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để đáp ứng yêu cầu trong tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Cạnh đó, TP tiếp tục bàn bạc để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh. Tập trung làm việc với các hiệp hội doanh nghiệp, các hội ngành nghề để nắm rõ tình hình, tình trạng từng loại, trên cơ sở đó chủ động giải quyết ngay khó khăn thuộc thẩm quyền của TP. TP cũng ứng dụng các giao tiếp trực tuyến để tổ chức hội nghị trao đổi, gặp gỡ giữa lãnh đạo TP với các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong, ngoài nước để tiếp tục duy trì mối quan hệ hợp tác, kêu gọi thu hút đầu tư giúp cho kinh tế TP không bị gián đoạn trong thời gian dịch bênh. TP cũng tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và đẩy mạnh các biện pháp phòng chống các loại tội phạm trên địa bàn TP, đảm bảo TP yên bình trong mọi tình huống.

Đặc biệt, phát huy thế mạnh các trụ cột kinh tế đầu tàu tăng trưởng, nhất là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Cần Thơ, các tỉnh trọng điểm khác miền Đông Nam bộ. Đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp, nhất là tháo gỡ thể chế đột phá trong sản xuất, kinh doanh như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 đề ra, trong đó phấn đấu không để nợ các văn bản hướng dẫn luật.

Chuẩn bị cho kỳ họp lần thứ 11 Quốc hội khóa 14 dự kiến từ 24-3 đến 2-4, là kỳ họp cuối cùng của Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cần có sự chuẩn bị, trong đó các bộ ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện các báo cáo trước Quốc hội. “Kỳ họp Quốc hội lần này cũng như bầu cử Quốc hội cần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Như vậy, phải giải quyết dứt điểm các vụ việc cơ sở; cấp bộ ngành, các phó thủ tướng tập trung giải quyết vấn đề tồn đọng ở các lĩnh vực phụ trách để tránh khiếu nại”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Nguyễn Trinh