Thứ bảy, 4/12/2021, 13h43

Thực hiện nghiêm 5K để mua sắm an toàn

Không chỉ đi chợ, siêu thị mà ngay cả khi tham gia các sự kiện có mật độ đông người thì nguy cơ lây nhiễm Covid-19 đều cao. Điều này đòi hỏi người dân cần thực hiện nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế khi đến nơi đông người để hạn chế lây nhiễm, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và người xung quanh.


Các khách mời tham gia chương trình Dân hỏi Thành phố trả lời tối 3-12

Nội dung này được bác sĩ Lê Hồng Nga - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM nhấn mạnh tại chương trình Dân hỏi Thành phố trả lời, diễn ra tối 3-12, với chủ đề “mua sắm an toàn trong điều kiện bình thường mới”.

Tại chương trình, nhiều người dân bày tỏ lo ngại sẽ nhiễm SARS-Cov-2 trong quá trình mua sắm hàng hóa tại chợ truyền thống, hệ thống siêu thị, đặc biệt dịp cuối năm nhu cầu mua sắm tăng cao thì mật độ người mua đông hơn. Theo đó, bác sĩ Lê Hồng Nga - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết, Covid-19 là bệnh lây qua đường hô hấp, tiếp xúc thông thường nên nguy cơ lây nhiễm là khó tránh. Tuy nhiên, không chỉ đi chợ, siêu thị mà ngay cả khi tham gia các sự kiện có mật độ đông người thì nguy cơ lây nhiễm đều cao. “Điều này đòi hỏi người dân cần thực hiện nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế khi đến nơi đông người để hạn chế lây nhiễm, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và người xung quanh”.

Tương tự, trong bối cảnh TP đang cho phép thí điểm hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, nếu có triệu chứng nghi ngờ thì người dân nên tuân thủ cách ly. Vì chỉ cần có 1 F0 trong bữa tiệc thì sẽ có nhiều F0 khác. Điều này lại ảnh hưởng đến quyết định tiếp tục mở cửa hay đóng cửa hoạt động kinh doanh. “Việc mở cửa phụ thuộc vào cấp độ dịch. Cấp độ dịch phụ thuộc vào số ca mắc mới. Nếu số ca mắc mới tăng thì phải đóng cửa”, bác sĩ Lê Hồng Nga nói.

Ở góc độ khác, nhiều người dân phản ánh sau giãn cách, giá cả hàng hóa tại các chợ truyền thống, siêu thị tăng cao, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp lương thực thực phẩm thời gian qua bị ảnh hưởng rất lớn bởi dịch Covid-19.

Chuỗi cung ứng hàng hóa đứt gãy, chi phí nguyên liệu đầu vào, vận chuyển, phòng chống dịch đều tăng. Chưa kể, quy mô sản xuất thu hẹp, sức mua hiện tại vẫn chưa cao, doanh số đạt ở một mức độ giới hạn thì không có cách nào các doanh nghiệp giảm giá. Hơn nữa, hiện dịch bệnh tại các tỉnh thành khác còn phức tạp, ảnh hưởng đến cung ứng nguyên liệu sản xuất, kéo theo nhiều chi phí khác tăng cao.

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương, TP đang tổ chức chương trình “Khuyến mại tập trung” giai đoạn 2021 - 2025, nhằm kích cầu tiêu dùng, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân qua các mặt hàng bình ổn và giảm giá; đồng thời giúp doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, phát triển sản xuất và mở rộng quy mô kinh doanh. “Khi hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển, tăng doanh số, tăng sức mua thì giá cả hàng hóa sẽ giảm”.

Cùng với đó, vào dịp cuối năm, ngành công thương tiếp tục triển khai chương trình bán hàng lưu động tại những nơi thiếu hụt hàng hóa, nơi có nhu cầu mua sắm tăng cao. Chương trình sẽ ưu tiên cho các đối tượng yếu thế như người lao động và công nhân. “Mỗi năm UBND TP đều chỉ đạo Sở Công thương phối hợp các khu chế xuất, khu công nghiệp tăng cường bán hàng lưu động phục vụ cho công nhân trên địa bàn. Chương trình bán hàng bình ổn và có những mặt hàng giảm giá để người lao động yên tâm mua sắm dịp cuối năm”, ông Nguyễn Nguyên Phương cho hay.

N.Trinh