Thứ ba, 19/3/2024, 19h09

Trưởng ban VHXH, HĐND TP.HCM: Các trường nên có kinh phí cha mẹ học sinh

Theo ông Cao Thanh Bình - Trưởng Ban VHXH, HĐND TP.HCM - các trường nên có kinh phí hoạt động của CMHS. Việc tổ chức thu kinh phí này là cần thiết, nên thu vì hỗ trợ rất tốt cho các hoạt động giáo dục của lớp, của trường, nhưng phải làm sao hiệu quả, có sự quản lý chặt chẽ…


Ông Cao Thanh Bình - Trường Ban VHXH, HĐND TP.HCM cho rằng các trường nên có kinh phí hoạt động ban đại diện CMHS

Lưu ý được ông Cao Thanh Bình đưa ra tại buổi khảo sát về tình hình triển khai NQ04 năm 2023 của HĐND TP.HCM quy định các khoản thu, mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn TP.HCM năm học 2023-2024 tại một số cơ sở giáo dục trên địa bàn quận 1, sáng 19-3.

Ông Cao Thanh Bình nêu thực trạng các trường hiện không dám mạnh dạn thực hiện theo Thông tư 55, với Thông tư 16 thì lại đang “lách” theo hướng vận động tài trợ thu kinh phí CMHS.

Ông nêu rõ: Quan điểm của Ban VHXH là tất cả các trường nên có kinh phí hoạt động của CMHS. Việc tổ chức thu kinh phí CMHS là cần thiết, nên thu vì nguồn kinh phí này hỗ trợ rất tốt cho các hoạt động giáo dục của lớp, của trường, nhưng phải làm sao hiệu quả, cần có sự quản lý chặt chẽ. Các trường cần mạnh dạn thực hiện Thông Tư 55 tổ chức kinh phí cha mẹ học sinh, theo Thông tư 16 vận động tài trợ tuyệt đối không cào bằng…


Ông Trần Khắc Huy - Trưởng Phòng Kế hoạch Tài chính, Sở GD-ĐT TP.HCM

“Việc thu kinh phí đại diện CMHS trong lớp cần làm sao không để xảy ra tư duy lớp giàu, lớp nghèo, lớp tiên tiến, lớp thường… Đây là quỹ chia sẻ, những người có điều kiện giúp cho những người khó khăn. Tuyệt đối không áp đặt, không chạy đua theo tỷ lệ của học sinh, mà trên tinh thần cha mẹ học sinh chia sẻ, không cào bằng, không bình quân. Phòng giáo dục, Sở GD-ĐT tiếp tục có văn bản triển khai cho các trường, giúp ban đại diện CMHS hiểu được về Thông tư 55, Thông tư 16” - ông Cao Thanh Bình nhấn mạnh.

Vì sao hàng lang pháp lý có mà trường không thực hiện?

Theo ông Trần Khắc Huy - Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở GD-ĐT TP.HCM, Thông tư 16 là vận động tài trợ thì nhà trường được phép vận động về nguồn lực cơ sở vật chất và hoạt động giáo dục cho học sinh. Nhà trường phải xây dựng kế hoạch, được phê duyệt của các cấp có thẩm quyền, phải công khai rõ ràng. Việc huy động không chỉ dừng ở CMHS mà còn là các nguồn lực xã hội khác như các đơn vị đối tác… Việc vận động không cào bằng; Thông tư 55 là hoạt động của ban đại diện CMHS chỉ phục vụ cho hoạt động của học sinh.


Bà Mai Thị Hồng Hoa - Phó Chủ tịch UBND quận 1 cho biết sẽ quan tâm làm rõ tại sao trường chưa mạnh dạn thu các nguồn kinh phí hoạt động của hội CMHS trường mà chuyển sang lớp

“Quan điểm của Sở là hướng dẫn, chỉ đạo các trường thực hiện cho đúng, tận dụng được mọi nguồn lực của xã hội, phụ huynh cho nhà trường. Các trường, giáo viên phải nghiên cứu kỹ 2 thông tư này để vận động. Không phải trường sợ dư luận mà không làm, vấn đề là phải làm cho đúng, cho rõ ràng…” - ông Huy nêu.

Bà Nguyễn Thị Việt Tú - thành viên Ban VHXH, HĐND TP.HCM đặt vấn đề, vì sao hiện nay hành lang pháp lý là có nhưng khi khảo sát thì gần như rất nhiều trường không thực hiện thu kinh phí hoạt động CMHS trường mà chuyển sang thu kinh phí CMHS của lớp. “Là vì trách nhiệm, vì khó quản lý hay là vì quản lý thu, chi phức tạp… Chúng tôi rất muốn biết nguyên do vì sao để có hướng tháo gỡ cho trường”.

“Không phải trường sợ dư luận mà không làm”

Theo Cô Đỗ Ngọc Chi - Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) cho biết, năm học 2023-2024, toàn trường có 41 lớp song chỉ có 17 lớp thực hiện vận động nguồn kinh phí cha mẹ học sinh lớp với hình thức tự nguyện, 24 lớp còn lại không thực hiện. Nhà trường quán triệt chỉ sử dụng nguồn kinh phí này để phục vụ hoạt động, chăm lo cho học sinh trong lớp. Dự toán hoạt động của các lớp có vận động kinh phí cha mẹ học sinh dao động từ 18-55 triệu đồng/lớp trong suốt năm học.


Bà Nguyễn Thị Việt Tú đặt vấn đề vì sao có hành lang pháp lý mà các trường không dám thực hiện thu kinh phí hoạt động Ban đại diện CMHS

Về nguồn kinh phí vận động CMHS trường, cô Chi cho biết, 2 năm nay nhà trường không vận động nguồn kinh phí CMHS trường. Để hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất cho trường, cô Chi thông tin, thực tế, đặc thù của trường là ví dụ với việc trang bị máy lạnh sẽ không phải xây dựng kế hoạch vận động phụ huynh học sinh trong lớp mà trong lớp sẽ có 1 vài phụ huynh học sinh sẽ đứng ra trang bị, cho nhà trường mượn. Bước vào lớp 1, lớp nào không có máy lạnh muốn trang bị thì 1, 2 mạnh thường quân trong lớp sẽ trang bị cho lớp có thể là máy mới hoặc máy đã qua sử dụng, bàn giao cho giáo viên, trở thành tài sản riêng của lớp dưới sự quản lý của cha mẹ học sinh. Cuối năm lớp 5, giáo viên chủ nhiệm sẽ trao đổi để những phụ huynh đó sẽ quyết định tài sản riêng đó mang về hay là tặng cho trường. Nếu trao tặng cho trường thì nhà trường cũng sẽ thông báo đến GVCN các lớp để nếu lớp nào có nhu cầu thì sẽ trang bị máy này.

“Hiện nay, 100% các lớp trong trường đều được trang bị ti vi thông minh, máy chiếu. Nguồn cơ sở vật chất này cũng đến từ học sinh lớp 5 ra trường tặng lại cho trường. Đặc biệt, 2 năm nay khi trường thực hiện Chương trình tiếng Anh tăng cường thì trao đổi thêm với các đối tác tổ chức để có sự hỗ trợ đầu tư cơ sở trang thiết bị. Ví dụ, năm học này trường đã làm việc với đối tác yêu cầu trang bị 1 ti vi đa điểm chạm, từ đó giảm áp lực rất lớn cho trường trong trang bị cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu việc đổi mới dạy và học…”.

Bà Mai Thị Hồng Hoa - Phó Chủ tịch UBND quận 1 cho biết, trong công tác quản lý, quận sẽ có những nghiên cứu để đi sâu, làm rõ hơn bản chất các nguồn hỗ trợ, vận động theo hình thức xã hội hoá, đảm bảo thực hiện theo đúng mục tiêu. Đồng thời, quan tâm làm rõ rằng tại sao thực tế các trường lại chưa mạnh dạn tổ chức thu các nguồn kinh phí hoạt động của hội CMHS trường mà đi vào thu nguồn quỹ tại các lớp học. Đặc biệt, quan tâm hơn tìm hiểu nguyên nhân vì sao có nhiều nguồn thu nhận được sự đồng thuận cao của phụ huynh, nhưng có những nguồn thu lại chưa được. Do thông tin truyền thông hay do nguồn thu chưa đáp ứng được sự mong đợi của phụ huynh học sinh…

Yến Hoa