Thứ năm, 12/11/2009, 11h11

Trăm năm trồng người: Bài 16: Chị em song sinh là cô giáo

Cô giáo Trần Thế Thanh Phương (phải) trao đổi với Hiệu trưởng THCS Vân Đồn

Nhà có hai chị em sinh đôi giống nhau như hai giọt nước. Từ nhỏ cùng học một lớp, vào sư phạm cùng chung một trường, những năm mới ra nghề lại cùng dạy một nơi. Không chỉ bạn bè, học sinh nhầm lẫn mà cả đồng nghiệp, phụ huynh học sinh nhiều lần cũng gọi cô em bằng tên chị và gọi người chị bằng tên của cô em. Đó là câu chuyện lý thú về cô giáo Trần Thế Thanh Phương và Trần Thế Thanh Hồng.
“Hai giọt sương” trong nhà
Thanh Phương và Thanh Hồng là hai cô con gái trong gia đình một nhà giáo có bốn người con. Cũng giống như các cặp sinh đôi khác, từ nhỏ hai chị em luôn là niềm tự hào của ba mẹ. Tuy nuôi hai đứa trẻ một lần có vất vả nhưng người mẹ rất vui vì lúc nào cũng có hai cô công chúa quấn quít ở bên cạnh. Những lần đi chơi cùng mẹ, Phương và Hồng luôn được mọi người chú ý và thích thú vì không chỉ khuôn mặt giống nhau như đúc mà đến áo quần, dép, nơ cài tóc cũng cùng một màu, một kiểu. Đến tuổi đi học, hai chị em lại cùng học chung từ lớp 1 cho đến lớp 12. Chị lên được lớp em cũng không phải lưu ban, chị em cứ thế “cầm tay nhau thẳng tiến”. Tốt nghiệp tú tài tưởng mỗi người đi theo một ngả để chọn nghề, ai dè Thanh Phương và Thanh Hồng một lần nữa “gặp nhau” tại Trường CĐSP TP.HCM (nay là Trường ĐH Sài Gòn). Tốt nghiệp trường sư phạm, hai chị em lại trở thành cô giáo dạy ngoại ngữ tại Trường THCS Trần Hưng Đạo (Đồng Nai).
Gắn bó với nhau như hình với bóng nên hai chị em đã làm cho không ít người cứ ngỡ chị là em hoặc ngược lại. Cô giáo Trần Thế Thanh Phương có cả một kho chuyện về sự nhầm lẫn vô tình này. Có khi cô thấy vui vui nhưng cũng có lúc gây rắc rối phiền toái cho mình và cả người khác. Thanh Phương kể: “Bạn bè đồng nghiệp thì đã quen nên ít nhầm lẫn nhưng thỉnh thoảnh một vài phụ huynh vào trường thấy tôi lại tưởng là Hồng rồi thắc mắc, mới thấy cô đứng ở trên lầu mà sao đã xuống đây nhanh thế. Tôi phải vội vàng cải chính lại để cho họ biết”. Tuy nhiên nhiều lúc cô cũng ái ngại cứ để cho người đối diện nói hết câu vì không muốn làm đứt “mạch cảm xúc” của họ. Thanh Hồng thì lại có chuyện khác vui hơn: “Dạo hai chị em cùng dạy chung Trường Trần Hưng Đạo nhiều HS hay bị lộn do các em mới nhập học nên chưa nhớ kỹ mặt cô. Tôi để tóc dài, chị Phương cắt tóc ngắn để cho mọi người phân biệt thế mà có HS gặp tôi còn hỏi, hôm qua tóc cô ngắn mà sao nay dài ra nhanh vậy. Tôi cười và liền “bật mí” bí mật của hai chị em cho học trò biết”.
Chuyện nghề nói chính xác lúc đầu cả “hai giọt sương” của Trường THPT Ngô Quyền (Đồng Nai) cũng chưa tính theo nghiệp của mẹ đâu. Thích làm bác sĩ nên Thanh Phương hăm hở thi vào Trường ĐH Y dược TP.HCM thế nhưng ước mơ vẫn chỉ là mơ ước. Có lẽ “nghề chọn người chứ không phải người chọn nghề” nên Phương và Hồng quyết định đi theo con đường của mẹ. Vì nhà ở xa nên hai chị em được ưu tiên ở trong KTX Nguyễn Kim của Trường CĐSP. Thời điểm này tuy đất nước đã mở cửa nhưng bao cấp vẫn chưa xóa hết hoàn toàn nên cuộc sống sinh viên vẫn còn kham khổ. “Phòng ở chật chội nhưng chứa 27-28 nữ sinh, lâu lâu cúp điện, cúp nước. Ăn uống thì rất đạm bạc, canh “đại dương” toàn nước lõng bõng, đậu hũ kho là chính” - Phương tâm sự. Với một thế hệ như cô thiệt thòi đó thì không sao nhưng thiệt thòi nhất là chuyện học hành. Học ngoại ngữ nhưng tài liệu thiếu, chủ yếu photocopy, máy móc thì ngoài mấy băng cassette chẳng có gì hơn. Cũng may sinh viên nào cũng xác định “không học khó thành tài” nên nhiều đêm vẫn chong đèn dầu để làm bài tập, nhớ thêm một vài từ mới trong từ điển.
“Gen lãnh đạo” của mẹ
Cho đến nay GV và HS Trường THCS Hùng Vương, TP. Biên Hòa (Đồng Nai) vẫn không quên hình ảnh Hiệu trưởng NGƯT Nguyễn Thị Cẩm Vinh 36 năm gắn bó với nghề, một đời tận tụy với trường, với lớp. Nhiều năm làm cán bộ quản lý, NGƯT Cẩm Vinh ngày đêm dốc tâm vào công việc chung để mong sao trường ngày một đi lên và lớn mạnh. Trong mắt những đứa con, bà là người mẹ đức độ có mối quan hệ tốt với mọi người và sống vô cùng giản dị. Thanh Phương tâm sự: “Dù đã lớn tuổi nhưng mẹ vẫn không ngại chuyện học hành. Tôi nhớ nhất là năm mẹ theo học nâng chuẩn ở Trường CĐSP Đồng Nai”. Cứ sáng sớm mẹ mang cơm nắm đi theo học cả ngày tới chiều tối mới về. Nhìn bóng dáng hao gầy cúi lưng đạp trên chiếc xe đạp khuất dần trước ngõ, cô vừa cảm phục vừa thương mẹ. Cũng có lúc thấy mẹ quá bận rộn việc trường nên chị em bảo nhau lo học, lo làm đỡ đần thêm cho mẹ bớt vất vả. Lo cho học sinh đến mức trước khi nghỉ hưu NGƯT Nguyễn Thị Cẩm Vinh còn kịp làm hồ sơ để xin xây dựng lại trường mới. Giống mẹ “gen lãnh đạo” nên ngoài giảng dạy Thanh Phương và Thanh Hồng cũng tham gia rất nhiều hoạt động xã hội. Cả hai chị em cũng đã hoàn tất chương trình chuyên tu cử nhân tiếng Anh. Nhiều năm là Thư ký công đoàn Trường THCS Vân Đồn, Q.4, TP.HCM, Thanh Phương đã có nhiều đóng góp trong công tác chăm lo đời sống anh em cán bộ, giáo viên trong trường. Không bao giờ Thư ký công đoàn “bỏ sót” những đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, mẹ già con yếu, bệnh tật liên miên. Cô cho biết đa phần là một số nhân viên bảo vệ, tạp vụ trong trường. Tuy nhiên cũng có một số thầy cô quá khó khăn như thầy Chương, cô Vân “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” giúp được chút nào hay chút đó. Sáng tạo hơn, BCH Công đoàn còn hướng 2 giáo viên dạy môn công nghệ chuyên tu thêm bằng 2 tiếng Anh để nâng trình độ ngoại ngữ và dạy thêm. Luôn là người đứng mũi chịu sào trong các phong trào bề nổi, Thanh Phương còn sát cánh cùng BGH nhà trường hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học. Với những thành tích trên, nhiều năm liền là chiến sĩ thi đua cấp TP, Thanh Phương còn được Liên đoàn Lao động TP.HCM cấp bằng khen. Có vẻ như cô đang thừa hưởng “gen lãnh đạo” từ người mẹ thân yêu của mình. Bây giờ mẹ sống với người anh ở Biên Hòa nên lúc nào Phương cũng trăn trở là chưa giúp mẹ được gì cả nhất là song thân đã già yếu. Phương biết mẹ thương đứa con xa nhà nhất nên nhiều lúc cô ước gì mình có đôi cánh bay vù về lại ngôi nhà xưa và chạy sà vào lòng mẹ như ngày nào còn thơ bé.
Hương Thủy