Thứ năm, 4/8/2016, 20h54

Hướng tới Kỉ niệm 55 năm Ngày thảm họa da cam dioxin Việt Nam (10-8-1961/ 2016): Một đời chăm con mọn

Bà Mít ngồi bệt trên bậu cửa, đôi tay cố bấu vào đôi chân mình, rướn người lên một chút như muốn tìm điểm tựa. Bên trong ngôi nhà ánh sáng lờ mờ, tiếng hú hét rờn rợn của thằng Chuối và tiếng cười vô hồn của thằng Trường cứ nối nhau, 33 năm qua chưa dứt - Tiếng hét đòi làm người!…

Hơn 30 năm nay, vợ chồng bà Mít quần quật chăm con bị nhiễm dioxin, chưa một ngày thảnh thơi

Hơn 30 năm chăm con mọn

Căn nhà cấp 4 cũ nát của vợ chồng ông Nguyễn Văn Lộc, bà Lê Thị Mít nằm lọt giữa bốn bề cây cối um tùm ở xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ (Quảng Trị). Vệt mòn trên con đường nhỏ dẫn vào nhà chỉ đủ đặt bàn chân. Ước chừng căn nhà ấy ít bước chân người lắm. Tiếng hú hét vọng ra từ căn nhà nghe rờn rợn. Bà Mít loay hoay với mấy việc vặt trong nhà, vừa trông chừng hai thằng con, một lê lết trên nền đất, đứa còn lại nằm trên chiếc giường cũ xập xệ. Lâu lâu, bà đưa bàn tay chai sần lên lau mắt cho đỡ nhòa. “70 tuổi, vẫn chăm con mọn!”, giọng bà trầm đục. Cũng như bao nhiêu gia đình ở thôn dã khác, 4 rưỡi sáng đã nghe tiếng bà lục đục dọn dẹp. Chỉ khác là không phải chuẩn bị cho ngày mới với công việc đồng áng, mà là lo cho hai đứa con thức giấc. Hơn 30 năm qua, vẫn một cảnh ấy. Cơm nước cho con tươm tất, ông Lộc và vội bát cơm, lại lật đật ra đồng cắt cỏ, chăm mấy chục gốc tiêu, kiếm đồng ra đồng vào trang trải cho gia đình bốn miệng ăn. Còn lại một mình bà Mít chạy đua với thời gian, con cái. Duy chỉ có một thứ cần phải “chạy” thì suốt hơn 30 năm qua vẫn giậm chân một chỗ như muốn trêu ngươi và thách thức lòng kiên nhẫn của những người làm cha, làm mẹ. Trên nền nhà, thằng Trường phát ra những âm thanh lặp đi lặp lại: Pa pa pa… quấn lấy chân bà Mít đòi ăn, đòi tắm, đòi bế bồng. 33 tuổi vẫn như đứa trẻ lên 2. Đôi chân co quắp, mọi di chuyển đều lê lết. Đôi tay cứ liên tục đưa lên che một bên mắt như thể với Trường, thế giới bên ngoài kia rất chói, hoặc giả Trường muốn nhìn rõ hơn cuộc sống đời thường vốn dĩ chưa một lần được chạm tới. Trong góc nhà, trên chiếc giường cũ, thằng Chuối cất tiếng hú hét rờn rợn đầy ám ảnh. Đôi tay cào xé từng sợi chiếu cói.

Xế trưa, ông Lộc lật đật buông gánh cỏ vừa cắt được xuống góc sân, đưa ống tay áo cũ sờn quệt vội những giọt mồ hôi trên khuôn mặt khắc khổ. Thấy chồng về, bà Mít rót cốc nước chè xanh cho ông giải khát, lật đật đi tìm cái kéo rồi cùng chồng cắt móng tay, tỉa râu và cắt tóc cho con. “Chừng ni tuổi, như con người ta thì đã có cửa nhà, con cái đề huề…”. Bà nói, tay vẫn rê cái kéo cắt tóc cho con. Giữ con ngồi yên cho vợ khua tay kéo, ông Lộc dỗ dành con. Xong việc, bà Mít lại xoay ra giặt giũ. Đôi chân già nua liên tục đạp vào đống áo quần cao ngất. Bà bảo: “Già rồi, mỗi ngày giặt ít nhất ba bận như ri. Ngồi mãi đau lưng mà đạp thì đêm về nhức chân lắm. Mùa nắng còn đỡ, mùa mưa phải dăm ba ngày áo quần mới chịu khô, không kịp cho hai đứa nó mặc”.

Điều ước nhỏ nhoi

Vùng Cùa trong chiến tranh là túi hứng bom. Những cánh rừng xanh mướt qua một đêm sau khi máy bay Mỹ quần lượt rải chất độc da cam trở nên trơ trụi. Hòa bình, tái thiết quê hương, bà con lại cùng nhau về nơi quê xứ chôn nhau cắt rốn, cặm cụi làm ăn, dìu nhau qua gian khó. Mảnh bom, quả đạn - thủ phạm gây chết chóc trong chiến tranh trở thành kế sinh nhai cho những người dân nghèo khó. Vợ chồng bà Mít cũng mưu sinh bằng nghề nhặt phế liệu chiến tranh. “Ngoài mùa trồng cây sắn, cây khoai, ngày nông nhàn thì hai vợ chồng đi nhặt phế liệu, đem về bán để mua gạo. Một cây sắt nhọn cứ thọc vào lòng đất, thấy vấp chỗ nào thì dừng lại để đào. Hồi ấy, thi thoảng tui cuốc trong đất thấy nhiều thùng phuy. Có hôm cuốc phải thùng có chứa chất màu trắng, tui thấy ngột ngạt rồi ngất đi. Bây giờ có ti vi, báo, đài mới biết đó là chất độc da cam chứ ngày đó có hiểu gì đâu”, ông Lộc kể lại. Tỉnh dậy sau ba ngày mê man, ông Lộc tưởng thế là qua đận rủi ro, không ngờ, cái thứ màu trắng ấy dai dẳng truyền vào thế hệ các con, trong tiếng hú hét của thằng Chuối, trong những lời nói vô nghĩa và đôi tay luôn che khuất nửa mặt của thằng Trường. “Mình sinh con ra, mình cực một thì con cực mười!”, đôi mắt ông Lộc đỏ hoe.

Hơn 30 năm, mái tóc chuyển màu xanh thành bạc, vợ chồng ông Lộc chưa một ngày được thảnh thơi. “Người ta nằm xuống có con chăm sóc. Chừ vợ chồng tui nằm xuống chưa lo ai chăm, đã lo không ai chăm con”. Ngồi trên bậu cửa, ông Lộc nhìn xa xăm về phía đường cái quan. Nơi mỗi sáng, ông bà ngóng theo những chiếc xe của những người trong thôn chở con đến trường. Chợt bà Mít nói như chỉ đủ một mình nghe: “Ước chi có một trung tâm nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật để mai kia vợ chồng nằm xuống, hai con còn có chỗ nương nhờ!...”.

Bài, ảnh: Phan Lệ