Thứ hai, 16/11/2009, 08h11

Trăm năm trồng người: Bài 18: Cả nhà dạy tiểu học

Cô giáo Bích Hiền (trái) và cô em gái Tuyết Lan

Cô Phùng Thị Bích Hiền hiện đang là giáo viên Trường TH Nguyễn Đình Chiểu - Q. Bình Thạnh. Gia đình cô có 5 nhà giáo. Điều đặc biệt là cả 5 người trong nhà (mẹ, dì, hai chị em gái và người em rể) đều công tác tại các trường tiểu học.
Đất lành chim đậu   
Trong gia đình, người gắn bó lâu nhất với sự nghiệp giáo dục tiểu học là nhà giáo Trần Thị Ái - mẹ của Bích Hiền. Thời trẻ tuổi, cuộc đời phấn bảng của cô gái đất Long An gắn bó với những ngôi trường TH ở TP. Cần Thơ. Sau năm 1975 bà về dạy học tại Trường TH Nguyễn Bá Ngọc (Q. Bình Thạnh, TP.HCM). Tuy không “lặn lội thân cò khi quãng vắng” như người vợ nhà thơ Tú Xương nhưng bà cũng phải nuôi đủ năm con với một chồng bằng nghề dạy học của mình. Trong thời kỳ khó khăn của những năm đầu mới giải phóng ai cũng phải lao vào vòng xoáy làm thêm để kiếm thêm kế sinh nhai. Riêng bà Ái lại làm thêm bằng cách mở lớp tại nhà, thu nhập không bao nhiêu nhưng lại đúng nghề và quan trọng hơn là để chữ nghĩa của học trò không bị rơi rụng. Nhiều hôm đứng nhìn mẹ dạy chữ, Bích Hiền thấy cũng thích thích và dần dần mê luôn nghề “gõ đầu trẻ”. Hôm nào mẹ đi vắng hoặc mệt, Hiền trở thành cô giáo dạy thế cho lớp học nhỏ. “Tiếng hát em thơ lay động trường làng, Yêu biết mấy mái trường và em nhỏ” - Không biết tự bao giờ câu ca đó cứ ngân nga và len vào lòng Bích Hiền để rồi hình ảnh cô giáo trẻ đã trở thành niềm mơ ước của cô nữ sinh Trường THPT Hoàng Hoa Thám. Năm 1988 học xong lớp 12, Bích Hiền vào học Trường Trung học Sư phạm TP.HCM và hai năm sau trở thành cô giáo dạy lớp 1 của Trường TH Nguyễn Đình Chiểu. Năm 1990, Trường TH Nguyễn Đình Chiểu là một trong những trường bắt đầu thí điểm dạy chương trình thực nghiệm của GS. Hồ Ngọc Đại nên thiếu GV đứng lớp. Ban giám hiệu nhà trường liền lên tiếng “cầu cứu” Trường Sư phạm và Bích Hiền đã được mời về đứng lớp. Cô giáo Hiền kể: “Năm đó tôi đang đi thực tập ở Trường TH Trần Quang Khải, quận 1 thì được mời đi học thêm khóa học về chương trình giảng dạy theo công nghệ mới của GS. Hồ Ngọc Đại. Sau đó cùng với điểm thi tốt nghiệp cao, tôi được phân công thẳng về Trường TH Nguyễn Đình Chiểu”. Trường Trung học Sư phạm TP vừa tiễn chân người chị ra trường thì năm sau lại giang rộng vòng tay đón cô em vào học. Như duyên tiền định, cô em út Phùng Thị Kim Ngọc cũng nối gót mẹ, dì và chị gái trở thành cô giáo của Trường TH Bình Hòa ở trong quận. Vòng tay đó còn được nới rộng thêm khi Kim Ngọc kết duyên với thầy Vũ Hoàng Sơn - GV Trường TH Bình Hòa để trong nhà có tất cả 5 người dạy TH. Hình như thấy việc gia đình đóng góp cho ngành GD như thế cũng chưa đủ nên còn một cô con gái nữa trong nhà là Phùng Tuyết Lan cũng vào Trường TH Nguyễn Đình Chiểu công tác bằng nghề bảo mẫu. Có một điều lạ và trùng hợp lý thú nữa mà tôi biết được là trong gia đình bà Ái ai cũng gắn bó gần như là cả đời với một ngôi trường mà mình đã công tác. Bà Ái 20 năm chỉ dạy Trường TH Nguyễn Bá Ngọc cho đến khi về hưu. Bích Hiền 19 năm nay vẫn tâm huyết với Trường TH Nguyễn Đình Chiểu. Hai vợ chồng cô Phùng Thị Kim Ngọc cũng chỉ thủy chung với Trường TH Bình Hòa mà thôi. Người xưa nói: “Đất lành chim đậu”, phải chăng điều này cũng không sai với gia đình nhà giáo Trần Thị Ái.
Đức hiền tại mẫu
Nếu ai đó từng nói: “Người thầy là người phải học suốt đời” thì điều này cũng đúng với cô giáo Phùng Thị Bích Hiền. Sau 7 năm ra trường Bích Hiền là một trong 3 GV được BGH nhà trường “chọn mặt gửi vàng” học lên chương trình cao đẳng. Công việc ở trường bán trú vốn đã chất như núi bây giờ lại phải vừa làm thầy vừa làm trò nên Hiền rất bận rộn. Những ngày cuối tuần, chủ nhật người ta lại thấy cô giáo trẻ Trường Nguyễn Đình Chiểu vội vàng chạy xe đạp cà tàng đến Trường Sư phạm bổ túc nghiệp vụ, nâng cao tay nghề. Thế nhưng những giọt mồ hôi nhỏ xuống hàng ngày không hề uổng phí, sau hai năm Hiền đã hoàn thành xuất sắc chương trình cao đẳng. Thế nhưng cô vẫn chưa dừng chân ở đó, đến năm 2001 đồng nghiệp càng thán phục hơn khi Hiền đăng ký học lên đại học để “chiếm đoạt” cho được bằng cử nhân TH. Hiền tâm sự: “Tự bản thân người GV phải trau dồi tri thức nhất là trong thời kỳ hội nhập hiện nay”. Theo cô, với ngành GD thì tất cả không được giẫm chân tại chỗ mà ngày mai phải hơn ngày hôm nay. Tuy không phải là một người cản bộ quản lý nhưng rõ ràng cô đã có một tầm nhìn xa đối với sự vận hành của thời cuộc.
Từ nhỏ Bích Hiền “thông minh vốn sẵn tính trời” nên mới 5 tuổi đã được mẹ đưa vào trường học lớp 1. Tuy phải gọi bạn bè trong lớp bằng anh, bằng chị nhưng việc học thì cô bé lại không hề thua kém ai trong lớp. Khi chuyển cấp mẹ cũng rất lo sợ con gái mình không đủ tuổi phải ở lại lớp nhưng rất may hồi đó người ta còn “thoáng” chuyện này nên Hiền cứ lên lớp một lèo không hề “vướng bận” gì cả. Nhiều năm dạy TH lại dạy lớp 1 nên cô hiểu rõ nỗi vất vả của GV dạy lớp đầu cấp, nhưng bằng tình yêu trẻ yêu nghề dường như những nhọc nhằn vất vả của đời thường đều bị xóa tan. Niềm vui càng lớn lao khi 2 cô công chúa trong nhà đang là HS giỏi Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa và TH Nguyễn Đình Chiểu. Ấm lòng hơn là tình cảm của HS đối với nghề “trồng hoa”, và đó chính là câu chuyện của hai người anh trai Hiền đi hợp tác lao động ở Đức. Trong lúc mới sang xứ người còn “lạ nước lạ cái” chưa có việc làm may mắn gặp được người đồng hương. “Trà dư tửu hậu” hỏi gốc tích mới biết anh ta là Lưu Đình Bắc - học trò cũ của mẹ Ái. Gặp lại con trai cô giáo của mình, Bắc xúc động kể lại câu chuyện năm xưa ba là tài xế xe lam bị tai nạn mất sớm, cô Ái đã tìm cách giúp đỡ và khuyên nhủ mấy anh em Bắc cố học thành người. Sau này, nhờ Bắc mà hai con trai của cô giáo Ái có chỗ trọ, kiếm được việc làm và bớt lạnh lẽo khi có tình cảm nồng ấm giữa xứ người. Nghe Hiền kể xong tôi thầm nghĩ, phải chăng đó chính là một kết thúc đẹp của câu chuyện cổ tích: “Đức hiền tại mẫu” trong đạo lý truyền thống người Việt Nam.
Hương Thủy