Chủ nhật, 19/9/2021, 10h06

Biến thể COVID-19 A.23.1 nguồn gốc từ Châu Phi đáng lo ngại đến mức nào?

Biến thể COVID-19 A.23.1 có nguồn gốc từ Châu Phi cho thấy dấu hiệu đáng lo ngại về các biến thể COVID-19 trong tương lai.
Biến thể B.23.1 có nguồn gốc từ Châu Phi đã được tìm thấy ở 26 quốc gia trên thế giới.
Biến thể A.23.1
Theo tạp chí y khoa Nature, biến thể COVID-19 mang tên A.23.1 lần đầu tiên được phát hiện ở Uganda vào tháng 10.2020. Đến nay, nó đã xuất hiện tại 26 quốc gia - trong đó từng xuất hiện ở Việt Nam vào tháng 2.2021 - nhưng chỉ gây ra gần 2.000 ca nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới. Biến thể này vẫn chưa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp loại là một biến thể đáng lo ngại hoặc cần quan tâm.
Biến thể A.23.1 COVID có gì khác biệt?
Forbes đưa tin, biến thể A.23.1 chứa một vài đột biến được tìm thấy ở các biến thể đáng lo ngại hiện nay nhưng đồng thời cũng có tới 6 biến đổi riêng biệt.
Tuy nhiên, biến thể này “không có chung nguồn gốc với tất cả các biến thể được quan tâm hoặc đáng lo ngại, bao gồm Alpha, Beta, Gamma, Delta và Mu”, theo Forbes.
Tất cả các biến thể đó đều chứa một đột biến chỉ ra nguồn gốc chung. Nhưng điều này không có ở A.23.1.
Trên thực tế, biến thể A.23.1 có nhiều mối liên hệ hơn với biến thể A.30, được tìm thấy đầu tiên ở Angola, và có thể có nguồn gốc ở Tanzania. Cả hai biến thể này không có chung nguồn gốc với các dòng biến chủng virus khác, Forbes báo cáo.
Theo Forbes, việc phát hiện ra hai biến thể khác biệt nhưng có mối quan hệ nhất định với nhau ở Đông Phi là đáng lo ngại. Các quan sát cho thấy các biến thể này phát sinh độc lập với tất cả các biến thể khác trên thế giới, và thiếu đi bộ 3 đột biến đặc biệt liên kết tất cả các biến thể đó. Điều này chỉ ra khả năng thích ứng linh hoạt của virus SARS-CoV-2 với các điều kiện địa phương.
Tại sao biến thể A.23.1 COVID lại nguy hiểm?
Các nhà khoa học ở Châu Phi lo ngại về sự lây lan của các biến thể COVID-19 trong lục địa này. Các biến thể COVID-19 sẽ tiếp tục xuất hiện từ Châu Phi - một phần là do thiếu vaccine và tỉ lệ tiêm chủng thấp - có thể dẫn đến các đột biến kháng vaccine, theo Bloomberg.
Bloomberg đưa tin, kết quả nghiên cứu do nhóm các nhà khoa học gồm 112 người Châu Phi và 25 tổ chức quốc tế tiến hành cho biết “việc chậm triển khai vaccine COVID-19 ở hầu hết các nước Châu Phi có thể tạo ra một môi trường mà virus có thể sản sinh và đột biến - gần như chắc chắn sẽ tạo ra thêm nhiều biến thể đáng lo ngại (VOC). Bất kỳ VOC nào trong số đó có thể làm chệch hướng cuộc chiến chống lại COVID-19 trên toàn cầu”.
Trong khi hơn một nửa dân số Mỹ và hơn 60% người dân ở Liên minh Châu Âu được tiêm chủng đầy đủ, chỉ 3,2% trong số 1,2 tỉ người ở Châu Phi đã được tiêm đủ 2 liều. Điều này dẫn đến làn sóng đại dịch nghiêm trọng ở nhiều quốc gia và sự xuất hiện của các biến thể mới ở Châu Phi.
BẢO CHÂU (theo laodong)