Thứ sáu, 26/4/2024, 10h52

Mỹ: Quy định mới về hoãn, hủy chuyến bay

Những thay đổi về quy định hoàn tiền được cho là sẽ tăng đáng kể chi phí của ngành công nghiệp hàng không và tác động mạnh đến các hãng giá rẻ

Bộ Giao thông Vận tải Mỹ (USDOT) hôm 24-4 công bố các quy định mới, theo đó chỉ rõ các trường hợp mà hành khách có quyền được hoàn tiền cho chuyến bay khởi hành từ hoặc đến Mỹ, cũng như chuyến bay nội địa. 

Theo trang Bloomberg, mục tiêu là làm cho việc nhận lại tiền trở nên dễ dàng hơn, cũng như giúp chính sách hoàn tiền trở nên nhất quán hơn giữa các hãng hàng không. Theo USDOT, số lượng phàn nàn liên quan đến việc các hãng hàng không và đại lý vé máy bay từ chối hoặc trì hoãn hoàn tiền chiếm 87% tổng số phàn nàn về dịch vụ đi lại hàng không năm 2020.

Theo quy định mới, các hãng hàng không ở Mỹ buộc phải lập tức và tự động hoàn tiền cho hành khách nếu chuyến bay bị hủy. Quy định về hoàn tiền được áp dụng mà không phân biệt lý do chuyến bay bị hủy, kể cả lý do thời tiết. Tuy nhiên, hành khách không được hưởng quyền lợi này nếu họ được đặt vé lại và đi trên một chuyến bay khác. 

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Mỹ, ông Pete Buttigieg, lưu ý quy định mới nói rõ rằng hành khách sẽ được hoàn tiền mặt trong vòng 7 ngày cho chuyến bay chứ không phải bằng voucher.

Mỹ: Quy định mới về hoãn, hủy chuyến bay- Ảnh 1.

Các màn hình hiển thị thông tin chuyến bay tại sân bay Dallas Fort Worth Airport ở TP Dallas, bang Texas - Mỹ hồi tháng 1-2024. Ảnh: Reuters

Cũng theo quy định mới, hành khách có quyền được hoàn tiền nếu chuyến bay có "thay đổi đáng kể", như chuyến bay nội địa bị hoãn ít nhất 3 giờ và chuyến bay quốc tế bị hoãn ít nhất 6 giờ; hạng vé máy bay bị giảm, như từ vé hạng nhất xuống vé phổ thông; thay đổi sân bay khởi hành hoặc sân bay đến… 

Ngoài ra, hành khách nào trả tiền cho một dịch vụ, như WiFi hoặc giải trí trên máy bay, và không nhận được dịch vụ đó cũng được hoàn tiền.

Các hãng hàng không còn được yêu cầu hoàn trả phí hành lý nếu hành lý bị thất lạc và không được giao trong vòng 12 giờ đối với chuyến bay nội địa. Các chuyến bay quốc tế sẽ có 15-30 giờ để trả lại hành lý thất lạc. Ngoài ra, quy định cũng yêu cầu hãng hàng không và đại lý vé thông báo trước cho người tiêu dùng về phí hành lý, thay đổi và hủy chuyến bay.

Theo Reuters, Bộ Giao thông Vận tải Mỹ cho biết các quy định mới sẽ giúp người tiêu dùng tiết kiệm 543 triệu USD hằng năm. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng cho rằng quy định mới sẽ bảo đảm hành khách tự động được hoàn trả tiền trong những trường hợp nói trên, cũng như bảo vệ họ khỏi các khoản phí bất ngờ.

Những thay đổi về quy định hoàn tiền được cho là sẽ làm tăng đáng kể chi phí của ngành công nghiệp hàng không. Theo chuyên gia Daniel McKenzie của Công ty Seaport Research (Mỹ), các hãng hàng không giá rẻ có thể bị tác động mạnh mẽ hơn bởi trong trường hợp phải tăng chi phí để tuân thủ quy định mới, họ trở nên ít cạnh tranh hơn.

Nhóm "Airlines for America", đại diện cho các hãng hàng không lớn ở Mỹ, cho biết các hãng này cam kết "cung cấp dịch vụ chất lượng cao nhất, bao gồm sự rõ ràng về giá cả, phí và các điều khoản vé". Tuyên bố của nhóm này cho biết thêm các hãng hàng không Mỹ đang cung cấp nhiều lựa chọn và dịch vụ tốt hơn trong khi giá vé, trong đó có doanh thu phụ trợ, đều ở "mức thấp kỷ lục".

Ông Buttigieg cho biết quy định mới sẽ có hiệu lực sau khoảng 6 tháng. Bộ trưởng này cho biết thêm nhiều quy định khác đang được xem xét, trong đó có mở rộng quyền lợi cho hành khách sử dụng xe lăn và cho phép cha mẹ ngồi cùng con cái trên các chuyến bay mà không bị tính phí.

Ngoài ra, USDOT sẽ tiếp tục mạnh tay với các hãng hàng không vi phạm quy định. Bộ trưởng Buttigieg chỉ ra mức phạt kỷ lục 140 triệu USD đối với hãng Southwest Airlines Co. do sự cố khiến hơn 2 triệu hành khách mắc kẹt hồi tháng 12-2022. Theo ông Buttigieg, việc thực thi nghiêm ngặt này không phải là ngoại lệ mà là tiêu chuẩn mới.

Theo Hoàng Phương/NLĐO