Thứ ba, 21/9/2021, 09h57

COVID-19 vượt đại dịch cúm 1918 thành dịch chết chóc nhất ở Mỹ

Ngày 20.9, Mỹ trải qua cột mốc nghiệt ngã khi số người tử vong do COVID-19 đã vượt qua đại dịch cúm năm 1918.
AFP đưa tin, theo dữ liệu mới, mặc dù đã có một thế kỷ tiến bộ về y học, nhưng số người Mỹ chết vì COVID-19 tính đến ngày 20.9 đã nhiều hơn số người không chịu nổi đại dịch cúm năm 1918.
Mỗi chiếc cờ trắng trước Đài tưởng niệm Washington biểu thị cho một nạn nhân chết vì COVID-19 ở Mỹ.
Cột mốc nghiệt ngã mới nhất xảy ra khi Mỹ đang trải qua làn sóng thứ tư do biến thể Delta gây ra, với tỉ lệ tiêm phòng thấp ở nhiều vùng là nguyên nhân chính gây tử vong.
Công cụ theo dõi của Đại học Johns Hopkins cho thấy Mỹ có 675.722 ca tử vong do COVID-19, vượt qua con số 675.000 ca tử vong ở nước này trong đợt bùng phát dịch cúm bắt đầu vào năm cuối cùng của Thế chiến thứ nhất. Ngoài số ca tử vong cao, Mỹ còn dẫn đầu thế giới về số ca mắc COVID-19 được ghi nhận.
Dân số Mỹ, hiện ở mức 332 triệu người, cao hơn nhiều so với 100 năm trước. Tờ The Washington Post cho hay, theo thống kê, cứ 150 người thì có 1 người chết vì bệnh cúm năm 1918 ở Mỹ, còn hiện tại, cứ 500 người thì có 1 người chết vì COVID-19.
Ngày nay, Mỹ đang báo cáo hơn 1.300 ca tử vong hàng ngày do COVID-19 chủ yếu là những người chưa được tiêm phòng.
Khoảng 50 triệu người chết trên toàn thế giới trong đại dịch cúm 1918 - đôi khi được gọi "bệnh cúm Tây Ban Nha" - khiến nó trở thành sự kiện chết chóc nhất trong lịch sử nhân loại, theo các nhà dịch tễ học.
Con số này vượt xa số ca tử vong do COVID-19 trên toàn cầu cho đến nay là khoảng 4,7 triệu. Nhưng Mỹ đã phải gánh chịu 14% số ca tử vong trong số này, mặc dù chỉ chiếm 5% dân số thế giới.
Dân số Mỹ vào năm 1918 chưa bằng 1/3 so với bây giờ, có nghĩa là số ca tử vong do cúm sẽ tương đương với khoảng 2,2 triệu người trong điều kiện ngày nay.
Không giống như các đợt bùng phát ngày nay, ảnh hưởng nhiều nhất đến trẻ em và người già, đại dịch cúm năm 1918 gây ra tỉ lệ tử vong cao bất thường ở những người trẻ tuổi.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), do không có vaccine và không có thuốc kháng sinh cho các biến chứng do vi khuẩn thứ cấp, nên những nỗ lực kiểm soát đại dịch cúm bị hạn chế trong những năm 1918-19 đối với các biện pháp không dùng thuốc, bao gồm cách ly, vệ sinh cá nhân, sát khuẩn và hạn chế tụ tập công cộng.
Nhiều biện pháp tương tự, bao gồm cả đeo khẩu trang, đã được khuyến nghị khi đại dịch COVID-19 bắt đầu. Tuy nhiên, hiện nay đã có nhiều loại vaccine an toàn và hiệu quả cao được phát triển và thử nghiệm trong thời gian kỷ lục, nhưng 24% người trưởng thành ở Mỹ, tương đương gần 60 triệu người, vẫn chưa tiêm liều đầu tiên. 
Hiện tượng này bị ảnh hưởng bởi một bầu không khí chính trị phân cực và cái mà các chuyên gia gọi là một cuộc khủng hoảng nhận thức luận, với thông tin sai lệch làm tăng mức độ do dự của việc tiêm vaccine lên một tầm cao mới trong lịch sử.
Ngoài vaccine, các phương pháp điều trị hiệu quả đã được phát triển như sử dụng kháng thể đơn dòng, corticosteroid để giảm các phản ứng miễn dịch tăng động ở bệnh nhân COVID-19 nặng và dùng máy thở.
Đối với bệnh cúm năm 1918, hậu duệ của chủng H1N1 tiếp tục tạo nên các loại virus cúm theo mùa mà chúng ta chống lại ngày nay, với mức độ nghiêm trọng hơn nhiều.
Rất khó để so sánh đại dịch COVID-19 hiện tại với đại dịch xảy ra vào năm 1918, tuy nhiên mối liên hệ là rất quan trọng, vì cả hai đều nằm trong số những sự kiện thương vong hàng loạt thảm khốc nhất trong lịch sử Mỹ.
KHÁNH MINH (theo laodong)